Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển thương mại, dịch vụ cho các vùng nông thôn

03:02, 23/02/2021

Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), đầu tư cho hạ tầng thương mại nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng. Các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng rất chú trọng đến tiêu chí này vì phục vụ cho nhu cầu đời sống thiết yếu của dân cư nông thôn đồng thời là kênh phân phối, tiêu thụ nông sản.

Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), đầu tư cho hạ tầng thương mại nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng. Các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng rất chú trọng đến tiêu chí này vì phục vụ cho nhu cầu đời sống thiết yếu của dân cư nông thôn đồng thời là kênh phân phối, tiêu thụ nông sản.

Nông sản của Đồng Nai được tiêu thụ tốt tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất). Ảnh: B.NGUYÊN
Nông sản của Đồng Nai được tiêu thụ tốt tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất). Ảnh: B.NGUYÊN

Theo đó, ngay cả những huyện thuần nông cũng quan tâm phát triển đồng bộ cả các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ nhằm tạo đà cho sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.

* Chợ nông thôn văn minh, hiện đại

Theo báo cáo của Sở Công thương, đầu tư về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn là tiêu chí số 7 trong bộ tiêu chí xây dựng NTM. Để thực hiện tiêu chí này, UBND tỉnh nói chung, ngành Công thương Đồng Nai nói riêng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; từng bước giảm tình trạng kinh doanh tự phát, ổn định tình hình kinh doanh, phát triển Thương mại - dịch vụ ở khu vực nông thôn. Tỉnh cũng tổ chức triển khai thực hiện các quy hoạch phát triển ngành thương mại dịch vụ; quy hoạch phát triển mạng lưới chợ; đề án phát triển thương mại nông thôn trên địa bàn tỉnh. Xây dựng cơ chế, chính sách và hỗ trợ xây dựng điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi Tự hào hàng Việt nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu của người tiêu dùng tại các địa phương chưa đầu tư xây dựng chợ.

Theo Chủ tịch UBND Cao Tiến Dũng, với người nông dân thì càng tiếp cận được sát với thị trường chừng nào thì càng có lợi chừng đấy. Tỉnh đã đầu tư chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây, tới đây sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chợ, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản một cách trực tiếp, tránh bớt khâu trung gian. Bên cạnh đó, việc xây dựng chuỗi liên kết giữa các nhà nông, HTX, doanh nghiệp... cũng góp phần đảm bảo sản xuất được thông suốt và tiêu thụ sản phẩm được tốt nhất.

Kết quả đến nay, toàn tỉnh phát triển được 160 chợ đang hoạt động trong quy hoạch. Trong đó có 1 chợ đầu mối, 9 chợ hạng 1, 30 chợ hạng 2 và 120 chợ hạng 3. Hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh đã góp phần giải quyết an sinh xã hội, công ăn việc làm, thu nhập cho hơn 20 ngàn hộ kinh doanh. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 5 trung tâm thương mại, 12 siêu thị đang hoạt động. Hệ thống chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng... cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, nông sản cho nông dân và cung ứng các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng tại các địa phương.

Từ nhiều năm nay, Đồng Nai triển khai chương trình thí điểm xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn từ khâu sản xuất đến cung ứng, tiêu thụ tại nhiều chợ truyền thống. Theo đó, nhiều quầy bán thực phẩm tươi sống như thịt, rau, quả... tại chợ truyền thống ở các huyện Tân Phú, Vĩnh Cửu được gắn bảng công nhận thịt không chất cấm; rau, quả được kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật... Chương trình tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm, kỹ năng bán hàng cho tiểu thương cũng được tổ chức thường niên.

Bà Trần Thị Lan, tiểu thương bán thịt heo tại chợ Phương Lâm (H.Tân Phú) cho biết, sạp thịt của bà tham gia chuỗi thực phẩm an toàn nên nguồn gốc thịt heo được kiểm soát từ hộ chăn nuôi, đưa vào giết mổ tại cơ sở giết mổ Lifsap, được cán bộ thú y địa phương lấy mẫu kiểm tra không chất cấm, sản phẩm đạt chuẩn an toàn mới đưa ra sạp bán đến tay người tiêu dùng. Sạp thịt của bà Lan được gắn logo, bảng hiệu công nhận sản phẩm an toàn nên được người tiêu dùng tin tưởng chọn mua.

* Mở rộng kênh tiêu thụ nông sản

Ngoài hệ thống chợ truyền thống, Đồng Nai còn quan tâm đầu tư xây dựng chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất) có quy mô 55ha, với tổng vốn đầu tư trên 1.400 tỷ đồng nhằm tổ chức được đầu mối tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 1, chợ được đầu tư với diện tích 2ha có quy mô 216 ô, vựa, ki-ốt với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng. Qua hơn 3 năm đi vào hoạt động, đến nay, 100% số ô, vựa của chợ đã được lấp đầy, nông sản tiêu thụ tăng dần đều theo mỗi năm, trung bình tiêu thụ khoảng 250-300 tấn nông sản/ngày đêm. Riêng cao điểm các dịp lễ, Tết, sức tiêu thụ lên đến 500-700 tấn/ngày đêm.

Thời gian qua, có hàng chục chương trình kết nối nhằm đưa nông sản của Đồng Nai vào chợ đầu mối này. Theo đó, nông sản của Đồng Nai đang chiếm tỷ lệ áp đảo từ 50-55% tổng sản lượng nông sản tiêu thụ tại chợ. Ông Đào Văn Cương là thương lái chuyên thu mua trái cây ở các huyện Tân Phú, Định Quán… đưa về bán lẻ tại các chợ địa phương. Khi chợ đầu mối Dầu Giây đi vào hoạt động, ông Chương đưa trái cây về đây tiêu thụ. Theo ông Chương: “Chợ đầu mối hoạt động ngay tại địa phương, gần các vùng nông sản giúp thương lái tiết kiệm đáng kể chi phí vận chuyển. Mặt khác, chợ đầu mối chính là cầu nối mở ra cơ hội để các HTX, thương lái tìm được bạn hàng lớn tiêu thụ trái cây không chỉ ở thị trường nội địa mà còn tìm được các đối tác cho thị trường xuất khẩu”.

Đầu tư giai đoạn 2, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt quy hoạch sẽ mở rộng chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây với quy mô 48ha, gồm: các khu chế biến, khu kỹ thuật, khu dịch vụ, kho lạnh tập trung và trung tâm kiểm nghiệm, khu chiếu xạ... Mục tiêu trở thành chợ đầu mối lớn của cả khu vực các tỉnh phía Nam.              

Bình Nguyên

 

 

Tin xem nhiều