Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngành Gỗ thay đổi chiến lược để phát triển bền vững

04:02, 19/02/2021

Là một trong 5 mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất của tỉnh, năm 2020, dù gặp khó khăn từ đại dịch Covid-19, sản xuất, chế biến gỗ ở Đồng Nai vẫn có sự tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, ngành Gỗ đang đối mặt với nhiều thách thức nếu muốn phát triển một cách bền vững...

Là một trong 5 mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất của tỉnh, năm 2020, dù gặp khó khăn từ đại dịch Covid-19, sản xuất, chế biến gỗ ở Đồng Nai vẫn có sự tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, ngành Gỗ đang đối mặt với nhiều thách thức nếu muốn phát triển một cách bền vững trước sự cạnh tranh gay gắt với khối doanh nghiệp (DN) ngoại trong xuất khẩu và hàng ngoại nhập.

Nguyên liệu gỗ hợp pháp là mục tiêu hướng tới của ngành Gỗ Đồng Nai
Nguyên liệu gỗ hợp pháp là mục tiêu hướng tới của ngành Gỗ Đồng Nai. Ảnh: V.GIA

Theo các DN sản xuất gỗ, đã đến lúc phải thay đổi tư duy sản xuất, liên kết lại nhằm tận dụng các lợi thế của nhau thay vì cạnh tranh riêng lẻ. Bên cạnh đó là kiên quyết nói không với gỗ bất hợp pháp, đồng thời coi trọng đúng mức vai trò của thị trường nội địa.

* Cơ hội phát triển vẫn rất lớn

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.454 cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh chế biến gỗ, trong đó có 904 cơ sở là các DN và 550 cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình. Hiện chỉ có 115/904 DN (chiếm 12,7%) có nhà máy đặt trong các khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp (CCN), tập trung đa số là DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, có quy mô vốn lớn, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại và có kinh nghiệm sản xuất, hầu hết các sản phẩm của họ đều hướng đến xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Số DN hoạt động ngành chế biến gỗ trên địa bàn Đồng Nai có nhà máy nằm ngoài KCN, CCN còn chiếm tỷ lệ khá lớn (87,3% tổng số DN).

Theo ông Lê Văn Gọi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, tiềm năng cho ngành sản xuất, chế biến gỗ ở Đồng Nai là còn rất lớn. Tỉnh đang thực hiện đề án sản xuất, chế biến lâm sản bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mối quan tâm hiện nay của địa phương là liên kết với người dân phát triển rừng trồng hợp pháp, đúng quy chuẩn với các DN sản xuất, chế biến gỗ. Điều này nhằm tạo ra lợi thế về giá và có nguồn nguyên liệu bền vững, cắt giảm được khâu trung gian, lại góp phần bảo vệ môi trường sống.

Trong khi đó, đối với cộng đồng DN, dù trải qua một năm khó khăn song tới những tháng cuối năm, sản xuất gỗ đã có sự phát triển bứt phá. Riêng trong lĩnh vực xuất khẩu, ngành Gỗ trên địa bàn đóng góp hơn 1,5 tỷ USD kim ngạch. Các DN cho biết sẽ cùng chung tay thực hiện các sáng kiến để tiếp tục phát triển mạnh hơn sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát trên thế giới. Từ giải pháp ngắn hạn tới giải pháp dài hạn cũng đã được DN tính toán tới. Đó là việc xác định lại chủng loại, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu nhằm phù hợp với xu thế tiêu dùng thế giới, đẩy mạnh liên kết giữa các DN, phát triển ngành Công nghiệp phụ trợ trong nước, tạo chuỗi cung hoàn chỉnh ngay tại trung tâm sản xuất gỗ.

“Chúng tôi đã tập hợp, liên kết được với gần 700 DN để xây dựng nên sàn giao dịch thương mại, sản xuất, chế biên gỗ từ đầu vào đến đầu cuối. Các DN sẽ cùng nhau đưa triển vọng sản xuất gỗ của Đồng Nai phát triển hơn trong những năm tới” - ông Phạm Văn Sinh, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa) chia sẻ.

* Đã đến lúc “nói không” với gỗ bất hợp pháp

Ông Lê Xuân Quân, Chủ tịch Dowa cho rằng, việc kiềm chế tốt dịch bệnh là cơ sở để sản xuất tăng trưởng mạnh trở lại, trong đó có ngành Gỗ. Từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng của thế giới và sức ép cạnh tranh của các DN ngoại, đòi hỏi ngành Gỗ phải thay đổi chiến lược sản xuất.

Mục tiêu của Dowa là xây dựng được một trung tâm, điểm đến để các đơn vị cung ứng nguyên phụ liệu hợp pháp cho ngành Gỗ. Tại đây, cũng sẽ là nơi cung ứng máy móc, hàng phụ trợ cho ngành Gỗ, cùng với sự có mặt của các đơn vị tư vấn, định chế tài chính, ngân hàng. Là nơi để các DN sản xuất gỗ trong tỉnh hằng ngày, hằng tháng gặp gỡ, tìm cách hợp tác, cùng phát triển.

Cũng theo ông Quân, các DN không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn cạnh tranh gay gắt với hàng nội thất ngoại nhập, DN có vốn đầu tư nước ngoài. Đối với gỗ xuất khẩu, một trong những yêu cầu tiên quyết để đưa được hàng vào các nước là nguồn gốc sản phẩm phải hợp pháp. Nguyên do là các nước châu Âu, Mỹ - thị trường xuất khẩu gỗ chính của Việt Nam (Mỹ chiếm khoảng 50%) rất coi trọng vấn đề này. Nếu phát hiện vi phạm trong nguồn gốc xuất xứ, nguyên liệu gỗ không hợp pháp, sẽ bị khiếu kiện và trừng phạt thương mại rất cao.

“Bắt đầu từ hôm nay, chúng ta phải hành động để nói không với gỗ bất hợp pháp. Không chỉ gỗ xuất khẩu mà đối với thị trường nội thất trong nước, các DN cũng phải tìm cách hướng người tiêu dùng sử dụng sản phẩm gỗ có chứng nhận thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Đây cũng là cách thức để giảm thiểu tình trạng khai thác gỗ trái phép, gỗ lậu” - ông Quân khẳng định.

Nói không với gỗ bất hợp pháp cũng là quan điểm chủ đạo của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam. Tháng
11-2020, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam đã phối hợp cùng các hiệp hội sản xuất gỗ thành viên trong cả nước ra mắt Quỹ Vì một Việt Nam xanh. Quỹ này sẽ tiếp tục huy động nguồn vốn để tài trợ cho những dự án bảo vệ môi trường, trồng rừng và tổ chức các sự kiện liên quan đến bảo vệ rừng, hướng tới xây dựng nguồn nguyên liệu hợp pháp cho sản xuất gỗ.

Văn Gia

Tin xem nhiều