Kết thúc giai đoạn 2018-2020 thực hiện đề án Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)..., Đồng Nai hiện đã vượt xa mục tiêu đề ra về số lượng sản phẩm đạt chuẩn OCOP.
Kết thúc giai đoạn 2018-2020 thực hiện đề án Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2035, Đồng Nai đã vượt xa mục tiêu đề ra về số lượng sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Trong đó, giá trị lớn nhất của chương trình là giúp gầy dựng thương hiệu cho nhiều mặt hàng nông sản, hỗ trợ đưa đặc sản địa phương vào siêu thị và đẩy mạnh xuất khẩu.
Các sản phẩm OCOP của Đồng Nai tham gia trưng bày tại hội nghị tổng kết đánh giá chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2018-2020. Ảnh: B.Nguyên |
Mục tiêu lớn nhất trong giai đoạn 2021-2025 là tiếp tục triển khai sâu rộng chương trình OCOP; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP Đồng Nai cả trong nước và xuất khẩu.
* Tạo dấu ấn trên thị trường
Mục tiêu trong giai đoạn 1 từ năm 2019-2020 của đề án Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2035, toàn tỉnh chỉ có từ 12 sản phẩm đạt 3 sao trở lên, từ 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp tỉnh; củng cố, kiện toàn 100% doanh nghiệp, HTX tham gia chương trình OCOP.
Kết quả thực hiện đạt gấp nhiều lần về số lượng sản phẩm OCOP so với mục tiêu đề ra. Cụ thể, hiện 100% địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm; trong đó có 9/11 địa phương có 46 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đánh giá đạt từ 3 sao trở lên, đạt 283% mục tiêu đề ra. Ngoài ra, hội đồng cấp tỉnh đang rà soát đánh giá hồ sơ phân hạng cho 15 sản phẩm có tiềm năng từ 3 sao trở lên.
Theo các doanh nghiệp, HTX có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, sự hỗ trợ lớn nhất của chương trình là giúp sản phẩm, đặc sản của địa phương được khách hàng nhận diện, mở rộng kênh tiêu thụ vào các hệ thống siêu thị, thậm chí giúp sản phẩm tham gia tốt thị trường xuất khẩu.
Bà Hoàng Thị Kim Anh, Giám đốc Công ty TNHH Calm, người sáng lập HTX Nông nghiệp An Hòa Hưng (P.An Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết, HTX thành lập mới được hơn 1 năm khi chương trình OCOP bắt đầu được triển khai trên địa bàn tỉnh. Bản thân bà thấy được nhiều lợi ích và sự hỗ trợ khi tham gia chương trình OCOP nên mạnh dạn dẫn dắt HTX phát triển. Sản phẩm của HTX là một trong 17 sản phẩm đầu tiên của Đồng Nai được công nhận OCOP trong năm 2019. Theo bà Kim Anh, đây thật sự là chương trình hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, HTX tham gia. Điều quan trọng nhất là chương trình tổ chức rất nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ từ trực tiếp đến thương mại điện tử, đặc biệt là tiếp cận được nhiều kênh truyền thông, báo chí. “Điều này rất quan trọng với những HTX mới thành lập như chúng tôi vì chương trình OCOP được triển khai trên khắp các tỉnh, thành và nhờ chương trình này mà chỉ trong một thời gian ngắn, HTX mở được thêm nhiều đại lý tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành” - bà Kim Anh nói.
Cùng quan điểm, ông Trần Xuân Trường, Giám đốc điều hành HTX Thương mại - dịch vụ nông nghiệp Tà Lài (xã Tà Lài, H.Tân Phú) chia sẻ, dù ở xã vùng sâu nhưng nhờ được công nhận sản phẩm OCOP, sản phẩm của HTX được thị trường nhận biết và tín nhiệm, đặc biệt là có đơn hàng cung cấp vào các hệ thống siêu thị. Ngoài ra, HTX đã ký kết một số hợp đồng cung cấp hàng đi các nơi và tham gia cung cấp hàng xuất khẩu. HTX đang nỗ lực để nâng sao cho sản phẩm nhằm tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng được thương hiệu cho đặc sản địa phương.
* Đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ
Kết quả thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho các chủ thể gồm doanh nghiệp, HTX, nông dân tham gia chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh trong 2 năm vừa qua: có 14 doanh nghiệp, cơ sở, HTX được hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị trong sản xuất và chế biến; 3 đơn vị được hỗ trợ trong đăng ký nhãn hiệu, ghi nhãn hàng hóa; các đơn vị tham gia OCOP đều được hỗ trợ xây dựng website cũng như được tập huấn về công tác quản trị, duy trì hoạt động, cập nhật hình ảnh, thông tin sản phẩm lên website…
Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh, giai đoạn 2021-2025, đề án đặt ra mục tiêu toàn tỉnh có 100 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, từ 15 sản phẩm đạt 5 sao cấp tỉnh, 8 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia. Thời gian qua, các sản phẩm OCOP Đồng Nai không chỉ tham gia các chương trình kết nối, xúc tiến thương mại trong tỉnh mà có mặt ở các sự kiện cấp quốc gia, quốc tế như: tham gia hội nghị kết nối các sản phẩm OCOP do Bộ Công thương tổ chức ở Hà Nội; tham gia hội chợ Làng nghề và sản phẩm OCOP; nhiều hội nghị kết nối đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống các siêu thị lớn… Giai đoạn 2021-2025, chương trình tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu để các sản phẩm OCOP không chỉ được người tiêu dùng trong nước đón nhận mà còn tham gia vào thị trường xuất khẩu.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đánh giá, tuy quá trình triển khai chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn nhưng chương trình đã thực hiện tốt các mục tiêu đề ra. Đặc biệt, công tác tổ chức tuyên truyền, tập huấn về OCOP được triển khai sâu rộng; góp phần giúp người dân nhận thức đúng về sản xuất hàng hóa và tổ chức dịch vụ. Các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm đã được tổ chức kịp thời; nhiều hội nghị kết nối hiệu quả đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống các siêu thị lớn, trung tâm thương mại và các điểm bán hàng Việt, các khu du lịch… trên địa bàn tỉnh.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, các giải pháp cần tập trung thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 là tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hiệu quả cũng như các chủ trương, chính sách của Nhà nước với chương trình OCOP trong điều kiện sản xuất hàng hóa và hội nhập kinh tế quốc tế; nâng hạng cho sản phẩm OCOP; đưa sản phẩm OCOP thành hàng hóa có thương hiệu trên thị trường.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhấn mạnh, các địa phương cần phát triển các vùng nguyên liệu nông sản đặc trưng; chú trọng các giải pháp phát triển làng nghề tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị. Trong đó, cần khuyến khích doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất mạnh mẽ ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất theo chuẩn GAP; xem khoa học công nghệ là khâu then chốt để tạo đột phá trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm OCOP. |
Bình Nguyên