Báo Đồng Nai điện tử
En

Tháo 'điểm nghẽn', thu hút đầu tư

09:01, 05/01/2021

Sân bay Long Thành khi hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động sẽ giúp xóa bỏ tình trạng quá tải hạ tầng vận tải hàng không. Từ đó, đưa Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế lớn trong khu vực và thu hút nguồn vốn đầu tư lớn.

Sân bay Long Thành khi hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động sẽ giúp xóa bỏ tình trạng quá tải hạ tầng vận tải hàng không. Từ đó, đưa Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế lớn trong khu vực và thu hút nguồn vốn đầu tư lớn.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng phát biểu tại buổi lễ
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh:P. Tùng

* Cơ sở hạ tầng tốt, hiện đại thì kinh tế mới có thể “cất cánh” mạnh mẽ

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam được cộng đồng quốc tế vinh danh là nền kinh tế năng động, tăng trưởng nhanh tại châu Á, với GDP tăng trưởng trung bình trong 10 năm qua trên 6,3%/năm. Năm 2020, Việt Nam là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất, đã thực hiện thành công mục tiêu kép: Đẩy lùi dịch bệnh, kiểm soát dịch bệnh và duy trì được mức tăng trưởng gần 3%, nằm trong nhóm quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới.

Đi liền với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thị trường hàng không Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Năm 2019, sản lượng hành khách thông qua các sân bay của Việt Nam đạt trên 116 triệu hành khách, tăng 12% so với năm 2018.

“Triển vọng kinh tế rất tươi sáng đang chờ đợi chúng ta, niềm tin xã hội, niềm tin thị trường, đặc biệt là niềm tin của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế về sự phục hồi kinh tế của Việt Nam sau đại dịch, đang gia tăng mạnh mẽ”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Theo đánh giá của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), từ nay đến năm 2030, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ phát triển hàng không cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đến năm 2025, nhu cầu hàng không của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đạt hơn 65 triệu hành khách, năm 2030 đạt khoảng 85 triệu hành khách. Có thể nói, nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa qua đường hàng không ngày càng lớn, trong khi hạ tầng vận tải hàng không chậm được cải thiện, đang là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế-xã hội. “Hầu hết các cảng hàng không, sân bay lớn trên cả nước thường xuyên lâm vào tình trạng quá tải” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay.

Theo người đứng đầu Chính phủ, các sân bay lớn của Việt Nam như Tân Sơn Nhất, Nội Bài cơ bản đều khai thác vượt công suất nên luôn trong tình trạng quá tải. Thiếu chỗ đậu và bay đã làm mất đi cơ hội kêu gọi các hãng hàng không quốc tế đến Việt Nam để sớm đưa Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế lớn trong khu vực. “Thực tế trên đã không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng không do tăng thời gian, chi phí, giảm chất lượng dịch vụ, nghiêm trọng hơn, tình trạng này còn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia khác”.

Do đó, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nếu khắc phục được các tồn tại này, ngành Hàng không Việt Nam sẽ góp phần quan trọng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển du lịch, tạo thêm nhiều giá trị gia tăng cho các ngành, các lĩnh vực khác cùng phát triển. “Chỉ khi kết cấu cơ sở hạ tầng tốt, hiện đại thì kinh tế mới có thể cất cánh mạnh mẽ, lúc đó mới có thể đón những nhà đầu tư lớn đến làm ăn lâu dài. Vì lẽ đó, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, trong đó có hệ thống đường cao tốc, cảng biển và đặc biệt là hạ tầng vận tải hàng không” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

* Sân bay Long Thành có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP từ 3-5%

Sân bay Long Thành khi hoàn thành xây dựng sẽ là sân bay lớn nhất cả nước và đóng vai trò quan trọng trọng hệ thống sân bay Việt Nam. “Siêu” sân bay này vì vậy, sẽ góp phần quan trọng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển du lịch và tạo động lực cho các ngành, các lĩnh vực khác cùng phát triển.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nếu dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng, theo một tổ chức quốc tế của Australia đánh giá, sân bay Long Thành có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP từ 3-5%.

Để hoàn thành dự án thành phần 3 thuộc dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 đúng tiến độ đề ra, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện dự án thành phần 3 theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ. Việc đầu tư phải đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, không vượt tổng mức đầu tư. “Tổ chức xây dựng dự án đúng thiết kế đã được phê duyệt, không gây thất thoát, lãng phí, bảo toàn vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, đặc biệt đảm bảo pháp luật về đầu tư, chất lượng từng hạng mục của dự án” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ còn yêu cầu chủ đầu tư các dự án thành phần 1, 2 và 4 bao gồm: Bộ GT-VT, các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, sớm khởi công để đảm bảo hoàn thành dự án thành phần này cùng tiến độ dự án thành phần 3 để kịp thời, đồng bộ đưa dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 vào khai thác năm 2025 theo đúng tiến độ kế hoạch đề ra.

Cùng với đó, tỉnh Đồng Nai, TP.HCM, các tỉnh Đông Nam bộ, kể cả một số tỉnh Tây Nam bộ, Bộ GT-VT, Bộ Xây dựng sớm có phương án kết nối giao thông với sân bay Long Thành một cách đồng bộ, kể cả phát triển đô thị, các khu du lịch, dịch vụ, trong đó hệ thống giao thông kết nối sân bay gồm 3 tuyến đường bộ và 2 tuyến đường sắt. “Những tuyến giao thông này cùng với sân bay Long Thành mở ra không gian phát triển mới cho vùng nhờ kết nối, tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy cơ cấu kinh tế mới thiên về sản xuất dịch vụ, tạo ra năng lực cạnh tranh mới cho cả vùng Đông Nam bộ và cả nền kinh tế” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

Quỳnh Nhi

Tin xem nhiều