Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai phát triển cả ngàn ha sản xuất theo chuẩn GAP

06:01, 15/01/2021

Để khuyến khích HTX, nông dân sản xuất an toàn, Đồng Nai đã có nhiều chương trình khuyến khích, hỗ trợ nhân rộng mô hình thực hành nông nghiệp tốt (GAP)...

Để khuyến khích HTX, nông dân sản xuất an toàn, Đồng Nai đã có nhiều chương trình khuyến khích, hỗ trợ nhân rộng mô hình thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Theo đó, toàn tỉnh hiện có cả ngàn ha diện tích nuôi, trồng trong nông nghiệp đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP.

Sản phẩm dưa lưới đạt chứng nhận GlobalGAP của Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt (H.Xuân Lộc)  được trưng bày, giới thiệu tại khu trưng bày nông sản sạch của Hội Nông dân tỉnh. Ảnh: Bình Nguyên
Sản phẩm dưa lưới đạt chứng nhận GlobalGAP của Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt (H.Xuân Lộc) được trưng bày, giới thiệu tại khu trưng bày nông sản sạch của Hội Nông dân tỉnh. Ảnh: Bình Nguyên

Diện tích nuôi, trồng theo quy trình GAP tăng nhanh góp phần xây dựng thương hiệu về chất lượng cho nông sản Đồng Nai. Tuy nhiên, chương trình sản xuất GAP vẫn gặp khó khăn về thị trường nên việc tiếp tục tái chứng nhận những vùng sản xuất GAP chưa được duy trì tốt.

* Nhiều hỗ trợ sản xuất an toàn

Thời gian gần đây, hàng loạt hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước, khu vực được ký kết đã mở ra cánh cửa lớn cho xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, chất lượng nông sản chưa đạt chuẩn, nhất là những thị trường lớn, có tiêu chuẩn cao đang là rào cản trong việc ổn định và mở rộng thị trường xuất khẩu của nông sản Việt Nam. Ngay trên sân nhà, nông sản Việt cũng gặp áp lực cạnh tranh không nhỏ với hàng nhập khẩu. Nâng cao chất lượng, nhất là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là yếu tố sống còn cho nông sản Việt khi bước vào hội nhập.

Theo đó, Nhà nước có rất nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, HTX, nông dân đầu tư sản xuất an toàn, nhất là ứng dụng theo quy trình GAP. VietGAP là chuẩn mực thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam với sự đầu tư ít tốn kém và dễ thực hiện nhất trong các quy trình sản xuất GAP hiện nay. Chương trình này đang thu hút nông dân tham gia vì được Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí làm chứng nhận. Hiện đa số các sản phẩm nông nghiệp của Đồng Nai đều đạt chứng nhận này như: bưởi, xoài, chôm chôm, sầu riêng, rau... Về chăn nuôi, các sản phẩm chủ lực như: heo, gà, cá, tôm.. diện tích sản xuất VietGAP cũng tăng nhanh, thậm chí đã hình thành được những vùng chuyên canh.

Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, đến nay toàn tỉnh có 49 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác được hỗ trợ đạt chứng nhận GAP với tổng diện tích 495ha. Trong đó, theo chương trình khoa học và công nghệ thuộc Quyết định số 837/QĐ-UBND, có 42 đơn vị được hỗ trợ áp dụng VietGAP, GlobalGAP với diện tích 319ha và tổng kinh phí thực hiện gần 3 tỷ đồng. Các nội dung hỗ trợ chủ yếu là về hạ tầng phục vụ sản xuất GAP, phân tích mẫu đất, nước, hỗ trợ 30% phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, tư vấn đánh giá cấp chứng nhận.

UBND các huyện hỗ trợ cho 7 đơn vị được cấp chứng nhận VietGAP với tổng diện tích 176ha, tổng kinh phí thực hiện 700 triệu đồng. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 282ha cà phê đạt chứng nhận 4C, 210ha ca cao đạt chứng nhận UTZ, các đơn vị tự thực hiện đạt chứng nhận VietGAP 120ha, chứng nhận hữu cơ 3,5ha.

Về lĩnh vực chăn nuôi, toàn tỉnh có 277 đơn vị đạt chứng nhận VietGAHP với 4,7 triệu con gà và gần 60 ngàn con heo; xây dựng được 5 vùng an toàn dịch bệnh với 651 trang trại được công nhận và hình thành được 3 vùng chăn nuôi GAHP tại các huyện Thống Nhất, Xuân Lộc và TP.Long Khánh.

Lĩnh vực thủy sản, Sở NN-PTNT đã hỗ trợ xây dựng và phát triển được 14 vùng nuôi thủy sản đạt chuẩn VietGAP với diện tích trên 408ha và gần 81 ngàn m3 bè. Tổng sản lượng thủy sản VietGAP đạt gần 15,7 ngàn tấn. Ngoài ra, nhiều chương trình hỗ trợ HTX, các vùng nuôi trồng thủy sản đạt chuẩn VietGAP đang được triển khai.

* Còn thiếu tính bền vững

Dù sản xuất sạch, đặc biệt là sản xuất GAP dần trở thành phong trào thu hút cả doanh nghiệp, HTX và nông dân tham gia nhưng mới chỉ tăng nhanh về số lượng mà chưa thật sự bền vững. Nguyên nhân chính nông sản GAP vẫn chưa được thị trường nhận diện và được trả giá xứng đáng. Theo đó, nông dân chưa thực sự xem trọng chương trình này nên còn lơ là trong việc tái chứng nhận. Trong đó, nhiều vùng sản xuất VietGAP đang được địa phương quan tâm xây dựng dự án cánh đồng lớn nhưng nông dân cũng chưa mặn mà thực hiện việc tái chứng nhận.

Sản phẩm tôm càng xanh VietGAP ở xã Trà Cổ, H.Định Quán
Sản phẩm tôm càng xanh VietGAP ở xã Trà Cổ, H.Định Quán. Ảnh: Bình Nguyên

Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc HTX Bình Lộc (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh) cho biết, nhiều năm qua, HTX đã tích cực tổ chức kết nối các chương trình tiêu thụ trái chôm chôm VietGAP và đã có những đơn hàng cung cấp vào siêu thị và cho doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, đa số chôm chôm VietGAP vẫn bán cho thương lái với giá hàng thường và hầu như chưa có nhãn hàng, thương hiệu riêng được thị trường nhận diện. Đây là rào cản lớn nhất khiến nông dân chưa mặn mà với chương trình sản xuất GAP dù HTX đang triển khai dự án cánh đồng lớn cho cây chôm chôm.

Theo các đơn vị thực hiện chứng nhận GAP, để chương trình bền vững cần sự thay đổi về nhận thức từ nông dân đến người quản lý nhà nước và cả người tiêu dùng về sản xuất an toàn. Nông dân không thể giữ quan niệm “dễ và nhanh” khi đầu tư sản xuất GAP. Họ phải tuân thủ nghiêm ngặt quy chuẩn sản xuất, nhất là thực hiện nghiêm túc việc ghi chép lại quy trình sản xuất. Người tiêu dùng cũng có vai trò quyết định bằng thái độ ủng hộ sản phẩm GAP. Hiện trên thị trường vẫn nhan nhản sản phẩm kém chất lượng đội lốt thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ và sự mạo danh này đang dần ép chết người làm thực sự. Ở đây, vai trò của nhà quản lý, Nhà nước là tạo ra môi trường lành mạnh khuyến khích sản xuất sạch phát triển.

Cùng quan điểm, ông Trần Quang Tính, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt (H.Xuân Lộc) chia sẻ, doanh nghiệp chấp nhận bỏ ra hàng trăm triệu đồng chi phí làm chứng nhận GlobalGAP, hướng tới làm chứng nhận hữu cơ cho các sản phẩm rau, quả ở trang trại. Đây chỉ là cơ sở để chứng minh với khách hàng về chất lượng, sự an toàn của nông sản. Điều kiện để giữ chân được khách hàng phải bằng chữ tín về chất lượng.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều