Vùng H.Thống Nhất với trung tâm là TT.Dầu Giây được xem là "điểm nút" giao thông quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Vùng H.Thống Nhất với trung tâm là TT.Dầu Giây được xem là “điểm nút” giao thông quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do đó, lợi thế từ mạng lưới giao thông cũng được xác định là động lực chính để phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Huyện Thống Nhất là điểm nút giao thông quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong ảnh: Nút giao giữa đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và quốc lộ 1 trên địa bàn TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất |
* Hạ tầng giao thông là động lực phát triển
Huyện Thống Nhất được xem là đầu mối giao thông quan trọng bậc nhất không chỉ của tỉnh Đồng Nai mà còn của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hiện nay, trên địa bàn huyện có hàng loạt tuyến giao thông kết nối huyết mạch đã được xây dựng như: tuyến đường sắt Bắc - Nam, quốc lộ 1, quốc lộ 20, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Cùng với đó, nhiều tuyến giao thông quy mô quốc gia cũng đang và sẽ được triển khai thực hiện trong thời gian sắp tới như đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây; đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương. Với vị trí “đầu mối” của các tuyến giao thông kết nối, hạ tầng giao thông cũng chính là lợi thế hàng đầu để định hình hướng phát triển của vùng H.Thống Nhất.
Theo Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (thuộc Bộ Xây dựng), đơn vị thực hiện lập quy hoạch xây dựng vùng H.Thống Nhất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với lợi thế về hạ tầng giao thông, vùng H.Thống Nhất có thế mạnh để phát triển trên nhiều lĩnh vực như: phát triển vùng đô thị, công nghiệp tập trung chuyên ngành nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp chuyên canh, thương mại - dịch vụ ở quy mô cấp vùng.
Kiến trúc sư Nguyễn Chí Hùng, Chủ nhiệm đồ án quy hoạch xây dựng vùng H.Thống Nhất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho rằng, dựa trên các trục giao thông kết nối hiện có, đồ án đã xác định 2 trục phát triển chính cho vùng H.Thống Nhất gồm trục phát triển Bắc - Nam bám theo quốc lộ 20, là trục liên kết hầu hết trung tâm các xã với hạt nhân trung tâm là đô thị Dầu Giây và trục phát triển Đông - Tây bám theo quốc lộ 1, là trục đối ngoại quan trọng liên kết H.Thống Nhất với 2 đô thị lớn là TP.HCM và TP.Biên Hòa.
Về định hướng phát triển không gian, theo kiến trúc sư Nguyễn Chí Hùng, vùng H.Thống Nhất được đề xuất có 4 khu vực phát triển. Cụ thể 4 khu vực phát triển của vùng H.Thống Nhất gồm: khu vực phát triển 1 là khu vực giao lộ của các tuyến giao thông chính như: đường sắt Bắc - Nam, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, quốc lộ 1, quốc lộ 20…; khu vực phát triển 2 là khu vực phía Nam của huyện với trục liên kết chính là tỉnh lộ 769; khu vực phát triển 3 là khu vực phía Tây Bắc của huyện với trục liên kết chính là đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú và khu vực phát triển 4 là khu vực phía Bắc của huyện với trục liên kết chính là quốc lộ 20. “Việc phân chia các vùng phát triển được dựa trên các đường giao thông chính, hướng tới khu vực trung tâm hạt nhân là TT.Dầu Giây” - kiến trúc sư Nguyễn Chí Hùng cho biết.
* Xác định lợi thế phát triển từ 3 tuyến giao thông mở mới
Ngoài hàng loạt tuyến giao thông quan trọng đã được quy hoạch, lợi thế về hạ tầng giao thông của vùng H.Thống Nhất còn được “nâng tầm” khi trong quy hoạch giao thông vận tải đường bộ tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 sẽ có thêm nhiều tuyến đường giao thông quan trọng được mở mới đi qua địa bàn.
Ông Vũ Xuân Dự, Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính (Sở GT-VT) cho biết, trong 4 tuyến đường mở mới được bổ sung vào quy hoạch giao thông vận tải đường bộ tỉnh có đến 3 tuyến đường đi qua địa bàn H.Thống Nhất. “Đơn vị tư vấn cần cập nhật 3 tuyến đường này vào đồ án, trên cơ sở đó có các quy hoạch phù hợp, khai thác tối đa lợi thế để phát triển kinh tế, hạ tầng của địa phương. Hiện nay do chưa cập nhật nên trong đồ án chưa định hướng được hướng phát triển cụ thể” - ông Vũ Xuân Dự đề nghị.
Đồng thuận với đề nghị trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, 3 tuyến đường giao thông mở mới được bổ sung vào quy hoạch là những trục giao thông rất quan trọng. Do đó, cần nhanh chóng được cập nhật vào quy hoạch vùng để tính toán khai thác tối đa lợi thế phát triển từ sự đồng bộ của mạng lưới giao thông. “Khi có những trục giao thông quan trọng được quy hoạch mở mới qua địa bàn thì địa phương cần tính toán ngay các trục “xương cá” kết nối với các trục này để định hình các vùng phát triển” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.
Góp ý thêm cho đồ án quy hoạch vùng H.Thống Nhất, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đề nghị cần tính toán kỹ quy hoạch mạng lưới giao thông kết nối với đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đã có trong quy hoạch. Theo đó, địa phương cần rà soát cụ thể các đường ngang để có kế hoạch xây dựng các hầm chui, cầu vượt để khi làm việc với Bộ GT-VT thì phải có quy hoạch cụ thể. Hạn chế tối đa việc phải xây dựng các đường gom lên đường cao tốc vì rất phức tạp khi thực hiện.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, sau năm 2025, khi cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 hoàn thành xây dựng, các trục đường cao tốc cơ bản hoàn thành, động lực phát triển của vùng H.Thống Nhất sẽ tăng thêm. Do đó, việc quy hoạch cần thực hiện kỹ càng, phát huy lợi thế của “từng mét đất”.
Hạ tầng sẽ dẫn dắt kinh tế phát triển. H.Thống Nhất có lợi thế khi có rất nhiều quy hoạch, nhất là quy hoạch giao thông đi qua địa bàn. Do đó, quy hoạch vùng phải xác định được Thống Nhất cần làm gì để tạo đột phá cho giai đoạn tới” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng yêu cầu.
Theo quy hoạch điều chỉnh giao thông - vận tải đường bộ tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, có 3 tuyến đường mở mới đi qua địa bàn H.Thống Nhất gồm: đường tỉnh 770B (điểm đầu giao với đường tỉnh 763, H.Định Quán, điểm cuối giao với quốc lộ 51, H.Long Thành) có lộ giới 60m; đường tỉnh 763B (điểm đầu tuyến từ đường song hành phía Đông quốc lộ 20, H.Thống Nhất, điểm cuối kết thúc tại điểm giao với tuyến đường tỉnh 764, H.Cẩm Mỹ) có lộ giới 45m và đường tỉnh 780B (điểm đầu từ quốc lộ 1, H.Trảng Bom, điểm cuối giao với đường tỉnh Sông Nhạn - Dầu Giây, H.Cẩm Mỹ) có lộ giới 45m. |
Phạm Tùng