Kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Nai đợt 1-2020 có 29 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Ấn tượng nổi bật nhất là các sản phẩm OCOP trên không chỉ tăng nhanh về số lượng mà còn có sự thay đổi vượt bậc về chất lượng
Kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) tỉnh Đồng Nai đợt 1-2020 có 29 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Ấn tượng nổi bật nhất là các sản phẩm OCOP trên không chỉ tăng nhanh về số lượng mà còn có sự thay đổi vượt bậc về chất lượng thể hiện qua tổng số sản phẩm đạt hạng 4 sao, 5 sao cao hơn hẳn so với năm đầu triển khai.
Các đại biểu tìm hiểu về sản phẩm OCOP của Đồng Nai trong Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh đợt 1-2020. Ảnh: B. Nguyên |
Điều này cho thấy, giá trị cốt lõi của chương trình OCOP Đồng Nai thực sự đi vào chiều sâu, chú trọng chất lượng và giá trị sản phẩm chứ không chỉ theo phong trào trong xây dựng danh hiệu cho sản phẩm nông nghiệp.
* Nhiều sản phẩm đạt hạng cao
Trong đợt 1-2020, toàn tỉnh chỉ có 8/11 huyện, thành phố có sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP nhưng kết quả có đến 29 sản phẩm được công nhận. Trong đó, có 1 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao, 16 sản phẩm OCOP hạng 4 sao và 12 sản phẩm OCOP hạng 3 sao.
Theo ông Nguyễn Hữu Danh, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Đồng Nai, về mặt an toàn vệ sinh thực phẩm của các sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP, đoàn công tác đều trực tiếp đi kiểm tra tận cơ sở, đảm bảo toàn bộ quy trình sản xuất đều phải đạt chuẩn, từ nhà xưởng, thiết bị đến các quy trình sản xuất, quy chuẩn vệ sinh với người lao động… Các sản phẩm OCOP đều có hồ sơ công bố chất lượng đạt chuẩn theo quy định, có phiếu kiểm nghiệm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, chứng nhận ISO… |
Kết quả trên vượt bậc hơn hẳn so với năm 2019, năm đầu thực hiện chương trình chỉ có 17 sản phẩm OCOP với 2 sản phẩm đạt hạng 4 sao. Đặc biệt, trong đợt đánh giá, phân hạng này, Đồng Nai đã có sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao đầu tiên, thứ hạng cao nhất của chương trình này.
Những chỉ tiêu quan trọng để sản phẩm bột ca cao 3 trong 1 của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (xã Phú Hòa, H.Định Quán) đạt hạng 5 sao của chương trình OCOP gồm: sản phẩm có tính cộng đồng cao khi sử dụng 100% nguyên liệu trong tỉnh; chủ yếu sử dụng lao động là người địa phương; doanh nghiệp đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ khi đầu tư được những vùng chuyên canh với hàng trăm ha cây ca cao được cấp chứng nhận UTZ (chứng nhận sản xuất tốt của quốc tế cho cây ca cao). Nhiều năm qua, sản phẩm này được xuất khẩu tốt vào các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc...
Ông Đặng Trường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức chia sẻ, doanh nghiệp đang tập trung đầu tư vào chế biến sâu, nhắm vào thị trường cao cấp và rất cao cấp, cạnh tranh được bằng chất lượng và hương vị chứ không phải nhờ giá rẻ. Đây cũng là cơ sở để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho đặc sản quê vươn xa trên thị trường quốc tế.
* Đầu tư đường dài
Nhiều cơ sở đã có kinh nghiệm tham gia chương trình OCOP năm 2019, năm nay chú trọng đầu tư hơn cho cả chất lượng lẫn bao bì, mẫu mã sản phẩm. Theo đó, nhiều cơ sở có sản phẩm đạt thứ hạng cao hơn so với năm trước đó.
Bà Nguyễn Thị Bích Lệ, chủ Cơ sở chế biến hạt sen Trường Phát (H.Nhơn Trạch) vui vẻ khoe, năm ngoái, cơ sở có 3 sản phẩm OCOP 3 sao thì năm nay 4 sản phẩm đăng ký mới đều đạt hạng OCOP 4 sao dù việc đánh giá, thẩm định ngày càng chặt chẽ, khắt khe hơn. Chương trình OCOP đã tạo cơ hội cho những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ vươn lên xây dựng thương hiệu; tiếp cận được các kênh tiêu thụ hiện đại là hệ thống các siêu thị, các chuỗi cửa hàng bán lẻ, thậm chí xuất khẩu đi các nước. “Nhờ bệ đỡ này, Trường Phát mạnh dạn mua thêm máy móc, thiết bị để chuẩn hóa hơn từ khâu chế biến đến đóng gói. Cơ sở cũng đầu tư đổi mới mẫu logo, bao bì để xây dựng hình ảnh nhận diện thương hiệu của sản phẩm, hướng đến sự phát triển bền vững, lâu dài” - bà Lệ nói.
Ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng phòng NN-PTNT H.Thống Nhất cho biết, nhiều cơ sở chế biến nông sản tại địa phương trước nay chủ yếu làm gia công cung cấp cho các đơn vị xuất khẩu nên không được thị trường nhận diện. Người sản xuất thực tế gần như là người làm thuê. Chương trình OCOP hỗ trợ cơ sở sản xuất nhỏ lẻ làm nhãn hàng, xây dựng thương hiệu riêng được thị trường nhận diện có ý nghĩa rất lớn cho các cơ sở phát triển đường dài, nâng cao giá trị sản phẩm.
Cùng quan điểm, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hữu Danh cho rằng, giá trị sản phẩm sản xuất thô không cao nhưng khi được đầu tư bao bì bài bản, có nhãn hàng thì giá trị được nâng lên rõ rệt. Chương trình OCOP của Đồng Nai đã thực sự làm thay đổi nhận thức cho nông dân, HTX, doanh nghiệp trong xây dựng thương hiệu sản phẩm bằng sự đầu tư đồng bộ cả về chất lượng lẫn khâu bao bì, nhãn hàng hóa.
Bình Nguyên