Để đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, từ nhiều năm trước, tỉnh đã có chủ trương thành lập các cụm công nghiệp (CCN) và đưa ra lộ trình yêu cầu các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, có nguy cơ ô nhiễm môi trường phải vào CCN.
Để đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, từ nhiều năm trước, tỉnh đã có chủ trương thành lập các cụm công nghiệp (CCN) và đưa ra lộ trình yêu cầu các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, có nguy cơ ô nhiễm môi trường phải vào CCN.
Sản xuất mộc mỹ nghệ tại P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa. Ảnh: B.Mai |
Trong khi các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, tác động xấu đến môi trường vẫn chưa được di dời theo yêu cầu thì tại nhiều khu vực dân cư, cơ sở mới vẫn mọc lên gây bức xúc cho người dân.
* Vẫn tồn tại nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm
Thời gian qua, nhiều người dân tổ 27, KP.3A, P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) phản ảnh tình trạng cơ sở sản xuất nước đá do ông L.H. làm chủ với nhiều loại máy móc gây tiếng ồn và làm nứt nhà dân. Bức xúc này đã được phản ảnh nhiều lần lên UBND phường, chính quyền thành phố.
Theo ông Nguyễn Văn Tường, Phó chủ tịch UBND P.Trảng Dài, cơ sở nước đá có giấy phép kinh doanh, đi vào hoạt động từ cuối năm 2019, quy mô khoảng 1,5 tấn nước đá mỗi ngày. Sau khi nhận được đơn phản ảnh của người dân và ý kiến tại các lần tiếp xúc cử tri, phường đã 3 lần cử cán bộ xuống kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu chủ cơ sở khắc phục độ rung, tiếng ồn. Ngành chức năng của thành phố cũng cử cán bộ xuống làm việc, yêu cầu khắc phục mùi hôi, tiếng ồn nhưng đến nay vẫn chưa cải thiện được nhiều. Cũng tại P.Trảng Dài, vài năm trở lại đây xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất đủ các ngành nghề gây phiền hà cho người dân.
H.Trảng Bom là nơi phát triển nghề mộc, thủ công mỹ nghệ lớn của tỉnh, với khoảng 300 cơ sở tập trung tại các xã: Bình Minh, Quảng Tiến, Bắc Sơn, Sông Trầu và Hố Nai 3. Một số cơ sở có quy mô, tạo được nhiều việc làm cho lao động địa phương, sản phẩm được xuất khẩu đi nước ngoài mang về nguồn thu lớn. Nhưng phần lớn vẫn ở quy mô hộ gia đình và chưa đảm bảo các tiêu chí về môi trường, gây tiếng ồn và bụi.
Đại diện lãnh đạo H.Trảng Bom cho biết, chính quyền nhận thấy điều này, đã kiến nghị và được UBND tỉnh chấp thuận xây dựng Cụm nghề gỗ mỹ nghệ tại xã Bình Minh. Tỉnh hỗ trợ 60% tổng kinh phí đầu tư của dự án, còn lại H.Trảng Bom chi tạm ứng trước cho chủ đầu tư, sau đó thu hồi từ các cơ sở vào cụm. Cụm nghề gỗ mỹ nghệ này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho nghề thủ công truyền thống của huyện phát triển, khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Đã có gần 20 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gỗ mỹ nghệ trên địa bàn huyện đăng ký vào cụm, nhưng đến nay, cụm nghề gỗ mỹ nghệ vẫn đang thi công san lấp mặt bằng và tiến hành xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Theo thống kê của Sở TN-MT, tại các địa bàn như: Tân Biên, Hố Nai, Hóa An (TP.Biên Hòa); Bình Minh, Sông Trầu, Hố Nai 3, Quảng Tiến (H.Trảng Bom)... có nhiều cơ sở sản xuất theo hộ gia đình kết hợp sản xuất lớn. Nhiều cơ sở sản xuất hằng ngày gây ô nhiễm về không khí, nguồn nước, gây tiếng ồn quá mức. Đơn cử, P.Tân Hòa (TP.Biên Hòa) có hơn 100 cơ sở sản xuất đồ gỗ đan xen trong khu dân cư gây bụi, người dân đã phản ảnh nhiều lần lên các cấp chính quyền. Nhiều biện pháp được đưa ra như: vận động khắc phục, yêu cầu đảm bảo các điều kiện về môi trường, xử phạt nhưng số lượng các cơ sở thực hiện nghiêm túc chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
* Đẩy nhanh tiến độ triển khai hạ tầng CCN
Chủ trương phát triển các CCN và đưa các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ vào cụm là hoàn toàn đúng đắn nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ở các khu dân cư. Tuy nhiên, đến nay phần lớn các CCN ở các địa phương đều chậm triển khai.
Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó giám đốc Sở TN-MT cho rằng, phần lớn các CCN trên địa bàn tỉnh đều chậm tiến độ và khó thu hút doanh nghiệp vào hoạt động. Cụ thể, theo quy hoạch, tỉnh có 27 CCN tại các huyện, thành phố với tổng diện tích gần 1,5 ngàn ha. Đến nay, có 4 cụm đã triển khai hạ tầng và tương đối hoàn chỉnh, 3 cụm đang triển khai xây dựng hạ tầng, 1 cụm đã hoàn tất công tác bồi thường, 15 cụm đang tiến hành các thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng, 2 cụm đã có doanh nghiệp đăng ký nhưng chưa đầu tư, 2 cụm chưa có nhà đầu tư.
Trong số 27 CCN, có 14 cụm đã có doanh nghiệp hoạt động mới nhưng mới 9 CCN làm thủ tục về môi trường. Ông Thường cho rằng, Sở Công thương, UBND các địa phương phải đôn đốc để các chủ đầu tư hoàn thiện hạ tầng CCN, có chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các cơ sở, doanh nghiệp vào cụm hoạt động. Về phía Sở TN-MT sẽ yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng lập thủ tục môi trường, đầu tư các công trình, hạng mục bảo vệ môi trường theo quy định.
Theo lãnh đạo Sở TN-MT, việc đơn giản hóa trong đăng ký và cấp phép kinh doanh đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng cũng dẫn đến một hệ lụy là dễ hình thành cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Ngoài ra, công tác hậu kiểm với cơ sở gây ô nhiễm môi trường chưa được các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thực hiện chặt chẽ. Trong khi đó, các cơ sở vi phạm ngày càng tinh vi, có hành vi đối phó như hoạt động vào ban đêm, không chấp hành quyết định xử phạt, thay đổi tên doanh nghiệp, di chuyển đến thuê địa điểm khác.
Ngành TN-MT cho rằng, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở các khu dân cư, ngoài việc đầu tư các CCN và di dời các cơ sở có nguy cơ ô nhiễm về nơi sản xuất tập trung, cần “siết” điều kiện cấp phép đăng ký kinh doanh; tăng cường kiểm tra, giám sát. Ngoài ra, tỉnh, huyện có hỗ trợ về tài chính để các cơ sở có quy mô nhỏ thay đổi thiết bị, công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, chuyển đổi ngành nghề hoặc sớm di dời vào CCN.
Theo Quyết định số 1631/QĐ-UBND ngày 4-6-2014 của UBND tỉnh, có 664 cơ sở nằm trong danh sách di dời được chia thành 4 nhóm gồm: cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quy mô buộc phải làm cam kết bảo vệ môi trường; cơ sở sản xuất gốm sứ (hầu hết nằm trên địa bàn TP.Biên Hòa); cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quy mô lớn đến mức phải có báo cáo, đánh giá tác động môi trường và các cơ sở chăn nuôi, giết mổ. Thời gian di dời chậm nhất đến ngày 31-12-2015. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nên đến ngày 12-8-2016, UBND tỉnh có Quyết định số 2572 ban hành điều chỉnh, bổ sung, gia hạn thời gian di dời 129 cơ sở. Thời hạn chậm nhất là ngày 31-12-2017 với cơ sở cam kết bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có 11/24 cơ sở có quy mô báo cáo đánh giá tác động môi trường thực hiện việc di dời đến địa điểm mới ở đợt 1; có 7 cơ sở có quy mô báo cáo đánh giá tác động môi trường ở đợt 2 đang kiến nghị tỉnh lùi thời hạn di dời, cùng với đó là hỗ trợ các doanh nghiệp di dời. |
Ban Mai