Báo Đồng Nai điện tử
En

Đột phá hạ tầng giao thông, tạo "cú hích" cho phát triển

04:09, 02/09/2020

Với hàng loạt dự án trọng điểm quốc gia và của tỉnh đang được triển khai thực hiện, hệ thống hạ tầng giao thông được kỳ vọng sẽ tạo ra "cú hích" để Đồng Nai phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Với hàng loạt dự án trọng điểm quốc gia và của tỉnh đang được triển khai thực hiện, hệ thống hạ tầng giao thông được kỳ vọng sẽ tạo ra “cú hích” để Đồng Nai phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là tuyến giao thông kết nối quan trọng trên địa bàn Đồng Nai
Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là tuyến giao thông kết nối quan trọng trên địa bàn Đồng Nai. Ảnh:Phạm Tùng

* Đại công trường của các dự án giao thông

Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành là dự án giao thông có quy mô lớn nhất hiện đang được triển khai trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là một trong những dự án lớn nhất của cả nước được thực hiện từ trước đến nay.

Theo quy hoạch, khi hoàn thành xây dựng, sân bay Long Thành sẽ là sân bay lớn nhất của cả nước với công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm.

Hàng loạt dự án giao thông lớn của cả nước và địa phương đang và sắp được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới như: đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; đường vành đai 3, 4; xây dựng cầu Cát Lái…

Ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, hiện nay đơn vị đang đàm phán với các tổ chức quốc tế để vay vốn cho dự án xây dựng Sân bay Long Thành. Về tiến độ, việc khởi công xây dựng Sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ thực hiện trong năm 2021. “Sẽ không lùi tiến độ của dự án Sân bay Long Thành và đưa giai đoạn 1 vào hoạt động trong năm 2025” - ông Vũ Thế Phiệt khẳng định.

Để đảm bảo tiến độ khởi công dự án Sân bay Long Thành, gần 2 năm qua, Đồng Nai đã tập trung tối đa nguồn lực cho công tác giải phóng mặt bằng. Cam kết với Chính phủ về tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, vào tháng 10 tới, địa phương sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng khu vực ưu tiên hơn 1,8 ngàn ha để phục vụ khởi công xây dựng Sân bay Long Thành giai đoạn 1. Trong quý II-2021, Đồng Nai sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án hơn 5 ngàn ha cho chủ đầu tư.

Cùng với dự án Sân bay Long Thành, dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cũng là một dự án giao thông trọng điểm quốc gia đang được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Sau khi chuyển đổi hình thức đầu tư, các thủ tục đầu tư đang được tăng tốc thực hiện để khởi công dự án. “Dự án sẽ được khởi công vào cuối tháng 9 này. Sau 2 năm, dự án sẽ hoàn thành xây dựng để đưa vào khai thác sử dụng” - ông Nguyễn Công Hợp, Phó trưởng phòng Quản lý dự án 2, Ban quản lý dự án Thăng Long (Bộ GT- VT), chủ đầu tư dự án cho biết.

Một dự án giao thông quan trọng khác hiện đang được Bộ GT-VT triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh là dự án Nút giao thông ngã tư Dầu Giây. Sau nhiều lần bị chậm tiến độ do các khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và nguồn vốn, hiện nay chủ đầu tư cũng đang tập trung nguồn nhân, vật lực để hoàn thành dự án vào cuối năm 2020.

Ngoài các dự án giao thông cấp quốc gia, nhiều dự án khác do Đồng Nai thực hiện cũng đang được triển khai. Trong đó, có một số dự án đã hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động như: tuyến đường nối cảng Phước An, đường 319 (đoạn từ ngã ba Bến Cam, xã Phước Thiền đến đường nối cảng Phước An ở H.Nhơn Trạch)…

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, với các dự án giao thông quy mô rất lớn đang được triển khai trên địa bàn, Đồng Nai hiện đang được xem như là một đại công trường các dự án giao thông trọng điểm của đất nước.

* Động lực tăng trưởng mới

Đồng Nai nằm ở vị trí cửa ngõ của đô thị lớn nhất cả nước là TP.HCM, đồng thời cũng là trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do đó, việc đầu tư, xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới cho địa phương. Không chỉ mang giá trị kết nối, một hệ thống giao thông hiện đại, đồng bộ còn thúc đẩy phát triển kinh tế và quá trình đô thị hóa.

Dự án Nút giao thông ngã tư Dầu Giây khi đưa vào sử dụng  sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc trên tuyến quốc lộ 1 đoạn qua khu vực  ngã tư Dầu Giây, TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất
Dự án Nút giao thông ngã tư Dầu Giây khi đưa vào sử dụng sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc trên tuyến quốc lộ 1 đoạn qua khu vực ngã tư Dầu Giây, TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất

Đơn cử như dự án Sân bay Long Thành, sau khi hoàn thành xây dựng, sân bay này không chỉ đóng vai trò kết nối giao thông mà còn tạo điều kiện để phát triển mô hình thành phố sân bay.

Theo Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, với mô hình phát triển “thành phố sân bay”, sân bay Long Thành có vai trò quan trọng trong kết nối và là động lực để phát triển. “Đồng Nai phải hoàn thành quy hoạch quanh khu vực này gồm hệ thống hạ tầng, nguồn nhân lực. Tỉnh cũng phải đưa ra các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư vào khu vực này để thu hút nguồn lực. Xây dựng kế hoạch đầu tư công trong đó ưu tiên tập trung cho giao thông kết nối nội tỉnh, nội vùng, liên vùng. Cần tính toán tất cả một cách bài bản cho giai đoạn tới” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Tương tự, các dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và nút giao thông ngã tư Dầu Giây khi hoàn thành xây dựng sẽ giúp giảm tải về áp lực giao thông cho quốc lộ 1 hiện tại. Việc hình thành các trục giao thông kết nối mới, giảm thời gian lưu thông chính là điều kiện thuận lợi nhất để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Lê Thành Mỹ đánh giá, các tuyến đường nối vào cảng Phước An và đường 319 (đoạn từ ngã ba Bến Cam đến đường nối cảng Phước An) sau khi hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi, nhất là việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu của các doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghiệp trên địa bàn.

Tầm quan trọng của việc đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông cũng đã được Đồng Nai xác định rõ. Cụ thể, một trong 3 nhiệm vụ đột phá được UBND tỉnh nêu ra trong Chỉ thị về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 của tỉnh chính là việc phải huy động các nguồn lực tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông trọng điểm, giao thông đô thị và giao thông kết nối.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, các dự án giao thông đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ góp phần quan trọng trong việc giải quyết vấn đề kết nối giao thông với các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Qua đó, tạo động lực mới để tỉnh phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư.

Do đó, thời gian qua, Đồng Nai đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án giao thông. Đặc biệt, để phát huy tối đa hiệu quả các dự án giao thông mang lại, hiện nay, tỉnh đang tập trung xây dựng quy hoạch tỉnh nhằm đảm bảo tính kết nối khi các dự án này đưa vào sử dụng.  

            Phạm Tùng

Tin xem nhiều