Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp đua nhau ''lên sàn''

09:07, 20/07/2020

Khi Việt Nam tham gia hội nhập quốc tế ngày càng sâu, nhiều doanh nghiệp (DN) cũng đã đưa ra lộ trình để niêm yết trên sàn chứng khoán. Khi DN "lên sàn", mọi thông tin về công ty sẽ phải rõ ràng, minh bạch hơn.

Khi Việt Nam tham gia hội nhập quốc tế ngày càng sâu, nhiều doanh nghiệp (DN) cũng đã đưa ra lộ trình để niêm yết trên sàn chứng khoán. Khi DN “lên sàn”, mọi thông tin về công ty sẽ phải rõ ràng, minh bạch hơn. Tại Đồng Nai, nhiều DN có vốn nhà nước khi cổ phần, thoái vốn cũng đã thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán.

Công ty CP ICD Tân cảng Long Bình (TP.Biên Hòa) lên sàn giao dịch chứng khoán vào năm 2019
Công ty CP ICD Tân cảng Long Bình (TP.Biên Hòa) lên sàn giao dịch chứng khoán vào năm 2019

Hiện tại Việt Nam có 3 sàn chứng khoán là Upcom, TP.HCM (Hose) và Hà Nội (HNX). Sàn Upcom là nơi thử nghiệm của cổ phiếu trước khi niêm yết lên hai sàn Hose và HNX hoặc là nơi giao dịch cho các cổ phiếu chưa đạt tiêu chuẩn niêm yết sàn Hose, HNX.

* Minh bạch thông tin DN

Theo quy định của Chính phủ, cổ phiếu của những DN được giao dịch trên sàn chứng khoán đều phải đảm bảo là công ty cổ phần đã trở thành công ty đại chúng. Muốn trở thành công ty đại chúng, các DN phải đảm bảo một trong 3 trường hợp sau là có cổ phiếu được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán; đã chào bán cổ phiếu ra công chúng; có cổ phiếu được ít nhất 100 nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp góp vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên.

Thời gian qua, chứng khoán, vàng và bất động sản là một trong những kênh được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều nhà đầu tư khá băn khoăn trong việc lựa chọn kênh đầu tư.  Tuy nhiên, với kênh đầu tư nào cũng đòi hỏi nhà đầu tư phải nắm rõ thông tin và các phân tích của chuyên gia kinh tế, tài chính để có sự lựa chọn đầu tư phù hợp.

Các DN khi “lên sàn” thành công, sẽ đem lại lợi thế rất lớn cho công ty trong việc tiếp cận nguồn vốn từ thị trường chứng khoán thông qua những hoạt động chào bán cổ phiếu. Như vậy khi các DN cần huy động thêm vốn để mở rộng đầu tư sản xuất cũng sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Ông Trần Anh Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Sonadezi và Công ty CP Môi trường Sonadezi cho biết: “Cả hai công ty đều đã lên sàn chứng khoán Upcom. Vì thế mọi hoạt động của công ty phải minh bạch, hiệu quả hơn dưới sự giám sát của các cổ đông đầu tư. Đồng thời, việc trở thành công ty đại chúng và niêm yết trên sàn chứng khoán là xu hướng tất yếu có thể mang lại nhiều thuận lợi cho DN”. Hiện nay, Công ty CP Dịch vụ Sonadezi lên sàn với mã SDV và Công ty CP Môi trường Sonadezi mã SZE. Tuy nhiên, theo ông Dũng, giao dịch cổ phiếu của công ty chưa nhiều.

Các DN đã niêm yết tại sàn chứng khoán cũng buộc phải chú ý đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu hơn so với các công ty chưa lên sàn.

Ông Nguyễn Hữu Hiểu, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai cho hay: “Hầu hết các công ty thành viên của tổng công ty đều đã tiến hành cổ phần hóa và tham gia sàn chứng khoán Upcom hoặc Hose. Tuy nhiên, giao dịch cổ phiếu ở các công ty thành viên còn thấp, nên ít có xáo trộn trong DN”.

* Giữ thương hiệu thật tốt

Với các DN niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, ngoài việc đảm bảo thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh minh bạch, còn phải chú ý rất lớn đến việc xây dựng thương hiệu với công chúng. Đặc biệt là những DN có cổ phiếu được mua bán nhiều trên sàn. Bởi vì chỉ cần có những thông tin bất lợi về công ty thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá cổ phiếu. DN có thể mất đi vài chục đến hàng trăm tỷ đồng trong ngày vì giá cổ phiếu giảm mạnh. Nếu công ty hoạt động tốt, có được những dự án lớn có thể đem lại lợi nhuận cao thì sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư mua cổ phiếu và giá giao dịch cũng có thể tăng rất cao so với giá đang được mua bán. Khi ấy giá trị của công ty có thể tăng lên khá cao và nguồn vốn huy động nhanh chóng hơn và lớn mạnh hơn.

Ông Phan Đình Thám, Tổng giám đốc Tổng công ty CP Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) chia sẻ, đa số công ty thành viên và Tổng công ty Sonadezi đều đã lên sàn chứng khoán, chỉ còn lại 4 công ty thành viên chưa đủ điều kiện để niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Trong các công ty lên sàn thì có 4 công ty có giao dịch cổ phiếu lớn là Công ty CP Sonadezi Châu Đức với mã SZC, Công ty CP Phát triển đô thị số 2 - HSX, Công ty CP Cảng Đồng Nai - PDN và Công ty CP Sonadezi Long Thành - SZL. “Tuy nhiên trong đó, Công ty CP Sonadezi Châu Đức là hằng ngày có thanh khoản lớn nhất và khối lượng giao dịch một phiên có thể đạt cả triệu cổ phiếu. Còn các công ty khác mức độ giao dịch chỉ từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn cổ phiếu/phiên” - ông Thám nói.

Tại Đồng Nai hiện nay có hàng loạt công ty có vốn nhà nước khác trong tiến trình cổ phần cũng đã lên sàn chứng khoán. Đa số các DN đều mong muốn và đang nỗ lực đạt các tiêu chuẩn để có đủ điều kiện nhằm có thể niêm yết tên tuổi một cách chính thức lên sàn chứng khoán Hose. 

Khánh Minh

Tin xem nhiều