Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghề nuôi gia cầm khởi sắc trở lại

04:06, 12/06/2020

Sau nhiều tháng gồng mình gánh lỗ, giá cả giảm thấp do đầu ra khó khăn vì ảnh hưởng dịch Covid-19.., đến nay giá gà, vịt bắt đầu tăng trở lại, tạo động lực cho người chăn nuôi khôi phục sản xuất.

Nhiều tháng qua, người chăn nuôi gia cầm luôn gồng mình gánh lỗ, sản phẩm bán ra dưới giá thành sản xuất do đầu ra khó khăn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhiều người chăn nuôi bỏ nghề, bán trại vì càng làm càng thua lỗ.

Giá vịt tăng về mức người chăn nuôi đã đạt được lợi nhuận. Trong ảnh: Trại nuôi vịt ở xã Tân An (H.Vĩnh Cửu). Ảnh:B. Nguyên
Giá vịt tăng về mức người chăn nuôi đã đạt được lợi nhuận. Trong ảnh: Trại nuôi vịt ở xã Tân An (H.Vĩnh Cửu). Ảnh:B. Nguyên

Sau giai đoạn khó khăn, giá gà, vịt đang bắt đầu tăng trở lại, tạo động lực cho người chăn nuôi khôi phục sản xuất. Trải qua giai đoạn khó khăn, người chăn nuôi cũng đầu tư sản xuất theo hướng chuyên nghiệp hơn, tham gia chuỗi liên kết để phát triển bền vững.

* Nhiều chủ trại “treo” chuồng

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, tính đến cuối tháng 5, tổng sản lượng thịt gia cầm đạt trên 11 ngàn tấn, giảm gần 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng trứng gia cầm đạt trên 94 triệu quả, giảm gần 6% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng đàn gà công nghiệp giảm rõ rệt vì suốt một thời gian dài giá mặt hàng này bán ra thấp hơn giá thành sản xuất khiến người chăn nuôi thua lỗ.

Theo ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, trước đây, chăn nuôi trang trại quy mô công nghiệp chỉ chiếm hơn 80% tổng đàn. Hiện chăn nuôi trang trại chiếm hơn 90% tổng đàn. Riêng chăn nuôi gà công nghiệp hiện chủ yếu được nuôi theo quy mô trang trại; tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất chiếm 90% tổng đàn.

Ông Nguyễn Văn Nhẫn, chủ trại gà tại xã Xuân Tây (H.Cẩm Mỹ) cho biết: “Tôi đã cho dừng hoạt động của trại nuôi vịt công nghiệp quy mô 60 ngàn con cùng 2 trại nuôi gà quy mô vài ngàn con/trại sau nhiều tháng gồng mình gánh lỗ vì giá bán quá thấp. Không chỉ trại của tôi mà nhiều trại nuôi gà, vịt khác cũng phá sản, bỏ chăn nuôi. Giờ nhiều chủ trại đang có nhu cầu cho thuê trang trại như gia đình tôi”.

Lý giải nguyên nhân nhiều chủ trại bỏ chăn nuôi, ông Nhẫn cho rằng vì suốt nhiều tháng trời, giá gà, vịt cho đến trứng gà, trứng vịt đều bán dưới giá thành sản xuất do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhiều chủ trại nuôi thua lỗ nặng buộc phải bán trại, bỏ nghề.

Không chỉ các trại chăn nuôi tư nhân quy mô nhỏ mà các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại cũng không tránh khỏi cơn “khủng hoảng” này. Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (H.Xuân Lộc) là doanh nghiệp đi đầu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai về ứng dụng công nghệ cao, dây chuyền hiện đại chăn nuôi với quy mô lớn. Nhưng doanh nghiệp này đã không vượt qua đợt khó khăn vừa qua. Ông Lâm Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức chia sẻ: “Suốt nhiều tháng trời gồng mình chịu lỗ vì không thể tiêu thụ được trứng do thị trường gặp khó khăn bởi dịch Covid-19, tôi buộc phải bán lại toàn bộ trang trại chăn nuôi cho một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để tránh rơi vào cảnh phá sản”.

* Vượt khó, khôi phục lại đàn

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng sau dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ của các mặt hàng trứng, thịt gia cầm dần khôi phục. Cộng thêm nguyên nhân nguồn cung giảm mạnh do người chăn nuôi bỏ đàn, giảm đàn nên giá các sản phẩm gia cầm hiện đang tăng trở lại.

Giá gà công nghiệp tăng cao khuyến khích người nuôi khôi phục lại đàn sau giai đoạn khó khăn. Ảnh Trại nuôi gà công nghiệp tại H.Long Thành. Ảnh:B.Nguyên
Giá gà công nghiệp tăng cao khuyến khích người nuôi khôi phục lại đàn sau giai đoạn khó khăn. Ảnh Trại nuôi gà công nghiệp tại H.Long Thành. Ảnh:B.Nguyên

Tăng cao nhất là sản phẩm gà công nghiệp, hiện giá bán tại trại đang dao động từ 31-33 ngàn đồng/kg, tăng gấp 3 lần so với thời điểm giá mặt hàng này chạm đáy vào vài tháng trước đó và tăng cả chục ngàn đồng so với hồi đầu tuần. Giá vịt cũng tăng về mức người chăn nuôi đạt lợi nhuận tốt với mức dao động từ 38-40 ngàn đồng/kg. Giá trứng gà công nghiệp cũng đạt khoảng 14 ngàn đồng/chục, trứng vịt trên 20 ngàn đồng/chục là mức người chăn nuôi bắt đầu có lợi nhuận.

Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ nhận xét, giá gà công nghiệp tăng lên đột biến do trước đó người chăn nuôi giảm đàn. Mặt khác, vừa qua, tình hình dịch bệnh trên gia cầm diễn biến phức tạp khiến nhiều trại mất trắng đàn nuôi. Theo đó, hiện nay, nguồn cung giảm mạnh vì nhiều trại mất lứa nuôi. Trong khi đó, sau dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ khôi phục trở lại, nhất là hàng loạt trường học, các bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp hoạt động đều trở lại khiến nhu cầu tăng cao.

“Trước đây, doanh nghiệp sản xuất giống phải tiêu hủy bớt gà, vịt giống vì không có người mua. Hiện nay, thị trường tiêu thụ khôi phục tốt, người chăn nuôi đầu tư trở lại vì nhu cầu thị trường này là rất lớn, nhất là trong tình hình giá thịt heo vẫn cao ngất ngưởng như hiện nay thì sản phẩm thịt gà vẫn được ưu tiên lựa chọn” - ông Quyết nói.

Sau giai đoạn khó khăn vừa qua, nhiều trại chăn nuôi chuyển hướng chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô trang trại lớn, hiện đại theo chuỗi liên kết để phát triển bền vững. Ông Trần Văn Nhân, chủ trại gà tại xã Hố Nai 3 (H.Trảng Bom) cho biết: “Sau giai đoạn chăn nuôi gặp khó khăn vì dịch Covid-19, tôi chuyển các trại nuôi gà, vịt quy mô nhỏ lẻ vài ngàn con/trại để tập trung đầu tư cho trang trại chăn nuôi lớn với quy mô 210 ngàn con. Tôi đổ vốn đầu tư trang trại mới theo chuẩn công nghiệp hiện đại, ký kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để phát triển ổn định”.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều