Kiểm soát và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên là một trong những giải pháp quan trọng giúp giữ gìn môi trường sống trong tương lai.
Kiểm soát và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên là một trong những giải pháp quan trọng giúp giữ gìn môi trường sống trong tương lai.
Phân loại rác thải tại nguồn ở TP.Long Khánh. Ảnh: H.Lộc |
Với chủ đề hành động vì thiên nhiên, Tuần lễ Đồng Nai xanh 2020 diễn ra từ ngày 5 đến hết ngày 12-6 kêu gọi người dân, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội cùng hành động để bảo tồn và khôi phục đa dạng sinh học; bảo vệ nguồn tài nguyên đất, nước, không khí để bảo vệ cuộc sống trong tương lai.
* Đa dạng nguồn tài nguyên
Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức cho rằng, Đồng Nai có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, có hệ thực vật tự nhiên phong phú. Cụ thể, tỉnh có 9 khu vực có tính đa dạng sinh học cao là: Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, rừng thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà, rừng phòng hộ Long Thành - Nhơn Trạch, rừng phòng hộ 600 H.Tân Phú, khu vực núi Chứa Chan H.Xuân Lộc, rừng phòng hộ Tân Phú, sông Đồng Nai và hồ Trị An, sông Thị Vải và phụ lưu sông Thị Vải. Công tác quản lý, khai thác và bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu vực này được thực hiện nghiêm ngặt dưới sự giám sát của Sở TN-MT, các đơn vị liên quan.
Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai bao gồm: Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu, Khu Bảo tồn vùng nước nội địa Trị An - Đồng Nai, Khu Ramsar Bàu Sấu được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới có cảnh quan thiên nhiên đẹp và đa dạng. Khu Dự trữ sinh quyển là nơi bảo tồn và phát triển hàng trăm loài động, thực vật, trong đó có nhiều cây, con thuộc dạng quý hiếm; nguồn tài nguyên khoáng sản như: vàng, bôxít, đá quý, cao lanh, sét bột màu, vật liệu xây dựng; hệ thống sông Đồng Nai trong khu dự trữ sinh quyển vừa là nguồn cung cấp nước tưới, nước sinh hoạt vừa là nguồn tài nguyên thủy điện lớn. Ngoài ra, còn có nước khoáng và nước nóng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho biết, liên quan đến bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên, những năm qua, UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Trong đó, có nhiều chính sách mang tính chiến lược vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, vừa giữ gìn và bảo vệ môi trường như: quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; quy hoạch khai thác khoáng sản; quy hoạch quản lý, sử dụng đất; quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng; quy hoạch tài nguyên nước... Hoàn thiện quy hoạch mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường nước mặt, nước dưới đất; môi trường đất và quan trắc chất lượng môi trường không khí, nhằm kịp thời cảnh báo, ngăn ngừa ô nhiễm và tìm giải pháp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, Tỉnh ủy cũng ban hành các chỉ thị liên quan đến bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế - xã hội như: triển khai sâu rộng Đề án phân loại rác thải rắn tại nguồn; đưa tiêu chí môi trường vào nghị quyết của từng địa phương, trên phạm vi toàn tỉnh.
Trên cơ sở quy hoạch của UBND tỉnh, chỉ thị của Tỉnh ủy, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch hành động vì môi trường hằng năm, 5 năm. Có tổng kết, đánh giá hiệu quả của từng đề án, từng mô hình để nhân rộng.
* Khai thác và sử dụng hiệu quả
Để quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, ngoài việc ban hành và hoàn thiện các chính sách, quy định, quy hoạch về đất đai, nguồn nước, không khí, UBND tỉnh, các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp hành động vì môi trường.
Chẳng hạn về nguồn tài nguyên nước, để đảm bảo an ninh nguồn nước, phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngoài việc đầu tư các trạm quan trắc môi trường nước tự động tại một số khu vực cấp nước, tỉnh đang đầu tư hệ thống thu gom, thoát nước, xử lý nước thải sinh hoạt tại các đô thị; xây dựng vận hành các khu xử lý nước thải tập trung tại các đô thị, khu và cụm công nghiệp. Đồng thời, có các biện pháp quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ và kiểm soát nguồn nước.
Sở TN-MT thực hiện nhiều dự án liên quan đến bảo vệ và khai thác nguồn nước hiệu quả như: dự án Điều tra, đánh giá sơ bộ tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; dự án Điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Ngoài ra, tiếp tục thực hiện Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, trong đó, tập trung kiểm soát chất lượng nước thải từ hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, dân sinh và nuôi trồng thủy sản; chia sẻ dữ liệu giữa các địa phương trên lưu vực sông Đồng Nai và phối hợp giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường nước liên tỉnh; ứng dụng quan trắc tự động để giám sát môi trường nước trên lưu vực sông, khu vực sản xuất công nghiệp...
TP.Long Khánh là địa phương được đánh giá có nhiều cách làm sáng tạo và hiệu quả trong giữ gìn, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Ông Hồ Văn Nam, Chủ tịch UBND TP.Long Khánh cho biết, thực hiện chủ trương xây dựng và phát triển thành phố xanh, những năm gần đây, thành phố đặt mục tiêu hài hòa kinh tế - xã hội - môi trường lên hàng đầu. Các quy hoạch phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị đều được xem xét và tính toán trên cơ sở tiêu chuẩn về xây dựng và môi trường.
Ngoài ra hằng năm, UBND thành phố ban hành và tổ chức thực hiện nhiều quy định định liên quan đến bảo vệ nguồn tài nguyên đất, nước, không khí; kêu gọi các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư chung tay tham gia các hoạt động thiết thực, cụ thể để bảo vệ môi trường bắt đầu từ việc phân loại rác tại nguồn, vệ sinh đường phố, làm sạch nhà ở và môi trường sống; sử dụng tiết kiệm nước, trồng cây xanh, tham gia các hoạt động vì môi trường góp phần xây dựng TP.Long Khánh xanh, văn minh, an toàn và hiện đại.
Hoàng Lộc