Báo Đồng Nai điện tử
En

'Lá chắn thép' phòng, chống dịch tả heo châu Phi

09:05, 29/05/2020

Bộ NN-PTNT vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tập trung kiểm soát dịch tả heo châu Phi tái bùng phát, lây lan trên diện rộng vì nguy cơ tái phát dịch bệnh này là rất lớn. Từ đầu năm đến nay, cả nước có 155 xã tại 20 tỉnh, thành phố đã tái phát dịch tả heo châu Phi.

 

Bộ NN-PTNT vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tập trung kiểm soát dịch tả heo châu Phi tái bùng phát, lây lan trên diện rộng vì nguy cơ tái phát dịch bệnh này là rất lớn. Từ đầu năm đến nay, cả nước có 155 xã tại 20 tỉnh, thành phố đã tái phát dịch tả heo châu Phi.

Trang trại chăn nuôi Hoa Phượng (xã Tân An, H.Vĩnh Cửu) đảm bảo an toàn sinh học khi tái đàn heo
Trang trại chăn nuôi Hoa Phượng (xã Tân An, H.Vĩnh Cửu) đảm bảo an toàn sinh học khi tái đàn heo

Tuy chưa xảy ra việc tái phát dịch tả heo châu Phi, nhưng nguy cơ tái phát dịch này là rất lớn vì chưa có vaccine phòng dịch, Đồng Nai đang nỗ lực phòng, chống dịch tả heo châu Phi song song với việc tăng cường tái đàn heo. Trong đó, đảm bảo an toàn sinh học được cho là giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả nhất hiện nay.

* Tái đàn đảm bảo an toàn sinh học

Trại heo giống Bình Minh (xã Bình Minh, H.Trảng Bom) với quy mô 20 ngàn con heo từng là trại giống lớn nhất cả nước xảy ra dịch tả heo châu Phi trong năm 2019. Nhưng nhờ tích cực thực hiện các giải pháp an toàn sinh học, trang trại vẫn giữ được đàn giống gốc và ngay từ tháng 11-2019, đơn vị này đã bắt đầu cung cấp con giống ra thị trường. Hiện trại giống cơ bản đã phục hồi được toàn bộ 500 con nái cụ kỵ để sản xuất ra heo ông bà - bố mẹ nhằm đảm bảo cung ứng ra thị trường. Trung bình mỗi tháng, trang trại này xuất từ 200-250 con heo giống bố mẹ đến các trại có nhu cầu nuôi heo đẻ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh khẳng định, hiện giá heo hơi đang ở mức rất cao do nguồn cung thiếu hụt. Giải pháp căn cơ hiện nay là khuyến khích người chăn nuôi tăng đàn, tái đàn để tăng nguồn cung heo thịt, góp phần ổn định thị trường. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cần kiểm soát chặt chẽ, chỉ cho các cơ sở tái đàn khi đạt điều kiện an toàn sinh học.

Nói về việc giữ và khôi phục được đàn heo giống sau khi xảy ra dịch tả heo châu Phi, ông Nguyễn Hữu Tỉnh, Phó giám đốc Phân viện Chăn nuôi Nam bộ, đại diện cho trại heo giống Bình Minh khẳng định, hiện chưa có vaccine phòng dịch tả heo châu Phi nên chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay trong phòng, chống dịch bệnh này. Theo đó, trong công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi, trang trại đã áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, quản lý nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc giữa vật nuôi và mầm bệnh; kết hợp với nhiều giải pháp tiêu độc, khử trùng chuồng trại như: rắc vôi bột, phun thuốc sát trùng thường xuyên; bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi…

“An toàn sinh học là lá chắn thép trong công tác phòng, chống không để dịch tả heo châu Phi tái phát. Từ đó, trang trại đang khôi phục lại tổng đàn heo, đặc biệt là đàn giống gốc” - ông Tỉnh khẳng định.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Thắng, chủ trang trại Hoa Phượng (xã Tân An, H.Vĩnh Cửu) cho biết, hơn 50% tổng đàn heo của trang trại bị tiêu hủy do dịch tả heo châu Phi. Nhưng nhờ làm tốt công tác an toàn sinh học nên trang trại vẫn bảo vệ được đàn giống cụ kỵ trước dịch tả heo châu Phi. Đây là cơ sở để trang trại tái đàn thành công như hiện nay. Nhưng để đảm bảo không tái phát dịch tả heo châu Phi, trang trại chỉ tái đàn heo sau khi được chính quyền địa phương kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm và công nhận đạt chuẩn an toàn.

Đến nay, trang trại đã xuất bán được 2 lứa heo và đang tập trung tăng đàn heo giống. Chia sẻ kinh nghiệm tái đàn thành công, ông Thắng nhấn mạnh: “Nhờ triển khai quyết liệt những biện pháp an toàn sinh học ngay từ khâu mua heo giống để tái đàn phải đảm bảo có nguồn gốc rõ ràng, có xét nghiệm âm tính với dịch tả heo châu Phi và được tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh khác trước khi thả nuôi”.

Ngay cả những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng có ý thức cao thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ đàn heo không để tái phát dịch tả heo châu Phi. Bà Nguyễn Thị Thảo, hộ chăn nuôi heo tại xã Tân An (H.Vĩnh Cửu) chia sẻ: “Vì không có điều kiện đầu tư chuồng kín nên bà rất chú trọng bảo vệ đàn heo khỏi những nguồn lây như sát trùng kỹ khu chuồng trại trước khi thả heo giống; nuôi heo với mật độ thưa; phủ lưới kín xung quanh chuồng hạn chế không để chuột, ruồi, muỗi tiếp xúc với đàn heo”.

* Tăng cường kiểm tra, giám sát

Tuy Đồng Nai đã cơ bản khống chế được dịch tả heo châu Phi nhưng cả người chăn nuôi và chính quyền địa phương đều không lơ là trong công tác phòng, chống dịch. Phó chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ Nguyễn Văn Thắng cho hay, dù đã công bố hết dịch tả heo châu Phi nhưng địa phương không chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này. Từ đầu năm đến nay, địa phương vẫn thường xuyên tổ chức ra quân đồng loạt dọn dẹp môi trường; rải vôi bột, phun thuốc sát trùng, khử độc để phòng, chống dịch. Tuy khuyến khích người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn nhưng chủ trương của địa phương là chỉ cho những cơ sở đảm bảo điều kiện an toàn trong chăn nuôi mới đủ điều kiện được tái đàn.

Trước tình hình tái phát dịch tả heo châu Phi tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, Giám đốc Sở NN-PTNT Huỳnh Thành Vinh nhấn mạnh, nguy cơ tái phát dịch tả heo châu Phi là rất lớn. Theo đó, ngành nông nghiệp luôn xác định công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay.

Theo đó, từ đầu năm đến nay, công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng tại những khu vực có nguy cơ phát tán dịch bệnh được thực hiện thường xuyên. Ngành nông nghiệp cũng tăng cường công tác giám sát lưu hành virus gây bệnh, đặc biệt là với dịch tả heo châu Phi và dịch cúm gia cầm. Trước diễn biến phức tạp của dịch tả heo châu Phi hiện nay, Sở NN-PTNT sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động chăn nuôi, tái đàn và công tác phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở chăn nuôi.

Bình Nguyên

 
Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích