Hiện nay, doanh nghiệp (DN) trong nước nói chung và DN ở Đồng Nai nói riêng ngày càng quan tâm, chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu.
Hiện nay, doanh nghiệp (DN) trong nước nói chung và DN ở Đồng Nai nói riêng ngày càng quan tâm, chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu.
Gian trưng bày, quảng bá sản phẩm của Công ty TNHH Nam Long (H.Long Thành) tại hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao tỉnh Đồng Nai năm 2019. Ảnh: H. Quân |
Trong “cuộc chiến” về thương hiệu, chất lượng sản phẩm luôn được các DN đặt lên hàng đầu, sau đó mới đến giá cả, hệ thống phân phối, hoạt động quảng bá sản phẩm...
* 28 DN Đồng Nai được bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao
Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) đã chủ trì cuộc khảo sát người tiêu dùng bình chọn HVNCLC năm 2020 bắt đầu từ tháng 10-2019 đến tháng 2-2020. Hội đã công bố 604 DN đạt danh hiệu HVNCLC năm 2020. Trong đó, Đồng Nai có 28 DN đạt danh hiệu này, tương đương so với năm ngoái.
Ban Chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (Ban Chỉ đạo 264) tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kết nối người tiêu dùng với nhà sản xuất, nâng cao giá trị thương hiệu cho hàng Việt trên địa bàn tỉnh, tiếp tục thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cho hàng Việt, sản phẩm địa phương... |
Trong đợt bình chọn năm nay, các DN ở Đồng Nai đạt danh hiệu này hoạt động đa dạng lĩnh vực, ngành nghề như: sữa và sản phẩm từ sữa; đồ uống; nước chấm, gia vị; nông sản tươi; hóa mỹ phẩm, dược phẩm; máy móc gia dụng; máy móc, công cụ nông nghiệp; sản phẩm từ cao su; vật liệu xây dựng; sản phẩm thực phẩm tươi, đông lạnh; sản phẩm thức ăn chăn nuôi...
Cụ thể, các DN ở Đồng Nai đạt danh hiệu lần này như: Công ty CP Lothamilk, Công ty CP Vinacafé Biên Hòa, Công ty TNHH MTV Động cơ - máy nông nghiệp Miền Nam, Công ty TNHH Nam Long, Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam...
Bà Chu Hải Yến, đại diện Công ty CP Lothamilk (TP.Biên Hòa) cho biết, trong những năm qua, công ty chú trọng phát triển các dòng sản phẩm chất lượng, gắn với các tiêu chuẩn hội nhập. Tiêu chí mà công ty luôn chú trọng hướng tới là sạch, ngon, tiện lợi và giá cả phù hợp. Trong đó, yếu tố về chất lượng vẫn là tôn chỉ hàng đầu đối với một DN địa phương như Lothamilk. Bên cạnh đó, công ty cũng chủ động phát triển hệ thống phân phối, các kênh quảng bá thương hiệu để sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhằm nâng cao tính cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.
* Củng cố niềm tin của người tiêu dùng
Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, câu chuyện xây dựng thương hiệu càng được DN chú ý nhiều hơn. Bởi đây là vấn đề quan trọng để củng cố niềm tin của người tiêu dùng trong nước với hàng Việt trước sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường.
Thông qua các cuộc khảo sát gần đây đối với người tiêu dùng trong tỉnh, các yếu tố được người tiêu dùng trong tỉnh quan tâm là: chất lượng sản phẩm, các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, minh bạch thông tin về nguồn gốc xuất xứ, thành phần sản phẩm, hàm lượng dưỡng chất, thương hiệu của sản phẩm...
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn tới các sản phẩm trong nước, nhiều sản phẩm nội có chất lượng, mẫu mã có thể cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm ngoại. Tuy nhiên, cái khó là mức độ phổ biến, “độ phủ” về thương hiệu của sản phẩm Việt nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, nhất là nguồn lực liên quan đến quảng bá thương hiệu, phát triển hệ thống phân phối...
Ông Châu Minh Nguyện, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai nhận định, một trong những hạn chế lớn nhất của phần lớn các DN nhỏ và vừa ở Đồng Nai hiện nay là thiếu một chiến lược phát triển dài hơi trong hoạt động kinh doanh, trong đó có kế hoạch đầu tư để phát triển thương hiệu. Các cơ quan quản lý nhà nước cần có thêm chính sách hỗ trợ các DN địa phương, nhất là các DN nhỏ và vừa trong mạng lưới phân phối, quảng bá sản phẩm để các DN có thêm các kênh giao thương, giới thiệu và phân phối sản phẩm...
Theo nhiều chuyên gia, DN “ngoại” có lợi thế vốn mạnh nên họ có nhiều điều kiện để khảo sát, nắm bắt tâm lý người tiêu dùng, cũng như có nhiều phương thức để quảng bá sản phẩm, phát triển thương hiệu, xây dựng các chiến dịch kích cầu, giới thiệu sản phẩm mới; đưa sản phẩm trưng bày ở các vị trí đắc địa, vừa tầm mắt người mua ở những hệ thống phân phối, siêu thị hay ngay cả ở các cửa hàng bách hóa...
Ông Bùi Mạnh Hùng, Phó trưởng phòng Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM chia sẻ, hàng Việt cần đổi mới để cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đi đôi với việc làm thương hiệu, xây dựng chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất, đưa hàng hóa lưu thông ra thị trường, đến tay người tiêu dùng.
Hải Quân