Với mục tiêu giữ gìn, phát huy các giá trị tự nhiên, lịch sử, văn hóa vốn có để trở thành điểm nhấn, tạo bản sắc riêng cho đô thị Biên Hòa, trong đồ án quy hoạch phân khu chuẩn bị được phê duyệt, cù lao Hiệp Hòa sẽ được định hướng phát triển trở thành khu đô thị sinh thái, văn hóa, lịch sử theo hướng bảo tồn các công trình kiến trúc cổ, các sản vật đặc trưng…
Với mục tiêu giữ gìn, phát huy các giá trị tự nhiên, lịch sử, văn hóa vốn có để trở thành điểm nhấn, tạo bản sắc riêng cho đô thị Biên Hòa, trong đồ án quy hoạch phân khu chuẩn bị được phê duyệt, cù lao Hiệp Hòa sẽ được định hướng phát triển trở thành khu đô thị sinh thái, văn hóa, lịch sử theo hướng bảo tồn các công trình kiến trúc cổ, các sản vật đặc trưng…
Theo đồ án quy hoạch phân khu sắp được phê duyệt, cù lao Hiệp Hòa sẽ được phát triển thành khu đô thị sinh thái, văn hóa, lịch sử. Ảnh: P. Tùng |
[links()]* Đưa cù lao Hiệp Hòa trở thành đô thị sinh thái, văn hóa
Ông Trương Vĩnh Hiệp, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa cho biết, hiện nay, đồ án quy hoạch phân khu cù lao Hiệp Hòa đang được lấy ý kiến các thành viên UBND tỉnh để ký phê duyệt ban hành. Đồ án này do Công ty Kiến trúc ATA (trụ sở TP.HCM) thực hiện.
Ông Nguyễn Kinh Kha, Trưởng phòng thiết kế, Công ty kiến trúc ATA cho biết, sau khi rà soát, Đồng Nai đã quyết định quy hoạch không gian đô thị của cù lao Hiệp Hòa theo phương án 1 mà đơn vị đưa ra.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, trong quá trình thực hiện quy hoạch phân khu cù lao Hiệp Hòa, khi thực hiện thu hồi đất để triển khai các dự án phải đảm bảo tái định cư tại chỗ cho người dân để người dân cùng được hưởng lợi. “Người dân sinh sống tại cù lao Hiệp Hòa thì khi bố trí tái định cư cũng phải bố trí tái định cư tại cù lao Hiệp Hòa” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh. |
Theo đó, quy hoạch phân khu cho cù lao Hiệp Hòa, về cơ bản sẽ hướng đến mục tiêu bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử, sinh thái vốn có của vùng đất này. Về phương án quy hoạch không gian đô thị, vùng lõi trung tâm sẽ được bố trí ở giữa khu vực phía Bắc của cù lao (KP.Nhất Hòa). Đồng thời, hình thành thêm một trục trung tâm trên trục đường Đặng Văn Trơn.
Ngoài ra, để đảm bảo định hướng đưa cù lao Hiệp Hòa trở thành “lá phổi xanh” của đô thị Biên Hòa, khu công viên tập trung với diện tích khoảng 130ha cũng được quy hoạch phát triển ở phía Đông.
Đặc biệt theo ông Nguyễn Kinh Kha, để đảm bảo quyền lợi của người dân sinh sống tại cù lao Hiệp Hòa như định hướng của tỉnh đã đưa ra, đơn vị cũng đã kết hợp điều chỉnh số lượng các khu dân cư hiện hữu từ phương án 2 sang phương án 1 đã được lựa chọn.
Cụ thể, theo phương án 1 được lựa chọn ban đầu sẽ chỉ có 2 khu vực dân cư hiện hữu được giữ nguyên, riêng khu dân cư hiện hữu ở khu vực KP.Nhất Hòa với khoảng 200 hộ dân sẽ thực hiện giải tỏa để đầu tư các dự án. “Các cơ quan chức năng của tỉnh sau đó đã rà soát và quyết định không thực hiện giải tỏa khu vực dân cư hiện hữu tại KP.Nhất Hòa để đảm bảo quyền lợi cho người dân” - ông Nguyễn Kinh Kha cho biết.
Về quy hoạch giao thông, các trục đường Đặng Văn Trơn và Đỗ Văn Thi được xác định là những trục giao thông chính của cù lao Hiệp Hòa. Về giao thông kết nối, ngoài dự án xây dựng cầu Thống Nhất để kết nối cù lao Hiệp Hòa với trung tâm đô thị Biên Hòa sẽ có thêm một cây cầu được xây dựng để kết nối khu vực này với P.An Bình.
Đối với quy hoạch các khu nhà ở cao tầng, vị trí quy hoạch sẽ được điều chỉnh từ vùng lõi trung tâm ra các khu vực giáp sông Đồng Nai và sông Cái để tăng giá trị và tránh tình trạng ùn tắc giao thông trong tương lai.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, đối với các quy hoạch dự án tại cù lao Hiệp Hòa, Đồng Nai sẽ tiến hành đấu giá để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia thực hiện. “Mục tiêu của Đồng Nai là phát triển cù lao Hiệp Hòa trở thành khu đô thị xanh, đẹp, thơ mộng chứ không phát triển nơi đây trở thành một khu đô thị sầm uất” - Chủ tich UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.
* Giữ bản sắc đô thị riêng
Ngoài giá trị về địa thế, cù lao Hiệp Hòa lâu nay còn được biết đến là nơi mang trong mình nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử và tôn giáo.
Cù lao Hiệp Hòa là nơi lưu giữ nhiều công trình văn hóa, lịch sử, tôn giáo. Chùa Ông tại cù lao Hiệp Hòa hướng mặt ra ra sông Đồng Nai. |
Thống kê của UBND TP.Biên Hòa cho thấy, hiện nay tại cù lao Hiệp Hòa còn 22 công trình tôn giáo, lịch sử. Trong số này có 4 công trình được xếp hạng di tích cấp quốc gia gồm: đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, chùa Ông, chùa Đại Giác, đình Bình Quan và 18 di tích hạng phổ thông gồm các đình, chùa, thánh thất, tịnh xá… Ngoài ra, tại cù lao Phố còn có các căn nhà cổ và các ngôi mộ cổ. Tất cả đều mang trong mình những giá trị tín ngưỡng, lịch sử gắn liền với thời kỳ mở mang lãnh thổ dân tộc về phương Nam.
Do đó, trong phương án quy hoạch phân khu cù lao Hiệp Hòa, ngoài việc tính toán để khai thác những lợi thế trong phát triển đô thị, Đồng Nai đặc biệt chú trọng đến việc gìn giữ và phát huy giá trị các công trình văn hóa, lịch sử, tôn giáo tại khu vực này.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh đã đặt ra yêu cầu đối với đơn vị lập quy hoạch phân khu cù lao Hiệp Hòa phải giữ nguyên trạng các công trình văn hóa, lịch sử, tôn giáo. Bởi, đây là vùng đất có một vai trò đặc biệt trong tiến trình mở cõi phương Nam của dân tộc ta nói chung và Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng. Việc giữ nguyên trạng các công trình này sẽ tạo ra nét riêng không chỉ cho cù lao Hiệp Hòa mà cho cả đô thị Biên Hòa. “Đình, chùa, miếu phải giữ nguyên trạng. Đây là yếu tố tạo nên nét riêng của cù lao Hiệp Hòa cũng như cho TP.Biên Hòa. Đây cũng sẽ là khu vực điểm nhấn trong không gian cảnh quan của đô thị Biên Hòa trong tương lai” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết.
Dựa trên tiêu chí này, ông Nguyễn Kinh Kha cho biết, đơn vị tư vấn cũng đã quy hoạch khu chức năng trung tâm văn hóa, lịch sử tại cù lao Hiệp Hòa có diện tích khoảng 12-15 ha với nhiều công trình văn hóa cấp vùng sẽ được quy hoạch xây dựng tại đây.
Phạm Tùng