Khi doanh nghiệp (DN) được công nhận là DN công nghệ cao, thương hiệu sẽ được nâng lên, thuận lợi hơn trong việc ký kết, mở rộng thị trường tiêu thụ với các đối tác và xuất khẩu.
Khi doanh nghiệp (DN) được công nhận là DN công nghệ cao, thương hiệu sẽ được nâng lên, thuận lợi hơn trong việc ký kết, mở rộng thị trường tiêu thụ với các đối tác và xuất khẩu. Thế nhưng đến nay, trên địa bàn Đồng Nai chỉ có 5 DN được công nhận là DN công nghệ cao.
Công ty TNHH Bosch Việt Nam ở Khu công nghiệp Long Thành (huyện Long Thành) ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất. Ảnh:H.Giang |
Theo Sở Công thương, 5 DN có chứng nhận công nghệ cao của Đồng Nai hiện nay gồm: Công ty TNHH Bosch Việt Nam ở Khu công nghiệp Long Thành (huyện Long Thành), Công ty TNHH Taekwang Mold Vina ở Khu công nghiệp Agtex Long Bình, Công ty TNHH sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam, Công ty TNHH Muto Việt Nam thuộc Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa), Công ty TNHH Chemtrovina ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (huyện Nhơn Trạch).
* Đều thuộc công nghiệp hỗ trợ
Điều trùng hợp là cả 5 DN trên đều thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ và là các tập đoàn đa quốc gia, đầu tư vào Đồng Nai từ khá sớm. Qua nhiều năm, các DN đều mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, xuất khẩu và tăng vốn, nâng công suất lên gấp 1,5-4 lần so với ban đầu. Công ty TNHH Bosch Việt Nam thuộc Tập đoàn Bosch (Đức) là một trong những DN đầu tiên của tỉnh được công nhận ứng dụng công nghệ cao chuyên sản xuất linh kiện cho ngành ô tô. Tập đoàn Bosch đầu tư vào tỉnh từ năm 2008. Trong hơn 10 năm qua, DN liên tục đưa máy móc, công nghệ hiện đại vào các khâu và nâng công suất, tăng xuất khẩu vào các thị trường trên thế giới.
Để được chứng nhận là DN công nghệ cao, các công ty đáp ứng 5 yêu cầu là sản xuất sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển; áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất; doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao của DN phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hằng năm; tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam đạt 0,5-1% trên tổng doanh thu thuần hằng năm; DN có ít nhất 2,5-5% số lượng lao động có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển. |
Ông Guru Mallikarjuna, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bosch Việt Nam chia sẻ: “Thông qua quá trình hoạt động, tôi nhận thấy được tiềm năng và cơ hội của Đồng Nai trong tương lai nên đã đẩy mạnh đầu tư mở rộng sản xuất để đón đầu. Hiện nhà máy của Bosch tại Đồng Nai ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất với năng suất 30 triệu sản phẩm/năm. Mục tiêu là để đưa ra thị trường dòng sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của những khách hàng trên thế giới”. Việc ứng dụng công nghệ 4.0 và cấp chứng nhận DN công nghệ cao đã nâng cao giá trị thương hiệu của Công ty TNHH Bosch Việt Nam tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Cuối năm 2019, Công ty TNHH Bosch Việt Nam còn ký kết với UBND tỉnh sẽ hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu cho các DN trên địa bàn Đồng Nai.
Ông Lê Đức Vinh, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH máy tính Fujitsu Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa) cho hay: “Thời gian qua, Fujitsu đã đầu tư hàng chục triệu USD để thay đổi công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm. Có được danh hiệu DN công nghệ cao, giúp công ty nâng cao uy tín với khách hàng, theo đó các đơn hàng nhận được cũng lớn hơn. Hiện hàng hóa của công ty hầu hết xuất khẩu vào Nhật Bản và từ đây xuất đi các thị trường khác”.
Những DN đạt được chứng nhận công nghệ cao khác tại Đồng Nai đều khẳng định, trong sản xuất, kinh doanh, tìm đối tác, đơn hàng trong nước, nước ngoài thuận lợi hơn. Hàng hóa xuất khẩu, các thủ tục làm nhanh, đơn giản được nhiều khâu so với những DN trên cùng lĩnh vực nhưng chưa là DN công nghệ cao.
* Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm
Tại Đồng Nai có gần 2 ngàn DN đang sản xuất trong các khu công nghiệp, trong đó 70% là DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, còn lại là DN trong nước. Sản phẩm làm ra có hơn 80% xuất khẩu sang 170 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, có nhiều DN đã ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong sản xuất hàng hóa nhưng ngại thủ tục hoặc có đầu ra ổn định nên chưa quan tâm đến việc đăng ký trở thành DN công nghệ cao.
Cụ thể, Đồng Nai có nhiều tập đoàn sản xuất đa quốc gia nổi tiếng thế giới như: Suzuki, Meggitt, Schaeffler, Hyosung, Mitsubishi, Ajinomoto... sản xuất sản phẩm chất lượng cao được các thị trường khắt khe là Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu... chấp nhận. Hiện các DN này chưa làm hồ sơ để công nhận thuộc lĩnh vực công nghệ cao.
Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai Mai Văn Nhơn nhận xét: “Khoảng 5 năm trở lại đây, những dự án các khu công nghiệp trong tỉnh thu hút được hầu hết có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, nhiều DN cũng đầu tư mua máy móc, chuyển đổi công nghệ mới, từng bước ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, do “ngại” thủ tục nên DN ít đăng ký xét duyệt DN công nghệ cao”.
Theo Yoshida Mizuho, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Việt Nam Kaneko ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 (huyện Nhơn Trạch), công ty đầu tư ứng dụng các loại máy móc công nghệ cao vào hoạt động sản xuất các thiết bị máy móc trong sản xuất gas, dầu, hóa chất lỏng. Sản phẩm làm ra phần lớn xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc. Thế nhưng, công ty chưa làm hồ sơ để công nhận DN công nghệ cao vì còn ngại thủ tục rườm rà. Tới đây, công ty sẽ tìm hiểu kỹ về thủ tục, nếu thuận lợi sẽ đăng ký.
Hương Giang