Báo Đồng Nai điện tử
En

Thúc đẩy nông dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất

03:01, 14/01/2020

Thời gian qua, Đồng Nai luôn tích cực hỗ trợ, khuyến khích nông dân, doanh nghiệp phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, mô hình này hiện vẫn đang rất khó nhân rộng...

Thời gian qua, Đồng Nai luôn tích cực hỗ trợ, khuyến khích nông dân, doanh nghiệp phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, mô hình này vẫn khó nhân rộng do nhiều nguyên nhân: vốn đầu tư lớn, sản phẩm chưa có thị trường ổn định, do đó chưa hấp dẫn nhà đầu tư.

Sơ chế gà xuất khẩu tại Công ty TNHH Koyu & Unitek tại Khu công nghiệp Long Bình, TP.Biên Hòa. Ảnh: B.Nguyên
Sơ chế gà xuất khẩu tại Công ty TNHH Koyu & Unitek tại Khu công nghiệp Long Bình, TP.Biên Hòa. Ảnh: B.Nguyên

[links()]Dẫu vậy, theo nhiều chuyên gia trong ngành nông nghiệp, công nghệ cao trong nông nghiệp hiện nay nằm ở việc tăng tri thức và hoàn toàn có thể lan tỏa cho đại trà nông dân với vốn đầu tư ít.

* Bản thân nông dân quyết định

Tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ của ngành nông nghiệp năm 2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, thời gian qua, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã mở rộng đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Kết quả này là nhờ hiệu ứng của nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Nhiều năm qua, Đồng Nai định hướng tăng tỷ trọng của ngành chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp nói chung vì chăn nuôi mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện ngành chăn nuôi đang đóng góp lớn vào cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp ở mức cao, chiếm khoảng 56% tổng giá trị. Song trong năm 2019, chăn nuôi phải đối mặt với nhiều khó khăn vì sự lan rộng của dịch tả heo châu Phi. Trong đó, thiệt hại chủ yếu là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Hiện Đồng Nai đã ban hành chính sách tái đàn chăn nuôi heo nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ rất khó phục hồi. Hàng ngàn hộ chăn nuôi heo hiện nay đang đối mặt với nợ nần và mất nghề mưu sinh.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, người chăn nuôi heo lâu năm tại xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) chia sẻ, hiện rất nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã bỏ nghề vì thiệt hại do dịch tả heo châu Phi. Những hộ cố gắng giữ nghề cũng buộc phải giảm đàn, thu nhỏ quy mô nuôi vì không còn nhiều vốn liếng để cầm cự. Rất nhiều hộ chăn nuôi gặp khó khăn vì nợ nần, lại không có việc làm.

Đề xuất giải pháp cho ngành chăn nuôi trước khó khăn,
PGS-TS.Nguyễn Ngọc Hải, giảng viên Khoa Chăn nuôi - thú y, Trường đại học nông lâm TP.Hồ Chí Minh cho rằng, người chăn nuôi nhỏ lẻ có giữ được nghề không chỉ dựa vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà quyết định chính vẫn là ở bản thân người chăn nuôi. Họ phải thay đổi theo hướng đầu tư vào sản xuất chuyên nghiệp hơn, đầu tư công nghệ mới vào chăn nuôi và đặc biệt phải làm tốt công tác an toàn sinh học trong chăn nuôi.

* Tăng ở hàm lượng tri thức

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đồng Nai, tỉnh có nhiều ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Nổi bật là trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện 80% tổng đàn heo và 90% tổng đàn gà của tỉnh đều chăn nuôi trang trại. Phần lớn các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi đã triển khai ứng dụng công nghệ cao như: chuồng lạnh, chuồng kín, tự động hóa các khâu trong quy trình sản xuất, quản lý hoạt động chăn nuôi bằng các phần mềm hiện đại. Nuôi trồng thủy sản cũng hình thành nhiều vùng nuôi theo quy trình VietGAP, có doanh nghiệp đầu tư cho nông dân nhân rộng mô hình nuôi tôm nước lợ công nghệ cao.

Suốt một thời gian dài, nông dân Việt Nam đã quen “chạy theo” hướng thâm canh, tăng vụ để đạt năng suất tối đa, từ đó cũng hình thành thói quen lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để đạt hiệu quả nhanh nhất. Nhưng hiện nay, nhu cầu của thị trường đã thay đổi, không chỉ những thị trường khó tính đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao với nông sản xuất khẩu mà thị trường Trung Quốc, vốn được cho là “dễ tính” nhất, hiện cũng đặt ra nhiều tiêu chuẩn khắt khe hơn về chất lượng. Đây cũng là đòi hỏi chung của thị trường nội địa trong thời gian tới.

Nắm bắt khá nhanh xu hướng này, thị trường lớn nhất nước hiện nay là TP.Hồ Chí Minh đã đi tiên phong thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản để kiểm soát về mặt chất lượng. Ông Phan Văn Danh, Phó chủ nhiệm Hội Doanh nhân Việt kiều Úc nhận định: “Vấn đề sức khỏe đang được người dân đặt lên hàng đầu nên họ sẽ chọn lựa thực phẩm dựa trên chất lượng và sự an toàn. Để tồn tại, nông dân phải chủ động thay đổi thói quen sản xuất an toàn từ trên cánh đồng và phải chịu trách nhiệm về sản phẩm làm ra”.

Cùng quan điểm, TS.Bùi Xuân Khôi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu - phát triển bền vững (xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) chỉ ra, hiện sản xuất nông nghiệp có quá nhiều khái niệm và hình mẫu về công nghệ cao nhưng nông dân không biết ứng dụng như thế nào, cũng không rõ những công nghệ đó “cao” ở mức nào. Theo TS.Khôi, tri thức ứng dụng công nghệ cao với nông dân hãy bắt đầu từ việc trang bị những kiến thức về trồng trọt như: chọn giống mới, sử dụng đúng loại và đúng liều lượng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Vì thực tế, các mô hình tiêu biểu cho nông nghiệp công nghệ cao như: trồng cây trong nhà màng, nhà lưới, sản xuất không cần đất bằng thủy canh hoặc khí canh... là những công nghệ tương đối cao trong sản xuất nông nghiệp. Nhưng suy cho cùng, đó cũng chỉ là những tiến bộ kỹ thuật, là phương tiện trong sản xuất. Còn những đột phá của nhân loại về nông nghiệp công nghệ cao lại nằm ở giá trị tri thức của nông dân.

Trồng dưa lưới sạch trong nhà màng ở Xuân Định, huyện Xuân Lộc. Ảnh: Trần Văn Kỷ
Trồng dưa lưới sạch trong nhà màng ở Xuân Định, huyện Xuân Lộc. Ảnh: Trần Văn Kỷ

TS.Khôi dẫn chứng, 15 năm trước, nông dân Việt Nam nhìn vào màu xanh của lá và căn cứ vào kinh nghiệm bản thân để xác định cây thiếu hay dư chất. Nhưng hiện nay, nhiều nông dân trên thế giới có máy đo diệp lục của lá để biết cây thiếu chất gì, có giải pháp chi tiết để điều khiển năng suất, chất lượng nông sản... Họ gọi đó là công nghệ chính xác dùng cho nông nghiệp. Công nghệ này cũng đảm bảo tính cực nhanh vì chỉ cần ít phút là nông dân có thể căn cứ vào giá nông sản thời điểm cây ra hoa, kết quả để quyết định bón phân gì, lượng bao nhiêu, phun thuốc gì… để cây cho năng suất lớn hay đi theo hướng chọn lọc, ít sản phẩm nhưng chất lượng cao. Ở đây, công nghệ cao là khi nông dân điều khiển được cây trồng phát triển theo ý muốn của họ.

* Có thể ứng dụng đại trà

TS.Khôi cho biết thêm, hiện mức tăng dân số của thế giới là bức tranh màu xanh của các nước nghèo sẽ tăng cực kỳ nhanh nhưng màu vàng của các nước phát triển lại rất chậm. Đây là thách thức chính cho phát triển nông nghiệp hiện nay và nông nghiệp truyền thống với hình ảnh con bò và sức lao động thủ công, công nghệ lạc hậu không còn phù hợp. Tuy nhiên, nhiều địa phương đang đầu tư theo hướng xây dựng những khu nông nghiệp công nghệ cao lại chưa phù hợp với điều kiện sản xuất của Việt Nam. “Nông nghiệp công nghệ cao là phải nhắm đến hơn 90% nông dân Việt Nam. Công nghệ cao phải lan tỏa cho đại trà nông dân vì cái đại trà đó đang nuôi sống cả địa cầu này. Nhưng thực tế hiện nay, điều này đang bị chúng ta bỏ quên” - TS.Khôi nhấn mạnh.

Nông dân ghép cải tạo giống mới, chuyển hướng sản xuất sạch nhằm tiếp cận công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Trong ảnh: Vườn xoài đạt chuẩn xuất khẩu tại xã Phú Ngọc (huyện Định Quán). Ảnh: B.Nguyên
Nông dân ghép cải tạo giống mới, chuyển hướng sản xuất sạch nhằm tiếp cận công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Trong ảnh: Vườn xoài đạt chuẩn xuất khẩu tại xã Phú Ngọc (huyện Định Quán). Ảnh: B.Nguyên

Cùng quan điểm, NGND-TS.Phan Hiếu Hiền, nguyên là giảng viên Khoa Cơ khí - công nghệ, nguyên Giám đốc Trung tâm năng lượng và máy nông nghiệp, Trường đại học nông lâm TP.Hồ Chí Minh đưa ra ví dụ so sánh, nếu Đồng Nai phát triển được 2 ngàn hécta sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thì cũng chưa đạt được 1% tổng diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh. Và diện tích trên có đạt giá trị lợi nhuận gấp đôi canh tác bình thường thì cũng chưa đến 2% tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Như vậy, nông nghiệp công nghệ cao với những mô hình như: trồng cây trong nhà kính, trồng thủy canh, khí canh... hiện vẫn chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong sản xuất nông nghiệp. Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam, bước đầu có thể ứng dụng ở mức thấp là đưa máy móc vào sản xuất thay cho lao động thủ công của con người. “Tôi nghĩ phát triển nông nghiệp công nghệ cao phải quan tâm đến số đông người nông dân. Mục tiêu ban đầu có thể chỉ cần tăng thêm lợi nhuận 20 triệu đồng/hécta nhưng có thể làm đại trà thì so sánh về hiệu quả vẫn lớn hơn rất nhiều so với mô hình sản xuất công nghệ cao vốn lớn nhưng quá ít nông dân đầu tư được” - TS.Hiền nói.

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều