Báo Đồng Nai điện tử
En

Xuân về trên vùng "siêu dự án"

04:01, 20/01/2020

Theo kế hoạch, trong năm 2020, Đồng Nai sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng phục vụ khởi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành).

Theo kế hoạch, trong năm 2020, Đồng Nai sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng phục vụ khởi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành).

Một góc ấp Suối Trầu 1, xã Bình Sơn, nơi sẽ phải giải tỏa trắng để phục vụ xây dựng Sân bay Long Thành
Một góc ấp Suối Trầu 1, xã Bình Sơn, nơi sẽ phải giải tỏa trắng để phục vụ xây dựng Sân bay Long Thành. Ảnh:P.Tùng

Do đó, Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 gần như là cái Tết cuối của hàng ngàn hộ dân trong vùng dự án trên mảnh đất quê hương đã hàng chục năm gắn bó.

* Hy vọng từ mùa Xuân mới

Ở thời điểm chỉ còn chưa đến 1 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, không khí chuẩn bị Tết ở gia đình ông Tống Châu, ấp Suối Trầu 1, xã Bình Sơn, huyện Long Thành vẫn chưa thực sự náo nhiệt. Những ngày này, ông Châu cùng với con cháu đang lau dọn các vật dụng trong nhà.

Theo ông Châu, như truyền thống nhiều năm, chỉ đến ngày cận Tết, gia đình ông cũng như nhiều nhà khác mới đi chợ mua ít hoa bày biện ngày Tết. “Vùng này kinh tế chủ yếu dựa vào làm rẫy, người trẻ thì đi làm công nhân nên đời sống còn nhiều khó khăn. Vì vậy, việc chuẩn bị đón Tết cũng diễn ra bình thường chứ không có gì quá đặc biệt” - ông Tống Châu cho hay.

Theo lộ trình được Đồng Nai đưa ra, vào đầu quý III-2020, những hộ dân đầu tiên phải di dời để phục vụ xây dựng Sân bay Long Thành sẽ nhận đất, xây dựng nhà cửa tại Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Đến cuối năm 2020, Đồng Nai sẽ hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng để phục vụ khởi công xây dựng Sân bay Long Thành vào năm 2021.

Tuy nhiên, “ẩn” đằng sau vẻ bình thường vốn có, Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đối với nhiều người dân tại các ấp Suối Trầu 1, 2, 3 lại là cái Tết có nhiều ý nghĩa. Bởi, gần như đây sẽ là cái Tết cuối cùng của hàng trăm hộ dân các ấp này trên mảnh đất quê hương đã gắn bó hàng chục năm qua.

Ông Tống Châu cho hay, hiện vẫn chưa có thông báo chính thức về việc di dời để bàn giao mặt bằng xây dựng Sân bay Long Thành. Tuy nhiên, qua các phương tiện thông tin, ông cũng được biết, việc di dời sẽ hoàn tất trong năm 2020. “Đây có thể là cái Tết cuối cùng gia đình tôi trên mảnh đất này. Sau hơn 40 năm gắn bó, nghĩ đến cảnh phải di dời thì tâm trạng cũng có chút buồn. Nhưng để phục vụ cho dự án lớn của đất nước thì chúng tôi cũng vui vẻ” - ông Tống Châu cho hay.

Thoáng buồn nhưng tràn đầy hy vọng là tâm trạng chung của hầu hết những người dân nằm trong diện phải di dời để phục vụ xây dựng Sân bay Long Thành những ngày giáp Tết. Buồn vì phải rời xa mảnh đất đã gắn bó hàng chục năm nhưng cũng đầy hy vọng về một cuộc sống mới tốt đẹp hơn nơi vùng tái định cư.

“Hơn 10 năm qua, do nằm trong vùng quy hoạch dự án nên cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Nhà cửa dù xuống cấp vẫn không được xây dựng mới. Do đó, khi dự án được triển khai, chúng tôi được di dời đến nơi ở mới thì cũng rất hy vọng về một cuộc sống mới tốt đẹp hơn” - ông Nguyễn Văn An, người dân ấp Suối Trầu 2, xã Bình Sơn cho hay.

* Mong có việc làm ổn định

Để phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng dự án Sân bay Long Thành, Đồng Nai sẽ xây dựng 2 khu tái định cư phục vụ cho người dân vùng dự án di dời đến. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phải triển khai xây dựng nhanh và đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội tại các khu tái định cư để bảo đảm phục vụ tốt nhất đời sống người dân.

Bà Nguyễn Thị Hiền, người dân ấp Suối Trầu 2, xã Bình Sơn cho hay, qua thông tin, được biết Nhà nước sẽ bố trí đất tái định cư cho người dân trong diện phải di dời nên cũng khá an tâm. “Nhà ở thì chúng tôi yên tâm rồi. Bởi ngoài đất tái định cư được cấp, chúng tôi còn có tiền bồi thường, hỗ trợ để xây nhà mới. Giờ chỉ mong sao Nhà nước giải quyết được vấn đề việc làm giúp người dân ổn định cuộc sống” - bà Nguyễn Thị Hiền chia sẻ.

Đối với phần lớn người dân nằm trong vùng dự án Sân bay Long Thành, hàng chục năm qua, làm nương, làm rẫy là nguồn thu nhập chính của họ. Những người trẻ tuổi thì làm công nhân cho các công ty, xí nghiệp. Do đó, đối với những người lớn tuổi, việc làm chính là điều được quan tâm nhất khi chuyển đến sinh sống tại các khu tái định cư. “Đến sống ở khu tái định cư thì sẽ không còn đất đai để làm rẫy. Do đó, chúng tôi rất mong Nhà nước tính toán sao để người dân, nhất là người lớn tuổi không còn làm công nhân có được việc làm để ổn định cuộc sống” - ông Tống Châu bày tỏ mong mỏi.

Theo ông Tống Châu, thời gian qua, các cơ quan chức năng có về khảo sát, hỏi han nguyện vọng học nghề của người dân. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy lớp học nghề nào được triển khai để người dân theo học. “Tuổi này thì không thể xin đi làm công nhân được. Chính vì vậy, chúng tôi rất mong muốn được học những nghề phù hợp để có thể ổn định cuộc sống tại nơi ở mới” - ông Tống Châu chia sẻ.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích