Hiện nay, một số dự án du lịch tại Đồng Nai đã có nhà đầu tư. Nhưng các dự án triển khai rất chậm, nguyên nhân chủ yếu là vướng các thủ tục liên quan đến đất đai, quy hoạch.
Hiện nay, một số dự án du lịch tại Đồng Nai đã có nhà đầu tư. Nhưng các dự án triển khai rất chậm, nguyên nhân chủ yếu là vướng các thủ tục liên quan đến đất đai, quy hoạch.
Hồ Trị An là nơi đang mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển du lịch. Ảnh: K.MINH |
[links()]Theo các doanh nghiệp đã đầu tư vào du lịch tại Đồng Nai, những vướng mắc về đất đai, quy hoạch nếu được tháo gỡ nhanh sẽ giúp dự án sớm hoàn thành và đưa vào khai thác. Như vậy doanh thu từ du lịch trên địa bàn tỉnh sẽ tăng cao.
* Nhiều điểm “nghẽn”
Thực tế, có những dự án du lịch mà nhà đầu tư đã chuẩn bị sẵn nguồn vốn lớn để xây dựng, nhưng trong quá trình thực hiện các thủ tục, hồ sơ lại gặp những điểm “nghẽn” về đất đai như: đất không phù hợp quy hoạch phải đợi điều chỉnh cho phù hợp, liên quan đến đất rừng, đất lúa phải đề xuất Chính phủ đồng ý mới được triển khai...
Theo quy định của Luật Đất đai 2013, đối với dự án có sử dụng đất lúa vào các mục đích khác từ 10 hécta trở lên phải có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Để gỡ khó cho các nhà đầu tư khi thực hiện các dự án, cuối tháng 8-2019, Thường trực Tỉnh ủy đã có báo cáo gửi Bộ Chính trị đề xuất cho HĐND tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 hécta trở lên. |
Đơn cử như ở dự án Khu du lịch Thác Mai (huyện Định Quán), doanh nghiệp dự tính sẽ đầu tư khoảng 1,9 ngàn tỷ đồng để xây dựng khu này thành nơi nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí khép kín. Tuy nhiên, trong dự án có một số diện tích thuộc đất rừng nên phải chờ Chính phủ phê duyệt. Việc này làm kéo dài thời gian triển khai dự án thêm gần 3 năm mà vẫn chưa hoàn tất thủ thục hồ sơ để thi công.
Tương tự, dự án Khu Safari ở huyện Vĩnh Cửu đã có chủ đầu tư hơn 3 năm nay, song đến nay cũng vì vướng mắc trong việc thuê đất rừng nên vẫn chưa thể xây dựng. Bà Lộ Thị Hiền, Giám đốc Công ty TNHH khu du lịch sinh thái Vườn Xoài (TP.Biên Hòa) - nhà đầu tư khu safari tại huyện Vĩnh Cửu nói: “Công ty đã chuẩn bị sẵn nguồn vốn, các loài thú hiện chỉ đợi hoàn tất các thủ tục đầu tư sẽ tiến hành xây dựng”. Nhiều người dân trên địa bàn Đồng Nai và các tỉnh lân cận rất trông đợi Đồng Nai sẽ có một khu safari để tham quan. Khu safari khi hoàn thành có thể kết nối với các điểm du lịch khác trong tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.
Hồ Đa Tôn (huyện Tân Phú) |
Một số dự án du lịch khác như dự án hồ Đa Tôn (huyện Tân Phú) cũng đã có doanh nghiệp đầu tư, địa phương làm đường giao thông kết nối vào khu vực hồ. Nhưng dự án đang “nghẽn” ở điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và phải chờ. Dự án Khu du lịch sinh thái Sơn Tiên (TP.Biên Hòa) thì vướng mắc ở việc bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài 3-4 năm chưa hoàn thành. Do đó, doanh nghiệp phải lui thời gian hoàn thành dự án và đi vào khai thác thêm 3 năm. Dự án du lịch đường sông vướng ở việc bến đậu liên quan đến đất công phải đợi đấu giá...
* Gỡ khó cho các dự án
Tại Đồng Nai, không chỉ riêng dự án du lịch mà các dự án trên các lĩnh vực khác cũng gặp khó về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư... Có những dự án thời gian chờ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất kéo dài 1-3 năm, tiếp đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng từ 2-4 năm nữa. Theo các doanh nghiệp đã đầu tư các dự án, thời gian thực hiện một dự án trung bình 5-6 năm.
Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú Nguyễn Văn Nghị cho biết: “Huyện đang hỗ trợ nhà đầu tư hoàn tất thủ tục về đất đai để trình tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp thì nhà đầu tư mới tiến hành xây dựng được. Dự án du lịch hồ Đa Tôn nếu sớm hoàn tất và đi vào khai thác sẽ đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế của địa phương”.
Thực tế, phát triển du lịch là lĩnh vực được tỉnh rất quan tâm. Từ năm 2015, tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Du lịch tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Nguồn vốn cần để đầu tư cho du lịch gần 20 ngàn tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước chiếm 10-15%, còn lại là vốn của các doanh nghiệp đầu tư.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường nhiều lần nhấn mạnh trong các cuộc họp về kinh tế - xã hội của tỉnh là các sở, ngành, địa phương phải phối hợp, tháo gỡ nhanh những vướng mắc của các dự án du lịch để doanh nghiệp sớm xây dựng và đưa vào khai thác. Đồng Nai có rất nhiều tiềm năng về du lịch, khai thác được sẽ góp phần lớn vào phát triển kinh tế của các địa phương và tỉnh.
Khánh Minh