Hiện các địa phương trên địa bàn Đồng Nai đang gấp rút hoàn thành kế hoạch sử dụng đất và danh mục các dự án cho năm 2020 để trình UBND tỉnh xem xét và đề xuất HĐND tỉnh thông qua...
Hiện các địa phương trên địa bàn Đồng Nai đang gấp rút hoàn thành kế hoạch sử dụng đất và danh mục các dự án cho năm 2020 để trình UBND tỉnh xem xét và đề xuất HĐND tỉnh thông qua. Nếu kế hoạch trên chậm trễ, tỉnh không kịp phê duyệt trong tháng 12-2019, sẽ ảnh hưởng đến các dự án trong năm tới.
Huyện Long Thành là nơi đang triển khai nhiều dự án của Trung ương, tỉnh và địa phương. Ảnh:N.Hạ |
Theo UBND tỉnh, trên địa bàn Đồng Nai đang triển khai hơn 1,5 ngàn dự án, vì thế phải có kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2020 và danh sách các dự án sẽ thu hồi đất để làm căn cứ giao đất, cho thuê đất.
* Tổng hợp sớm các dự án
Đồng Nai hiện có rất nhiều dự án của các cấp Trung ương, tỉnh, huyện đang thực hiện hoặc đã được quy hoạch. Theo quy định của Chính phủ, các tỉnh, thành phải căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất để làm các quy hoạch khác, giúp nhà đầu tư thuận lợi khi triển khai dự án, công trình.
Vào cuối mỗi năm, các huyện, thành phố đều phải xây dựng kế hoạch sử dụng đất cho năm tới để trình UBND tỉnh xem xét và đề xuất HĐND tỉnh thông qua. Trong các kế hoạch sử dụng đất cần cập nhật đầy đủ danh mục các dự án chuyển tiếp từ năm trước và các dự án mới sẽ khởi công trong năm. Các địa phương căn cứ vào kế hoạch trên để tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giao đất sạch cho chủ đầu tư...
Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Tuấn Anh cho biết: “Tỉnh đã có văn bản gửi các địa phương yêu cầu rà soát lại. Các dự án, công trình cần thiết thì đưa vào kế hoạch sử dụng đất cho năm tới, còn nếu không phù hợp thì loại bỏ. Như vậy, các huyện, thành phố sẽ tránh được tình trạng dự án kéo dài nhiều năm không thực hiện gây bức xúc cho người dân”.
Hầu hết các địa phương đều quy hoạch rất nhiều dự án, nơi ít cũng gần 100 dự án, nơi nhiều lên đến gần 300 dự án. TP.Biên Hòa và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Định Quán... là những nơi có nhiều dự án đang làm phải chuyển tiếp qua năm tới.
Bà Nguyễn Ngọc Liên, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho hay: “TP.Biên Hòa đang thực hiện rất nhiều dự án trọng điểm về kinh tế, xã hội của tỉnh nên phải nhanh chóng hoàn tất kế hoạch sử dụng đất năm sau và cập nhật đầy đủ những dự án mới và cũ. Như vậy, qua năm sau, các nhà đầu tư có thể tiếp tục dự án mà không mất thời gian chờ đợi”.
* Rà soát kỹ để giảm dự án “treo”
Tại Đồng Nai, không ít dự án quy hoạch nhiều năm nhưng không thực hiện khiến người dân trong các khu vực bị quy hoạch rất bức xúc. Khi vướng quy hoạch “treo”, nhiều quyền lợi của người dân trên mảnh đất quy hoạch bị hạn chế. Do đó, mỗi năm khi các huyện, thành phố trình kế hoạch sử dụng đất năm sau và danh mục các dự án thu hồi đất, UBND tỉnh đều kiểm tra và loại bỏ từ vài chục đến cả trăm dự án để hạn chế bớt dự án “treo”.
Theo Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên, mỗi địa phương đề xuất khá nhiều dự án, công trình cho năm 2020, nhưng nên xem lại những dự án đầu tư công được bố trí vốn cho năm tới rồi hãy đưa vào danh mục. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố cần chú ý thuê tư vấn để thực hiện quy hoạch sử dụng đất cho giai đoạn 2021-2030 vì thời gian không còn nhiều.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhấn mạnh: “Các địa phương đang tập trung làm 3 vấn đề lớn về đất đai là kế hoạch sử dụng đất năm 2020, quy hoạch sử dụng đất 2021-2025 và quy hoạch sử dụng đất 2021-2030. Trong tháng 10-2019, các huyện, thành phố phải trình được kế hoạch sử dụng đất năm tới và danh mục những dự án sẽ thu hồi đất cho UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh thông qua trong kỳ họp cuối năm nay”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý các địa phương danh mục các dự án thu hồi đất của năm 2020 phải kèm theo hồ sơ bản đồ và vị trí thửa đất. Quy định này sẽ buộc các huyện, thành phố xem xét kỹ các dự án, kịp thời phát hiện những quy hoạch khác có bị chồng lấn hay không để kịp thời điều chỉnh. Theo đó, sang năm các dự án sẽ không bị ách lại do quy hoạch thiếu đồng nhất và phải chờ đợi điều chỉnh mất rất nhiều thời gian.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương phải lấy bản đồ nền từ Sở Tài nguyên - môi trường để làm kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất để giảm bớt sai sót khi chồng ghép bản đồ thực hiện việc kiểm kê đất đai, bồi thường cho các dự án.
Nguyệt Hạ