Vấn đề khó khăn nhất trong xây dựng đô thị thông minh ở Đồng Nai là nguồn vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại và các trung tâm điều hành. Ước tính kinh phí lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Vấn đề khó khăn nhất trong xây dựng đô thị thông minh ở Đồng Nai là nguồn vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại và các trung tâm điều hành. Ước tính kinh phí lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Đường Nguyễn Ái Quốc được lắp hệ thống camera theo dõi tình hình giao thông, an ninh trật tự, tạo thuận lợi kết nối về Trung tâm điều hành Sở Giao thông - vận tải trong tương lai. Ảnh: K.Minh |
[links()]Theo UBND tỉnh, Đồng Nai sẽ dùng nguồn vốn đầu tư công và xã hội hóa để xây dựng đô thị thông minh. Tỉnh cũng sẽ đánh giá lại toàn bộ các phần mềm, dữ liệu có sẵn để tận dụng giảm bớt kinh phí đầu tư.
* Bố trí vốn ngân sách
Đồng Nai nằm trong tốp 7 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế nên xây dựng đô thị thông minh là rất cần thiết. Tuy nhiên, các dự án khi hoàn thành đưa vào sử dụng cần đào tạo các đối tượng sử dụng, quản trị và vận hành gồm: người dân, lãnh đạo, cán bộ công nghệ thông tin tại các văn phòng UBND tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, các sở, ngành, huyện, thành phố. |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, nguồn vốn để đầu tư và hình thành nên các đô thị thông minh là khá lớn. Hiện nay, do nguồn vốn ngân sách có hạn nên tỉnh phải cân đối kỹ và dự kiến sẽ đưa việc xây dựng các trung tâm điều hành thành dự án đầu tư công trong những năm tới.
“UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát lại nền tảng công nghệ thông tin có sẵn để triển khai tiếp. Từ đó, tính toán mức kinh phí cần thiết để thực hiện và đề xuất UBND tỉnh ưu tiên bố trí thành lập các trung tâm điều hành thông minh” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng cho biết.
Theo tính toán của đơn vị tư vấn, riêng việc xây dựng Trung tâm điều hành tỉnh đã cần khoảng 285 tỷ đồng. Các trung tâm điều hành của các sở, ngành khác cũng cần nguồn kinh phí lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Lê Kim Bằng đánh giá: “Hiện nay, Sở đã triển khai chương trình du lịch thông minh, giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến. Tuy nhiên, muốn có trung tâm điều hành thông minh của Sở hoạt động toàn diện thì cần có thêm 600-700 tỷ đồng nữa để đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin một số lĩnh vực còn lại và xây dựng trung tâm điều hành”.
Riêng trong ngành Giáo dục, tỉnh xây dựng 25 trường học thông minh cần kinh phí gần 500 tỷ đồng, tương đương với 20 tỷ đồng/trường. Trên địa bàn tỉnh có trên 1 ngàn trường học cần số tiền hàng chục ngàn tỷ đồng.
Huy động từ nguồn xã hội hóa
Thu ngân sách của tỉnh vài năm nay không đạt nên sẽ không có vốn sự nghiệp để đầu tư cho đô thị thông minh. Vì vậy, ngoài việc trông đợi vào nguồn vốn đầu tư công thì tỉnh dự tính sẽ kêu gọi xã hội hóa ở một số khâu, lĩnh vực để giảm bớt áp lực cho ngân sách nhà nước.
Ông Mai Văn Nhơn, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho hay: “Các khu công nghiệp sẽ tham gia vào xây dựng đô thị thông minh bằng nguồn vốn ngân sách kết hợp với xã hội hóa. Hiện có nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp sẵn sàng đóng góp kinh phí để lắp đặt hệ thống camera và trung tâm điều hành để quản lý về an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, lao động”. Do đó, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đã đề xuất UBND tỉnh cho triển khai nhanh trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng khẳng định, xây dựng đô thị thông minh là rất cần thiết, vì sẽ giúp việc quản lý điều hành của chính quyền tỉnh, địa phương trên các lĩnh vực hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, đời sống người dân trên địa bàn cũng được nâng cao, vì thế tỉnh sẽ ưu tiên nguồn vốn để triển khai.
Đồng Nai sẽ phân tách ra các dự án đầu tư cho đô thị thông minh thành 2 loại là loại có thể kêu gọi xã hội hóa và dự án phải đầu tư bằng vốn ngân sách để phân kỳ thực hiện cho phù hợp. Tuy vốn đầu tư cho đô thị thông minh ban đầu khá lớn, nhưng về lâu dài sẽ giúp ngân sách nhà nước giảm được nhiều chi phí và hướng đến một chính quyền điện tử, phù hợp với yêu cầu chung về phát triển bền vững của Chính phủ.
Khánh Minh