Báo Đồng Nai điện tử
En

Bán lẻ truyền thống chật vật cạnh tranh

04:10, 23/10/2019

Thời gian qua, tại nhiều thành phố, thị trấn, khu dân cư đông đúc… của Đồng Nai xuất hiện nhiều cửa hàng thuộc các hệ thống bán lẻ thực phẩm, các chuỗi cửa hàng tiện lợi như: Vinmart+, Co.opFood, Bách hóa xanh… Các chuỗi cửa hàng này là một trong những kênh mua sắm mới ngày càng được người tiêu dùng quan tâm.

Thời gian qua, tại nhiều thành phố, thị trấn, khu dân cư đông đúc… của Đồng Nai xuất hiện nhiều cửa hàng thuộc các hệ thống bán lẻ thực phẩm, các chuỗi cửa hàng tiện lợi như: Vinmart+, Co.opFood, Bách hóa xanh… Các chuỗi cửa hàng này là một trong những kênh mua sắm mới ngày càng được người tiêu dùng quan tâm.

Một sạp bán các loại rau, củ, quả ở chợ Biên Hòa. Ảnh:L.Phương
Một sạp bán các loại rau, củ, quả ở chợ Biên Hòa. Ảnh:L.Phương

Sự phát triển nhanh của các cửa hàng này cũng tác động không nhỏ tới thị phần của các sạp bán lẻ ở các chợ, cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ…

* Sức mua giảm

Theo Sở Công thương, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 169 chợ truyền thống đang hoạt động. Trong khi đó, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang ngày càng phát triển mạng lưới, toàn tỉnh hiện có 12 siêu thị và hơn 90 cửa hàng tiện lợi... Một số địa phương có sự phát triển mạnh các cửa hàng tiện lợi như: TP.Biên Hòa, các huyện Trảng Bom, Long Thành, Vĩnh Cửu...

Trong thời gian qua, Sở Công thương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ năng bán hàng, quảng bá sản phẩm, cũng như phối hợp Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn xây dựng các điểm bán thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh. Đây là hoạt động giúp chợ truyền thống nâng cao sức cạnh tranh với các kênh mua sắm hiện đại đang phát triển mạnh.

Khảo sát tại các chợ ở TP.Biên Hòa cho thấy, sự phát triển mạng lưới các cửa hàng tiện lợi đã có tác động lớn đến hoạt động bán lẻ tại các cửa hàng nhỏ lẻ, sạp hàng tại các chợ truyền thống.

Ông Nguyễn Ngọc Tánh, Trưởng ban Quản lý chợ Biên Hòa cho biết, trong những năm gần đây, với sự phát triển của hệ thống các siêu thị và đặc biệt là các chuỗi cửa hàng tiện lợi ngày càng phủ sóng khiến cho sức mua của nhiều mặt hàng tại chợ giảm so với trước đây. Trong đó, những mặt hàng về thực phẩm, hóa mỹ phẩm... bị tác động nhiều nhất, sức mua giảm khoảng 30-40% so với trước đây.

Chị Thùy Dung, chủ một cửa hàng tạp hóa ở xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu cho hay, gia đình kinh doanh cửa hàng được hơn 12 năm nay, chủ yếu bán hàng cho công nhân trong khu vực này. Khoảng hơn 1 năm trở lại đây, khi các cửa hàng tiện lợi “mọc lên” ngày càng nhiều đã tác động không nhỏ thị phần. Trước đây vào giờ cao điểm, gia đình phải huy động thêm người để bán cho kịp hàng, còn hiện nay sức mua giảm khoảng 20-30% so với trước khi có các cửa hàng tiện lợi xung quanh.

Bà Phạm Thị Năm, chủ một sạp thịt heo ở chợ Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) chia sẻ, từ khi có thêm các chuỗi cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm, lượng khách hàng mua lẻ của sạp giảm. Khách hàng của sạp hiện nay đa phần là các mối quen.

* Tự “làm mới” để cạnh tranh

Với nhiều ưu điểm như: các sản phẩm được sắp xếp theo khu vực một cách ngăn nắp, trật tự, việc thanh toán nhanh chóng, không gian mua hàng mới mẻ, nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá để kích cầu…, các cửa hàng tiện lợi đang ngày càng được nhiều người tiêu dùng quan tâm.

Một sạp bán thịt gà tại chợ Tân Hiệp (TP.Biên Hòa). (Ảnh: Lam Phương)
Một sạp bán thịt gà tại chợ Tân Hiệp (TP.Biên Hòa). Ảnh: L. Phương

Chị Thanh Tú (ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) chia sẻ, các cửa hàng bán lẻ truyền thống có lợi thế về giá cả hơn so với các cửa hàng tiện lợi. Tuy nhiên, các sạp hàng truyền thống cần chủ động trong việc đảm bảo nguồn gốc hàng hóa, niêm yết giá… để có thể cạnh tranh với các chuỗi cửa hàng tiện lợi được đầu tư bài bản.

Bà Vũ Thị Vui, chủ một sạp tạp hóa hơn 10 năm ở chợ Trảng Dài (TP.Biên Hòa) cho biết: “Tôi chủ động niêm yết giá rõ ràng, luôn giữ thái độ phục vụ niềm nở để giữ khách hàng. Trên thực tế, các cửa hàng nhỏ vẫn có những lợi thế nhất định để cạnh tranh với các cửa hàng tiện lợi, đó là chi phí thuê mặt bằng thấp, giá cả nhiều loại mặt hàng phải chăng hơn…”.

Ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc Hợp tác xã Tân Long, đơn vị quản lý chợ Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) cho hay, chợ có nhiều hoạt động tuyên truyền các tiểu thương kinh doanh cần đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, thay đổi phong cách phục vụ để người tiêu dùng không quay lưng…

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Tánh cho biết thêm, chợ Biên Hòa thường xuyên phối hợp với Sở Công thương có nhiều chương trình tập huấn về kỹ năng kinh doanh cho các tiểu thương, phát triển thêm các sạp bán thực phẩm an toàn, tăng cường tuyên truyền về kinh doanh lành mạnh, đảm bảo vệ sinh, nguồn gốc để nâng cao sức cạnh tranh của các điểm, sạp bán lẻ truyền thống.

Ông Lục Văn Thủy, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết, bên cạnh xu hướng phát triển những kênh tiêu thụ mới, hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, Sở cũng có đề ra kế hoạch nâng cấp, xây dựng thêm các chợ truyền thống, nhất là ở khu vực nông thôn để người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn khi mua hàng.

Lam Phương

Tin xem nhiều