Đến đầu tháng 6-2019, các ngân hàng tại Đồng Nai đã cho vay trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh hơn 2,5 tỷ USD, chiếm gần 31% tổng dư nợ cho vay của toàn tỉnh...
Đến đầu tháng 6-2019, các ngân hàng tại Đồng Nai đã cho vay trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh hơn 2,5 tỷ USD, chiếm gần 31% tổng dư nợ cho vay của toàn tỉnh. Nguồn vốn trên chủ yếu được đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc) vay thêm vốn đầu tư máy móc tự động trong chăn nuôi gà đẻ trứng. Ảnh: K.MINH |
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, dù nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ chiếm dưới 8% trong cơ cấu phát triển kinh tế của tỉnh, song nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này lại rất lớn, gấp gần 3 lần so với bình quân chung cả nước.
* Đổ vốn vào công nghệ
Nguồn vốn cho vay ở khu vực nông thôn phần lớn được dùng để đầu tư lắp đặt hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ cho sản xuất. Đối với chăn nuôi, các trại hầu hết vay vốn để xây dựng trại khép kín, có dàn lạnh để chăn nuôi, làm hệ thống biogas, xử lý nước thải... Lĩnh vực trồng trọt được người dân vay vốn cải tạo lại vườn, thay giống mới có năng suất chất lượng cao, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, phun sương...
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, trong 5 tháng đầu năm 2019 tổng dư nợ cho vay vùng nông thôn là 59,7 ngàn tỷ đồng (hơn 2,5 tỷ USD), tăng hơn 27% so với dịp cuối năm 2018. Trong đó gần 11 ngàn tỷ đồng cho vay không phải thế chấp bằng tài sản. |
Ông Lâm Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc) cho biết: “Công ty vay vốn từ ngân hàng là để đầu tư máy móc, tự động hóa các khâu trong nuôi gà đẻ trứng, xử lý phân gà thành phân bón hữu cơ góp phần bảo vệ môi trường. Hệ thống máy móc mới giúp công ty giảm được nhiều nhân công, chất lượng sản phẩm đảm bảo hơn”.
Công ty của ông Đức là một trong những doanh nghiệp ở khu vực nông thôn được ngân hàng cho vay nguồn vốn khá lớn, lên đến 70 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Huy Trinh, Giám đốc Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh tỉnh Đồng Nai cho hay: “Tổng dư nợ cho vay của Agribank chi nhánh Đồng Nai là trên 10,3 ngàn tỷ đồng, trong đó cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gần 9,1 ngàn tỷ đồng, tăng gần 900 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Những doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình vay vốn chủ yếu dùng mua các loại thiết bị hiện đại phục vụ cho chăn nuôi, trồng trọt”.
Cũng theo ông Trinh, cho vay nông nghiệp, nông thôn có tỷ lệ nợ xấu rất thấp. Nhờ nguồn vốn vay lãi suất thấp, ổn định nhiều hộ gia đình, trang trại, tổ hợp tác, câu lạc bộ... ở khu vực nông thôn đã đầu tư cho sản xuất, qua đó tăng thu nhập, lợi nhuận trên diện tích đất sản xuất. Có loại cây trồng nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại cho doanh thu từ 400-600 triệu đồng/hécta/năm.
“Tôi vay vốn đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm cho vườn quýt đường và xoài, giảm được 80-90% công tưới, bón phân. Cây trồng được tưới, bón phân đủ năng suất tăng 20-30%, lại dễ dàng xử lý cây ra trái rải vụ, giá bán cao hơn nên lợi nhuận thu được cũng tăng gấp 2 lần so với cách sản xuất truyền thống trước đây” - ông Hoàng Văn Đảm, xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc) nói.
* Tiếp tục ưu tiên vốn
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường, dù nông nghiệp chỉ chiếm dưới 8% cơ cấu kinh tế của tỉnh, song đây là khu vực đang có 60% người dân sinh sống nên vẫn có nhiều ưu tiên cho khu vực này. Trong đó, ưu tiên lớn nhất là đầu tư hạ tầng, cung ứng nguồn vốn rẻ. Kết quả là đời sống của người dân vùng nông thôn của Đồng Nai được cải thiện và nâng lên rõ rệt cả về vật chất lẫn tinh thần. Đồng Nai là tỉnh đầu tiên trong cả nước có 100% các xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai Nguyễn Hùng Mạnh cho biết: “Những tỉnh, thành có công nghiệp, dịch vụ phát triển đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chỉ trên dưới 10% so với tổng dư nợ. Nhưng riêng Đồng Nai đầu tư cho lĩnh vực này hơn 27% trong dư nợ. Ưu tiên này giúp cho vùng nông thôn của tỉnh phát triển nhanh, nâng cao thu nhập cho người dân”. Thời gian tới, nông nghiệp, nông thôn vẫn là nơi được tỉnh ưu ái trong việc hỗ trợ vốn cho sản xuất, đầu tư kết nối hạ tầng giao thông, làm các công trình nước sạch...
Ông Nguyễn Trí Phương, Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Xuân Lộc cho hay: “Ngân hàng cho vay lĩnh vực nông nghiệp hơn 1,7 ngàn tỷ đồng, tăng gần 10% so với dịp đầu năm. Cho vay trên lĩnh vực này khá linh hoạt có thể thế chấp, tín chấp. Gần 2 năm trở lại đây, đất đai có giá nên người dân thế chấp bằng đất nông nghiệp hạn mức cho vay tăng gấp 2 lần”. Hiện Agribank chi nhánh huyện Xuân Lộc có đến 7 ngàn khách hàng đang vay vốn đầu tư công nghệ cho trồng trọt, chăn nuôi.
Khánh Minh