Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, hằng năm tỉnh đều cùng với các địa phương rà soát lại tất cả các dự án trên địa bàn. Trường hợp quá thời hạn quy định mà chủ đầu tư không thực hiện thì dự án sẽ bị thu hồi và giao cho doanh nghiệp khác triển khai.
Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, hằng năm tỉnh đều cùng với các địa phương rà soát lại tất cả các dự án trên địa bàn. Trường hợp quá thời hạn quy định mà chủ đầu tư không thực hiện thì dự án sẽ bị thu hồi và giao cho doanh nghiệp khác triển khai.
Dự án Khu trung tâm thành phố mới Nhơn Trạch (huyện Nhơn Trạch) bị thu hồi giao cho nhà đầu tư khác. Ảnh: Khánh Minh |
[links()]Trong những năm qua, UBND tỉnh đã thu hồi hơn 540 dự án với tổng vốn đăng ký gần 6,5 tỷ USD. Có hơn 500 dự án của doanh nghiệp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 5,2 tỷ USD và trên 40 dự án trong nước có vốn gần 1,3 tỷ USD. Trong số đó có hàng chục dự án khu dân cư, khu đô thị.
* Thu hồi nhiều dự án
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, Đồng Nai là tỉnh có công nghiệp phát triển nhất cả nước, nhu cầu về nhà ở rất lớn. Thế nhưng hiện nay vẫn chưa có khu đô thị nào xây dựng xong và tạo ra được điểm nhấn và trở thành khu đô thị thông minh. Do đó, bên cạnh việc rà soát, thu hồi những dự án không thể triển khai, tỉnh vẫn đang mời gọi các tập đoàn trong nước, nước ngoài có kinh nghiệm, năng lực trên lĩnh vực này đầu tư vào Đồng Nai. |
Theo quy định của Luật Đất đai, dự án sau 3 năm nếu không triển khai sẽ bị thu hồi. Đồng Nai căn cứ vào luật và thường xuyên rà soát những dự án không triển khai theo quy định. Bằng chứng là đã có hàng trăm dự án của nhà đầu tư nước ngoài và trong nước bị thu hồi.
Ông Lê Thành Mỹ, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch cho hay: “Mỗi năm, huyện đều cho rà soát lại tất cả các dự án trên địa bàn, nếu phát hiện dự án nào quá thời hạn không triển khai sẽ báo cáo UBND tỉnh và đề xuất thu hồi, giao cho những doanh nghiệp có đủ khả năng tài chính thực hiện. Gần đây, thị trường bất động sản ấm lên, do đó nhiều công ty nhanh chóng hoàn thành hồ sơ để xây dựng”. Ông Mỹ cũng nhấn mạnh, nếu tỉnh sớm đầu tư các đường giao thông kết nối, xây dựng cầu Cát Lái, đi lại thuận tiện, người dân đến sinh sống tại huyện Nhơn Trạch đông hơn thì các chủ dự án khu đô thị sẽ đẩy nhanh tiến độ.
Huyện Nhơn Trạch là địa phương có đến trên 50 dự án chậm thực hiện đã bị thu hồi trong những năm qua. Tiếp đến là TP.Biên Hòa, trong năm 2018, thành phố mạnh tay đề nghị UBND tỉnh rút giấy chứng nhận đầu tư của trên 40 dự án.
* “Siết chặt” điều kiện đầu tư
Trước đây, doanh nghiệp xin đầu tư dự án khá dễ dàng, điều này dẫn đến có những công ty không đủ khả năng về tài chính cũng được cấp phép. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến dự án dùng dằng nhiều năm chưa được triển khai hoặc làm ì ạch kéo dài. Từ năm 2015, theo quy định của Luật Đầu tư thì doanh nghiệp thực hiện dự án phải ký quỹ từ 1-3% trên tổng vốn đầu tư của dự án. Mục đích là để sàng lọc, chọn ra những đơn vị đủ thực lực. Cụ thể, đối với công trình vốn đến 300 tỷ đồng áp dụng mức ký quỹ 3%, vốn trên 300 tỷ đồng đến 1 ngàn tỷ đồng ký quỹ khoảng 2% và trên 1 ngàn tỷ đồng ký quỹ 1%.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư cho rằng, việc ký quỹ sẽ khiến những công ty có tài chính hạn hẹp không dám xin đầu tư các dự án lớn. Đồng thời khi chủ đầu tư đã bỏ ra số tiền lớn ký quỹ sẽ có trách nhiệm hơn trong việc triển khai đúng tiến độ và thời hạn, giảm những trường hợp có dự án mà không thực hiện.
Tuy nhiên, nhiều công trình đã có sẵn vốn nhưng không thể khởi công hoặc phải đang làm dở dang vì vướng quy hoạch phải điều chỉnh, đất công, thời gian chờ đợi rất dài, có khi lên tới 2-3 năm. Vấn đề này thuộc về lĩnh vực cải cách hành chính. Vì vậy, nhiều chuyên gia nhận xét, muốn các dự án triển khai nhanh, ngoài “siết” chặt khâu chọn công ty mạnh về nhân lực, tài chính thì các khâu trong giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp cũng phải đơn giản, rút ngắn thời gian. Đồng thời ngăn chặn tình trạng một số cán bộ công chức “hành” doanh nghiệp.
Khánh Minh