Báo Đồng Nai điện tử
En

36 khu đô thị được cấp phép: Vẫn còn "ngổn ngang"

03:05, 09/05/2019

Theo báo cáo của UBND tỉnh, Đồng Nai có 36 dự án khu đô thị với tổng quy mô sử dụng đất gần 5.300 hécta. Trong đó dự án nhỏ nhất là 45 hécta, dự án lớn nhất là 941 hécta.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, Đồng Nai có 36 dự án khu đô thị với tổng quy mô sử dụng đất gần 5.300 hécta. Trong đó dự án nhỏ nhất là 45 hécta, dự án lớn nhất là 941 hécta. Thế nhưng sau nhiều năm, phần lớn các dự án trên vẫn còn ngổn ngang, nơi thì đang xây dựng, nơi thì xây dựng gần xong rồi bỏ hoang, có nơi vẫn “đắp chiếu” để đó.

Dự án khu đô thị nằm ở xã Phú Thạnh, Long Tân (huyện Nhơn Trạch) đang xây dựng. Ảnh: Hương Giang
Dự án khu đô thị nằm ở xã Phú Thạnh, Long Tân (huyện Nhơn Trạch) đang xây dựng. Ảnh: Hương Giang

[links()]Theo thông tin từ UBND tỉnh, các khu đô thị tập trung ở huyện Nhơn Trạch và TP.Biên Hòa. Tổng diện tích phải giải phóng mặt bằng là trên 5.200 hécta, đã thu hồi được gần 1.690 hécta, đạt tỷ lệ gần 34,5% và số tiền đã bồi thường để thu hồi đất là 830 tỷ đồng.

* Dở dang nhiều dự án triệu USD

Mặc dù các địa phương và các sở, ngành của tỉnh thường xuyên kiểm tra, đốc thúc tiến độ thực hiện các dự án nói trên, song đến nay vẫn còn khá nhiều khu đô thị, khu dân cư vẫn còn đang dang dở. Khảo sát thực tế của phóng viên cho thấy, có những nơi hiện đang trong quá trình san lấp mặt bằng, nơi vắng hoe cỏ mọc gần bằng đầu người, chỗ người dân đang sống mệt mỏi chờ bồi thường, tái định cư và thu hồi đất.

Đơn cử như Khu đô thị Aqua City rộng 305 hécta trên địa bàn xã Long Hưng (TP.Biên Hòa) có vốn đầu tư 519 triệu USD, chủ đầu tư là Công ty cổ phần thành phố Aqua. Dù được cấp phép từ tháng 4-2008 (11 năm), nhưng đến nay dự án vẫn là công trường đang san lấp mặt bằng.

Tiếp đến là dự án Waterfront khoảng 367 hécta nằm kề Aqua City, có vốn đầu tư khoảng 395 triệu USD cũng được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư từ đầu năm 2008, hiện vẫn hoang sơ, chưa nhìn ra vóc dáng của “Khu phức hợp hiện đại bậc nhất Việt Nam” như lời người đứng đầu Công ty TNHH thành phố Waterfront từng công bố.

Tương tự, Khu dân cư xã Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch) có diện tích gần 200 hécta do Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ thực hiện. Nguồn vốn thực hiện lên đến hàng chục triệu USD, nhưng qua gần 10 năm vẫn đang trong giai đoạn bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Khu trung tâm thương mại và khu dân cư tại xã Long Đức (huyện Long Thành) có diện tích 77 hécta do Công ty cổ phần Lộc Thịnh làm chủ đầu tư được giao đất từ năm 2015, nhưng chưa xây dựng. Các khu dân cư Vĩnh Thanh, Phú Thạnh, Đại Phước, Phước Thiền... (huyện Nhơn Trạch) vẫn còn ngổn ngang chưa thành hình khu đô thị như đơn vị triển khai đã hứa hẹn.

Mô hình dự án khu đô thị nằm tại xã Phú Thạnh, Long Tân (huyện Nhơn Trạch)
Mô hình dự án khu đô thị nằm tại xã Phú Thạnh, Long Tân (huyện Nhơn Trạch)

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, những dự án đô thị có diện tích đất lớn là những dự án mà tỉnh thường xuyên kiểm tra xem vướng mắc ở đâu để tháo gỡ, giúp các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án. Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến dự án triển khai chậm, trong đó chủ yếu là do giai đoạn trước thị trường bất động sản đóng băng trong một thời gian dài, nhiều nhà đầu tư chưa dồn lực vào thực hiện.

* Thủ tục kéo dài

Trong khi đó, ở góc nhìn chủ đầu tư, nhiều chủ đầu tư cho biết, quá trình thực hiện hồ sơ, thủ tục đầu tư mất khá nhiều thời gian, có khi phải đợi 3-4 năm mới hoàn thành. Sau đó, thời gian bồi thường, thu hồi đất cũng kéo dài  từ 2-5 năm cũng là nguyên nhân khiến tiến độ dự án chậm chạp.

Chẳng hạn, tại 2 khu dân cư tại xã Phú Thạnh và Long Tân (huyện Nhơn Trạch) với tổng diện tích 941 hécta, đơn vị thực hiện là Công ty cổ phần đầu tư Nhơn Trạch đã tiến hành giải phóng mặt bằng từ 2007 nhưng đến nay chưa hoàn thành. Dự án đang triển khai theo từng giai đoạn, song mới chỉ làm một số tuyến đường trong dự án và xây dựng một số biệt thự, khu nhà liên kế.

Bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Amata Việt Nam cho biết: “Công ty đang triển khai 2 khu đô thị dịch vụ tại huyện Long Thành có diện tích khoảng 800 hécta. Dự án được UBND tỉnh trao giấy chứng nhận đầu tư từ giữa năm 2015 nhưng hiện vẫn đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ xin điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp”.

Mặc dù gần 4 năm qua, UBND tỉnh đã có nhiều lần làm việc với đơn vị trên để tháo gỡ những khó khăn, nhưng đến nay mới gần xong thủ tục. Sắp tới, khi làm hoàn chỉnh hồ sơ, doanh nghiệp sẽ phối hợp với tỉnh thực hiện công tác bồi thường, tái định cư và thu hồi đất.

Theo chủ doanh nghiệp, thời gian bồi thường sẽ kéo dài khoảng 2-3 năm. Như vậy, nếu mọi việc suôn sẻ thì sau 6-7 năm mới có đất sạch để xây dựng. Hay Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Sơn Tiên (TP.Biên Hòa), doanh nghiệp đầu tư phải lùi tiến độ hoàn thành dự án đến gần 4 năm vì vướng thủ tục liên quan đến bồi thường cho người dân bị thu hồi đất.

Bên cạnh thủ tục kéo dài, nhiều dự án đình trệ là do nhà đầu tư thấy tình hình bất động sản giai đoạn 2010-2015 trầm lắng nên cũng không mặn mà với việc hoàn tất thủ tục để xây dựng. Cụ thể dự án Khu trung tâm thành phố mới Nhơn Trạch hơn 600 hécta tại các xã Long Tân, Vĩnh Thanh, Phước An được UBND tỉnh chấp nhận cho Công ty TNHH Berjaya Leisure thuộc Tập đoàn Berjaya của Malaysia thực hiện với tổng vốn hơn 2 tỷ USD. Nhưng vì tập đoàn này không triển khai dự án theo đúng lộ trình nên đã bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Năm 2018, Công ty cổ phần đầu tư phát triển xây dựng (DIC) xin tiếp tục làm Khu trung tâm thành phố mới Nhơn Trạch. DIC dự tính sẽ bỏ ra 7.730 tỷ đồng để hoàn thiện dự án.

Theo ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT DIC, khu trung tâm  sẽ có công trình hành chính, công cộng, trường học, bệnh viện, thương mại, dịch vụ... Trong đó khoảng 252 hécta đất dành làm dự án nhà ở cao tầng, liên kế và biệt thự.

* “Sang tay” dự án

Không chỉ ở Đồng Nai mà tại các tỉnh, thành đang có bất động sản “nóng” như: TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... việc chuyển nhượng các dự án khu dân cư diễn ra khá thường xuyên. Trên địa bàn tỉnh có những dự án đã qua tay nhiều chủ đầu tư nhưng vẫn chưa hoàn thành. Việc đổi chủ dự án được thông qua bằng mua bán, chuyển nhượng cổ phần của doanh nghiệp. Cũng có công ty “nhượng” lại dự án theo hình thức mời gọi góp vốn đầu tư.

Đồ họa thể hiện sự phân bố các dự án khu đô thị có diện tích lớn trên địa bàn tỉnh. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện sự phân bố các dự án khu đô thị có diện tích lớn trên địa bàn tỉnh. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

Thương vụ mới nhất là Công ty cổ phần đầu tư Nam Long (TP.Hồ Chí Minh) công bố mua lại 70% cổ phần của Công ty TNHH thành phố Waterfront. Giá trị của số cổ phần trên khoảng 2.300 tỷ đồng. Thông qua đó, Nam Long sẽ làm chủ 170 hécta đất của Khu đô thị Waterfront tại TP.Biên Hòa. Đại diện Công ty cổ phần đầu tư Nam Long cho hay, trước đó, vào tháng 11-2018, doanh nghiệp này cũng đã góp vốn với Công ty TNHH một thành viên Paragon Đại Phước 1.228 tỷ đồng để triển khai dự án tại cù lao ở xã Đại Phước (huyện Nhơn Trạch).

Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (TP.Hồ Chí Minh) cũng từng nhận chuyển nhượng, góp vốn để tham gia một số dự án khu dân cư ở huyện Trảng Bom. Tại huyện Nhơn Trạch nhiều khu đô thị đã qua tay hàng loạt nhà đầu tư nhưng chưa biết đến thời điểm nào mới hoàn thành. Thực tế, càng chuyển nhượng qua nhiều chủ đầu tư, các dự án lại càng chậm tiến độ, dẫn đến tình trạng ngổn ngang kéo dài suốt nhiều năm.

Hương Giang

 

 

 

 

Tin xem nhiều