"Đồng Nai đạt nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội" - đó là đánh giá của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trong dịp về làm việc tại Đồng Nai vào ngày 8-1.
“Đồng Nai đạt nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội” - đó là đánh giá của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trong dịp về làm việc tại Đồng Nai vào ngày 8-1. Cụ thể, 3 năm liên tiếp Đồng Nai xuất siêu, góp phần để năm 2018 cả nước đạt kỷ lục về xuất siêu cao nhất từ trước đến nay; là tỉnh có đóng góp lớn cho thu ngân sách của cả nước…
Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ kiểm tra tình hình xây dựng nông thôn mới tại huyện Long Thành. Ảnh: Hải Quân |
Đặc biệt, tuy là tỉnh công nghiệp nhưng Đồng Nai lại đi đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.
* Trong nhóm đầu thu hút FDI
Trong 30 năm qua, Đồng Nai luôn nằm trong tốp các địa phương thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) cao nhất cả nước. Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 1.378 dự án FDI còn hiệu lực; vốn đăng ký 28,5 tỷ USD. Năm 2018, thu ngân sách từ các dự án FDI là 27 ngàn tỷ đồng, chiếm 54% tổng thu ngân sách của tỉnh. Đồng Nai đã thu hút các nhà đầu tư từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó các quốc gia và vùng lãnh thổ đứng đầu về vốn đầu tư cao là: Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản…
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh: “Toàn tỉnh hiện có 31/32 khu công nghiệp đang hoạt động, đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc tự động; 77% diện tích đất đã được lấp đầy, đạt tỷ lệ cao nhất của các khu công nghiệp ở Việt Nam”. Quy mô giá trị sản xuất công nghiệp tăng gần 200 lần so với năm 1985. Từ phát triển công nghiệp đã kéo theo sự phát triển của các lĩnh vực dịch vụ, nông nghiệp… Theo đó, GRDP tăng trưởng với tốc độ cao trong nhiều năm, bình quân 12%/năm, gấp đôi mức bình quân chung của cả nước.
Đồ họa thể hiện một số kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai năm 2018. (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân) |
Có được thành tựu nổi bật trong thu hút vốn FDI nhờ Đồng Nai đã tạo được môi trường đầu tư tốt. Tỉnh đã thành lập Ban Hành động hỗ trợ doanh nghiệp nhằm giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Nhờ đó, thu hút đầu tư FDI và nội địa của tỉnh đều tăng cao. Năm 2018, thu hút đầu tư FDI đạt hơn 1,9 tỷ USD; trong nước đạt gần 28,5 ngàn tỷ đồng, đạt gần 285% kế hoạch năm. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2018 đạt trên 3,5 ngàn doanh nghiệp, tăng 4,5% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký trên 32 ngàn tỷ đồng.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá cao Đồng Nai vì địa phương rất được lòng các nhà đầu tư nên nhiều năm liền luôn thuộc tốp đầu về thu hút FDI. Trong đó, nhiều dự án đầu tư tiếp tục được mở rộng.
* Phát triển đồng bộ
Năm 2018 dù có nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng kinh tế của tỉnh (GRDP) tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao, trên 8%; thu nhập bình quân đầu người khoảng 104 triệu đồng. Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 9% (xếp thứ 8 cả nước). Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ đạt trên 162 ngàn tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ.
Trong xây dựng nông thôn mới, đến nay 133/133 xã của tỉnh đã đạt chuẩn nông thôn mới. Cấp huyện có 8/11 đơn vị được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới; 3 đơn vị cấp huyện còn lại đã hoàn chỉnh hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn xem xét thẩm định đề nghị công nhận đạt chuẩn năm 2018. Như vậy, nếu được Trung ương công nhận, Đồng Nai sẽ hoàn thành 100% xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, về đích trước 2 năm so với mục tiêu đề ra.
Năm 2018, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng trên 4,4%; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 hécta đất nông lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 228,8 triệu đồng/hécta, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2010.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhận định, Đồng Nai là một trong 3 đơn vị cấp tỉnh của cả nước có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Với 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, khả năng rất cao tỉnh cũng sẽ đi đầu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 hécta đất nông lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh cao hơn nhiều so với mức bình quân của cả nước (dưới 100 triệu đồng/hécta).
* Cần hỗ trợ về chính sách
Do đặc điểm của Đồng Nai là lao động ngoại tỉnh rất đông, vấn đề giải quyết bài toán dân số, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe, trường học và bài toán xã hội hóa đầu tư cho các nhu cầu đó... là nội dung được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và cả lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai rất quan tâm, tập trung trao đổi tại buổi làm việc.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái chỉ ra, đầu tư nhà ở xã hội rất khó đáp ứng nhu cầu thực tế dù tỉnh luôn nỗ lực khuyến khích các nhà đầu tư lớn quan tâm đầu tư nhà ở cho công nhân. Giải quyết vấn đề này, tỉnh khuyến cáo các nhà đầu tư đang mở rộng dự án phải đầu tư chiều sâu để giảm lao động. Trong thu hút đầu tư mới, Đồng Nai chọn lọc dự án công nghệ tốt, đảm bảo môi trường và ít lao động. “Toàn tỉnh có hơn 46 ngàn viên chức thì viên chức ngành Giáo dục chiếm khoảng 35 ngàn. Việc giảm biên chế viên chức trong ngành Giáo dục rất khó khăn vì sẽ xảy ra tình trạng các lớp học ca 3, ca 4. Mong Trung ương xem xét cho tỉnh có cơ chế giảm biên chế viên chức cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái kiến nghị.
Về mặt chính sách, Đồng Nai cũng kiến nghị Trung ương sớm hoàn thành việc bổ sung, điều chỉnh sửa đổi Luật đất đai; có cơ chế đặc thù về hỗ trợ vốn đầu tư đối với các địa phương thực hiện huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Các cơ sở dữ liệu quản lý doanh nghiệp mong được các bộ, ngành, Trung ương hỗ trợ cho địa phương để có những giải pháp kịp thời xử lý doanh nghiệp FDI nợ bảo hiểm.
Bình Nguyên
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường:
“Thu ngân sách năm 2018 của tỉnh đạt khoảng 93% so với dự toán giao thu đầu năm, trong đó thu nội địa chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Trong năm 2018, chỉ tiêu Trung ương giao thu ngân sách đối với địa phương ở mức cao cũng khiến cho việc thu ngân sách của tỉnh gặp nhiều áp lực.
Về biên chế ngành giáo dục, trên thực tế, dân số cơ học tại một số đô thị, địa phương trên địa bàn tỉnh tăng nhanh trong thời gian qua đã gây áp lực cho ngành giáo dục. Từ đó, lượng học sinh tăng nhanh kéo theo nhu cầu về giáo viên, trường lớp cũng tăng lên. Việc giải quyết vấn đề dư 3 ngàn biên chế ngành Giáo dục như Bộ Nội vụ thông tin, Đồng Nai cũng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng đề nghị tăng cường liên kết vùng, trong việc triển khai các dự án giao thông trong vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam”.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh:
“Đề nghị lãnh đạo tỉnh Đồng Nai quan tâm đến vấn đề xây dựng nhà ở xã hội, các hình thức hỗ trợ, quỹ đất, thu hút nguồn lực, mời gọi nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng sẽ tham mưu Chính phủ bù chênh lệch lãi suất từ nguồn vốn vay 30 ngàn tỷ đồng về nhà ở xã hội cho tỉnh một cách phù hợp, đúng theo quy định”.
Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Ngọc Đông:
“Hiện đang có các “đại công trường” dự án giao thông, dự án cao tốc đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trong đó, tỉnh cần có phương án phù hợp theo từng đoạn khác nhau, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Riêng dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết hiện đang chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật, dự kiến tháng 4 giao cột mốc giải phóng mặt bằng. Đồng Nai cần chủ động trong việc xúc tiến giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất, thành lập các ban hỗ trợ giải phóng mặt bằng…”
Hải Quân