Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông dân đang "bỏ" mía

02:01, 05/01/2019

Trong lúc nhiều loại nông sản đang được nông dân tìm thấy nhiều cơ hội khẳng định vị trí khi bước vào hội nhập, thì ngành mía đường lại rơi vào khủng hoảng và đang "thua" ngay trên sân nhà.

Trong lúc nhiều loại nông sản đang được nông dân tìm thấy nhiều cơ hội khẳng định vị trí khi bước vào hội nhập, thì ngành mía đường lại rơi vào khủng hoảng và đang “thua” ngay trên sân nhà.

Tại nhiều tỉnh, thành, hàng loạt nhà máy đường đã đóng cửa hoặc đối diện với nguy cơ phá sản. Vụ thu hoạch mía năm nay, cả nông dân và doanh nghiệp sản xuất đều lâm vào cảnh khốn đốn.

* Lợi nhuận trồng mía chỉ bằng 1/10 trồng thanh long

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện lượng đường tồn kho của Việt Nam hơn 700 ngàn tấn, là con số cao kỷ lục từ trước đến nay. Các nhà máy đường đều đã phải giảm giá bán xuống mức giá thành 11-13 ngàn đồng/kg nhưng vẫn cao hơn đường nhập khẩu từ Thái Lan. Năm 2019 không chỉ Việt Nam tồn kho và dư thừa lượng đường lớn mà các nước lân cận cũng dư lượng đường lớn nên sẽ tìm cách xuất khẩu. Vấn đề này sẽ là áp lực lớn cho ngành mía đường Việt Nam.

Đồng Nai từng là tỉnh có diện tích mía lớn của cả nước với cả chục ngàn hécta. Nhiều nông dân trước đây làm giàu nhờ cây mía, nhưng hiện nay ngay cả những vùng chuyên canh cây mía cũng đang dần vắng bóng cây trồng này.

Diện tích mía của Đồng Nai đang giảm dần theo từng năm. Cụ thể, năm 2012 toàn tỉnh có gần 10,7 ngàn hécta trồng mía. Năm 2015, diện tích mía chỉ còn trên 9 ngàn hécta, tiếp tục giảm còn trên 8 ngàn hécta vào năm 2018 và có xu hướng tiếp tục giảm trong thời gian tới. Ngay cả những vùng nguyên liệu mía lâu năm với cả ngàn hécta gần nhà máy sản xuất đường tại huyện Vĩnh Cửu hiện cũng không còn nhiều nông dân trồng mía.

Trước đây, xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu) là vùng chuyên canh cây mía với hàng trăm hécta do những nông dân giỏi nghề, gắn bó lâu năm với cây mía và được chọn làm điểm xây dựng cánh đồng lớn cho cây mía của tỉnh Đồng Nai. Nhưng sau vài năm triển khai, cánh đồng lớn này hầu như không còn cây mía vì nông dân đều chuyển đổi sang cây trồng khác. Ông Lê Văn Phẩm, nguyên Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ kinh doanh tổng hợp nông nghiệp Trị An cho biết: “Hợp tác xã đã giải thể vì không còn xã viên trồng mía. Nguyên nhân là do vụ mía vừa qua, đa số hộ trồng mía đều lỗ vốn. Với tình hình các nhà máy chế biến đường còn tồn kho với số lượng lớn vì không cạnh tranh được với đường ngoại, thì giá mía khó mà hồi phục về mức có lợi nhuận tốt”.

Niên vụ năm nay, nông dân trồng mía thua lỗ do giá mía thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Ảnh: Thu hoạch mía tại huyện Định Quán.
Niên vụ năm nay, nông dân trồng mía thua lỗ do giá mía thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Ảnh: Thu hoạch mía tại huyện Định Quán.

Là nông dân có gần 30 năm gắn bó với cây mía, ông Trương Hùng Dũng (huyện Trảng Bom) từng thuê đất ở nhiều nơi đầu tư những cánh đồng mía với diện tích lớn từ 200-300 hécta, nhưng hiện ông chỉ còn giữ được khoảng 100 hécta mía và đang chuyển dần sang trồng cây ăn trái. Theo ông Dũng, năm nay bất lợi về thời tiết nên năng suất mía bình quân do gia đình ông đầu tư chỉ đạt khoảng 50 tấn/hécta. Trừ tiền thuê đất và các khoản chi phí khác, cây mía không còn cho lợi nhuận, thậm chí nông dân phải bù lỗ.

Biểu đồ thể hiện diện tích, sản lượng mía trên địa bàn tỉnh qua các năm 2012 và năm 2018; tình hình sản xuất đường, sản lượng đường tồn kho trên địa bàn Đồng Nai trong năm 2018. (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)
Biểu đồ thể hiện diện tích, sản lượng mía trên địa bàn tỉnh qua các năm 2012 và năm 2018; tình hình sản xuất đường, sản lượng đường tồn kho trên địa bàn Đồng Nai trong năm 2018. (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)

Ông Dũng chia sẻ: “30 hécta thanh long và bưởi da xanh của tôi hiện cho lợi nhuận cao hơn 200-300 hécta mía. Nhưng tôi vẫn sẽ quay lại nghề trồng mía nếu mỗi hécta tôi có lời 30 triệu đồng trở lên. Vì trồng mía có nhà máy chế biến bao tiêu, nông dân yên tâm chứ không quá bấp bênh như thị trường cây ăn trái sáng nắng, chiều mưa như hiện nay”.

Mong muốn của những nông dân từng gắn bó lâu năm với nghề trồng mía là Nhà nước và doanh nghiệp ngành mía đường có những chính sách hỗ trợ thiết thực để nông dân vẫn có thể tiếp tục gắn bó với cây mía.

Tồn kho vì đường ngoại “ép”

Hiện trên địa bàn tỉnh có 2 nhà máy chế biến đường là Công ty cổ phần mía đường La Ngà (huyện Định Quán) và Nhà máy đường TTC Biên Hòa - Trị An (huyện Vĩnh Cửu). Tổng thiết kế của 2 nhà máy đạt khoảng 5 ngàn tấn mía/ngày với tổng sản lượng đường đạt khoảng 38.900 tấn đường/năm. Nhưng theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, tính đến tháng 8-2018, lượng đường tồn kho của 2 nhà máy trên khoảng 19,5 ngàn tấn.

Tuy đang trong giai đoạn khó khăn nhưng Nhà máy đường TTC Biên Hòa - Trị An (huyện Vĩnh Cửu) vẫn xây dựng kế hoạch mở rộng công suất hoạt động trong thời gian tới. Trong ảnh: Sản xuất tại Nhà máy đường TTC Biên Hòa - Trị An. Ảnh: B.Nguyên

Đóng gói đường tinh luyện tại Công ty cổ phần đường Biên Hòa, KCN1, TP.Biên Hòa. ảnh Bình Nguyên

Nguyên nhân sản lượng đường tồn kho lớn là do hiện giá thành sản xuất đường nội địa cao hơn giá đường nhập khẩu bán ngoài thị trường. Theo khảo sát thị trường tiêu thụ đường hiện nay, đường Thái Lan nhập khẩu đang bán tràn lan tại các chợ truyền thống, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng tùy loại dao động từ 14.500-16.500 đồng/kg, rẻ hơn đường nội địa khoảng 4-6 ngàn đồng/kg; giá bỏ sỉ chỉ trên 10 ngàn đồng/kg, rẻ hơn cả giá thành sản xuất của đường nội địa. 

PGS-TS.Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, Trường đại học bách khoa Hà Nội cho rằng đường Việt Nam rất khó cạnh tranh với đường nhập khẩu từ Thái Lan vì giá thành cao.

Có 3 nguyên nhân dẫn đến giá thành đường Việt Nam cao là: năng suất mía Việt Nam bình quân 60-70 tấn/hécta, trong khi năng suất mía của các nước đạt khá cao; chữ đường trong mía của Việt Nam cũng không cao, nhiều nhà máy sản xuất công nghệ lạc hậu nên lượng đường sản xuất trên 1 tấn mía thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới; đường trong nước giá cao nên các doanh nghiệp sản xuất chọn đường ngoại để giảm giá thành, khiến các nhà máy đường trong nước không bán được hàng, lượng đường tồn kho lớn, thua lỗ nhiều buộc phải giảm công suất. Theo đó, nông dân trồng mía khó bán được sẽ chuyển đổi sang cây trồng khác dẫn đến ngành đường đang đi vào bế tắc.

“Các nước sản xuất nhiều đường có công nghệ hiện đại nên có thể tận dụng được các phế phẩm từ mía sau khi ép để sản xuất ra những mặt hàng khác làm tăng giá trị gia tăng cho ngành mía đường nên giá đường rất thấp. Còn Việt Nam gần như không tận dụng được các loại phế phẩm từ mía sau khi ép” - PGS-TS.Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.

Bình Nguyên - Hương Giang

 

 

 

Tin xem nhiều