Báo Đồng Nai điện tử
En

Đối mặt với chuyển giá và nợ thuế

02:01, 19/01/2019

Năm 2018, Đồng Nai đã truy thu hàng ngàn tỷ đồng từ chống chuyển giá, thu hồi nợ thuế. Trong 3 năm liền, Đồng Nai được đánh giá là địa phương luôn đứng đầu cả nước về chống chuyển giá.

Năm 2018, Đồng Nai đã truy thu hàng ngàn tỷ đồng từ chống chuyển giá, thu hồi nợ thuế. Trong 3 năm liền, Đồng Nai được đánh giá là địa phương luôn đứng đầu cả nước về chống chuyển giá.

Người dân đến kê khai, nộp thuế tại Chi cục Thuế Biên Hòa. Ảnh: H.GIANG
Người dân đến kê khai, nộp thuế tại Chi cục Thuế Biên Hòa. Ảnh: H.GIANG

Theo Cục Thuế Đồng Nai, trong 3 năm liền (2016-2018) công tác chống chuyển giá của Đồng Nai thực hiện khá hiệu quả. Tỉnh đã phạt và truy thu thuế 902 tỷ đồng từ chuyển giá của 76 doanh nghiệp. Năm 2018, thu hồi nợ thuế được 410 tỷ đồng.

* “Muôn mặt” chuyển giá

Làm việc với các doanh nghiệp trong nước và FDI, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh yêu cầu các đơn vị Cục Thuế Đồng Nai, Sở Kế hoạch - đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai phải phối hợp chặt chẽ, kịp thời phát hiện những doanh nghiệp báo lỗ nhiều năm nhưng vẫn xin mở rộng dự án sản xuất, kinh doanh, có dấu hiệu của chuyển giá. “Chuyển giá phải được phát hiện kịp thời để ngăn chặn, nhằm tạo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp, đồng thời góp phần tăng thu cho ngân sách” - ông Vĩnh nói.

Chuyển giá lâu nay được coi là “biện pháp” được nhiều tập đoàn kinh tế đa quốc gia áp dụng để giảm tối thiểu nghĩa vụ thuế. Điều này tác động tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế, gây thất thu về thuế và tạo ra sự không công bằng trong cạnh tranh. Các tập đoàn đa quốc gia thường có đội ngũ chuyên gia tư vấn giỏi, rất nhiều kinh nghiệm trong việc tránh thuế thông qua xác định giá chuyển giao mà vẫn không phạm luật, vì vậy việc thanh tra giá chuyển nhượng luôn là bài toán rất gian nan.

Tại Đồng Nai, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài liên tục báo lỗ nhiều năm nhưng lại không ngừng mở rộng sản xuất, còn một số  doanh nghiệp kê khai có lãi nhưng tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư lại thấp. Ông Nguyễn Văn Viện, Trưởng phòng Thanh tra giá chuyển nhượng Cục Thuế Đồng Nai nhận định: “Việc thanh tra giá chuyển nhượng ngoài truy thu được thuế, điều “được” lớn hơn là ngăn việc doanh nghiệp báo lỗ không đúng thực tế được gần 8 ngàn tỷ đồng để tăng thu ngân sách cho những năm sau”.

Tình trạng chuyển giá không chỉ xảy ra với doanh nghiệp nước ngoài mà ngay cả doanh nghiệp trong nước cũng có chuyển giá. Nếu trước đây chủ yếu chuyển giá hướng ra nước ngoài, thì gần đây một số doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế lớn đã chuyển giá ngược vào Việt Nam.

Các doanh nghiệp có số nợ thuế lớn hơn 10 tỷ đồng trên địa bàn tỉnh tính đến hết tháng 11-2018. (Thông tin: VÂN NAM - Đồ họa: HẢI QUÂN)
Các doanh nghiệp có số nợ thuế lớn hơn 10 tỷ đồng trên địa bàn tỉnh tính đến hết tháng 11-2018. (Thông tin: VÂN NAM - Đồ họa: HẢI QUÂN)

Nhiều chuyên gia kinh tế cho hay, những “chiêu” chuyển giá doanh nghiệp FDI hay áp dụng là trong quá trình sản xuất, kinh doanh kê khai giá nguyên liệu đầu vào rất cao, tìm mọi cách khai tăng các chi phí quảng cáo, khuyến mãi để “triệt tiêu” lợi nhuận. Doanh nghiệp chủ động tăng giá đầu vào (máy móc, thiết bị, sáng chế phát minh) để tạo giá trị lớn về tài sản cố định của doanh nghiệp. Sau đó, trong quá trình sản xuất, kinh doanh khi cần bổ sung, thay thế máy móc, tăng vốn dự án đều được khai vống giá, tạo nên giá trị ảo về vốn. Như vậy mức khấu hao, giá thành cũng cao lên, lợi nhuận thấp, hoặc không có lợi nhuận, doanh nghiệp sẽ bị lỗ...

* Đau đầu “đòi”1,5 ngàn tỷ đồng nợ thuế

Trưởng phòng Quản lý nợ và cưỡng chế thuế Cục Thuế Đồng Nai Ninh Thị Thanh Huyền cho hay, số thuế nợ khó thu hồi chủ yếu rơi vào các trường hợp doanh nghiệp bỏ địa điểm kinh doanh và chờ giải thể. Trong danh sách nợ thuế khó thu có những trường hợp đã ngưng hoạt động từ khá lâu như Công ty rượu sâm panh Matxcơva (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) nợ thuế hơn 11 tỷ đồng vẫn không có hướng giải quyết.

Năm 2018, Bộ Tài chính yêu cầu ngành thuế đến hết năm số nợ thuế phải được kiểm soát không được quá 5% số thu ngân sách. Vì thế các địa phương phải tập trung khá mạnh cho công tác thu nợ đọng.

Yêu cầu cụ thể của Bộ Tài chính với Đồng Nai là hết năm 2018 số nợ thuế phải thấp hơn năm 2017 và không quá 5% số thu ngân sách. Nợ thuế của Đồng Nai năm 2017 là gần 1.900 tỷ đồng (gồm cả nợ khó thu và nợ có khả năng thu), năm qua cơ quan thuế của tỉnh đã đôn đốc thu nợ đọng được 410 tỷ đồng, đạt 50% số tiền thuế nợ có khả năng thu từ năm 2017 chuyển sang, trong đó thu bằng biện pháp đôn đốc là 310 tỷ đồng, bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 100 tỷ đồng. Tổng nợ thuế của tỉnh gồm cả nợ khó thu và nợ có khả năng thu hết năm 2018 còn khoảng 1.550 tỷ đồng, tương đương 4,7% so với số thu ngân sách.

Tháng 12-2018, làm việc với UBND tỉnh về công tác thu ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá nợ thuế của Đồng Nai là tương đối thấp so với cả nước nhưng vẫn cần phải kiểm soát chặt. Về việc này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng cho rằng các cơ quan chuyên môn đã nắm chắc nguồn thu và quản lý thu nợ đọng làm khá tốt. Đây là nguồn quan trọng trong việc chống thất thu ngân sách của tỉnh.

Biểu đồ thể hiện số lượng doanh nghiệp bị thanh tra truy thu thuế, số tiền phạt thu được và số tiền giảm lỗ qua các năm 2016-2018.  (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
Biểu đồ thể hiện số lượng doanh nghiệp bị thanh tra truy thu thuế, số tiền phạt thu được và số tiền giảm lỗ qua các năm 2016-2018. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

Ông Nguyễn Tấn Lợi, Phó cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai cho rằng khó xử hiện nay là khoản nợ khó thu. Số nợ khó thu của tỉnh hiện có khoảng 880 tỷ đồng, số nợ này hằng năm vẫn phát sinh do bị tính chậm nộp (phạt do chậm nộp thuế) khiến mức nợ thuế nhóm này bị tăng. “Cục Thuế Đồng Nai đã kiến nghị với Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính khoanh khoản nợ này lại, không tính tiền phạt chậm nộp để không bị tăng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được chấp nhận” - ông Lợi nói. Số thuế khó thu năm 2017 chưa tới 730 tỷ đồng, nhưng tính đến thời điểm hết tháng 11-2018 đã lên đến 880 tỷ đồng, phần tăng này chủ yếu ở khoản phạt do chậm nộp. Thực chất nợ gốc chỉ có hơn 530 tỷ đồng. Ông Lợi cho hay trên hệ thống sẽ tự động tính phần chậm nộp và cập nhật. 

Theo thống kê của Cục Thuế Đồng Nai, khoản nợ thuế từ 5 tỷ đồng trở lên hiện có hơn 20 trường hợp, cao nhất lên đến 40 tỷ đồng như Cơ sở gia công chế biến hạt điều Trung Thành (huyện Xuân Lộc) nằm trong diện khó có thể thu được nợ. Những khoản này hằng năm vẫn bị tính tiền chậm nộp, dẫn đến số nợ không dừng phát sinh.

Hương Giang - Khắc Giới

 

 

 

Các doanh nghiệp có số nợ thuế lớn hơn 10 tỷ đồng trên địa bàn tỉnh tính đến hết tháng 11-2018.

(Thông tin: Vân Nam - Đồ họa: Hải Quân)

 

 

Tin xem nhiều