Với thị trường lên đến 630 triệu dân, ASEAN từ lâu nay đã được đánh giá là thị trường tiêu thụ hàng hóa tiêu dùng, nông sản...
Với thị trường lên đến 630 triệu dân, ASEAN từ lâu nay đã được đánh giá là thị trường tiêu thụ hàng hóa tiêu dùng, nông sản... đầy tiềm năng của Việt Nam cũng như từng nước thành viên nội khối. ASEAN còn là một khối thị trường giao thoa với rất nhiều thị trường khác thông qua các hiệp định thương mại tự do, do đó hàng hóa của các quốc gia trong khối còn có cơ hội vươn ra nhiều thị trường khác với những ưu đãi thuế quan đáng chú ý.
Tiềm năng là thế, nhưng theo nhiều đánh giá, sau gần 3 năm kể từ khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành, hàng Việt Nam vẫn còn gặp rất nhiều thách thức trong việc tăng thị phần ở AEC, trong khi ở chiều ngược lại, hàng hóa từ Malaysia, Thái Lan, Singapore, Indonesia... ngày càng chiếm lĩnh nhiều không gian hơn trên các kệ hàng siêu thị và sạp chợ truyền thống của Việt Nam. Theo Bộ Công thương, Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu cho hơn 10 ngàn dòng thuế xuống mức 0-5% theo ATIGA (Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN), chiếm khoảng 98% số dòng thuế trong biểu thuế.
Số liệu thống kê từ Bộ cũng cho thấy, tốc độ tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam vào AEC tăng chậm hơn so với chiều ngược lại. Năm 2016, hàng Việt xuất vào AEC chiếm chưa đến 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, và có tăng lên chút ít, khoảng 11% vào năm 2017. Trong khi đó, hàng hóa từ AEC đã tăng từ 11% vào năm 2016 lên 13% vào năm 2017, hệ quả là hiện tại Việt Nam đang ở thế nhập siêu từ AEC, nếu không có gì thay đổi trong chiến lược xuất khẩu hàng hóa vào AEC thì nhập siêu từ khối này sẽ tiếp tục gia tăng.
Có nhiều thách thức lớn khiến hàng hóa Việt Nam vào ASEAN tăng trưởng chậm hơn chiều ngược lại, và một trong số đó là cơ cấu hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam khá tương đồng với các doanh nghiệp trong AEC nên mức độ cạnh tranh khá khốc liệt, trong khi đó, trình độ sản xuất, phân phối, bán hàng... cùng những nguồn lực khác của doanh nghiệp Việt Nam tuy có nhỉnh hơn so với các quốc gia như Campuchia hay Lào, song xét chung, vẫn chưa thể mạnh bằng Thái Lan, Malaysia, Singapore...
Hiện tại và tương lai, AEC vẫn được xác định là một thị trường đầy hứa hẹn với Việt Nam, tuy nhiên điều kiện cần vẫn là những nỗ lực từ cả phía cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp trong việc đưa hàng hóa vào AEC ngày một nhiều hơn. Ở tầm quốc gia, cần có chiến lược ngắn hạn lẫn dài hạn với những cơ cấu mặt hàng cụ thể, rõ ràng, đi kèm với những chính sách hỗ trợ và ưu đãi cho các doanh nghiệp xuất hàng vào AEC. Về phía các cơ quan quản lý và xúc tiến thương mại, cần làm thật tốt vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp, tập đoàn phân phối bán lẻ, các cơ quan quản lý đến từ các quốc gia trong AEC, nhanh chóng cập nhật thông tin mới về các chính sách ưu đãi, các mặt hàng cần chú ý, những thay đổi về thị hiếu tiêu dùng và biến động thị trường tại từng quốc gia AEC... để doanh nghiệp có thể tham khảo.
Về phía doanh nghiệp, theo các chuyên gia, sự nỗ lực cải tiến về chất lượng, mẫu mã, giá cả là nền tảng, song biết cập nhật và tận dụng thông tin, biết sử dụng các cầu nối để đưa hàng hóa sang AEC là điều rất quan trọng. Chẳng hạn, thông qua các hệ thống phân phối ngoại đã có mặt tại Việt Nam (chẳng hạn BigC, MM Mega Market...), hàng hóa Việt Nam có thể xuất khẩu trực tiếp và tiêu thụ trực tiếp tại AEC trong hệ thống hàng trăm siêu thị của các tập đoàn bán lẻ này.
Vi Lâm