Khoảng 4-5 năm trở lại đây, các công ty lớn nườm nượp về huyện Xuân Lộc mua đất xây dựng trang trại nuôi heo với quy mô lớn. Xuân Lộc từ đó đã "chiếm ngôi" Thống Nhất, trở thành "thủ phủ" chăn nuôi của tỉnh
Khoảng 4-5 năm trở lại đây, các công ty lớn nườm nượp về huyện Xuân Lộc mua đất xây dựng trang trại nuôi heo với quy mô lớn. Xuân Lộc “chiếm ngôi” Thống Nhất, trở thành “thủ phủ” chăn nuôi của tỉnh, song người dân địa phương lại ngán ngẩm vì tình trạng ô nhiễm đe dọa, đường giao thông xuống cấp.
Một trang trại chăn nuôi heo ở ấp Trung Tín, xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc) được đầu tư hơn 10 tỷ đồng làm hệ thống xử lý nước thải. |
Huyện Xuân Lộc hiện trở thành khu vực chăn nuôi heo lớn nhất tỉnh khi trên địa bàn huyện có khoảng 155 trang trại nuôi heo và tổng đàn trên 340 ngàn con (trong đó có 94 trang trại do tỉnh cấp phép và 61 trang trại do huyện cấp phép). Số trang trại chăn nuôi heo tăng nhanh kéo theo nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất lớn.
* Kỷ lục về phạt ô nhiễm
Từ đầu năm 2017 đến nay, nhiều người dân thuộc các xã: Xuân Hòa, Suối Cao, Xuân Hưng, Xuân Thành... rất bức xúc vì tình trạng ô nhiễm sông suối, không khí do các trang trại nuôi heo gây ra. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, vấn đề được người dân phản ảnh nhiều là tình trạng ô nhiễm của các trang trại chăn nuôi.
Trong đợt giám sát về môi trường chăn nuôi tại 2 huyện Thống Nhất, Xuân Lộc mới đây, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Ngọc Tuấn yêu cầu các sở, ngành, huyện xem xét lại việc cấp phép đầu tư những dự án chăn nuôi lớn sẽ đem lại những lợi ích gì cho tỉnh, địa phương. Nếu lợi ích quá nhỏ, nguy cơ ô nhiễm, đường sá xuống cấp quá lớn thì hạn chế cấp phép đầu tư để bảo vệ môi trường. |
Các xã đã phối hợp với huyện, tỉnh kiểm tra các trang trại chăn nuôi, phát hiện nhiều trại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. UBND tỉnh và huyện đã ra quyết định xử phạt hành chính 19 trang trại với tổng số tiền gần 4,2 tỷ đồng. Trong đó, có 3 trang trại bị phạt mức cao nhất từ trước đến nay là: trang trại của Công ty TNHH Mai Phúc Xuân Lộc (ở xã Xuân Hưng) bị phạt 775 triệu đồng và đình chỉ hoạt động trong 4,5 tháng để hoàn thành hệ thống xử lý chất thải đạt chuẩn; trang trại của Công ty TNHH Hoàng Kim Thanh - Xuân Thành 5 và trang trại của Công ty TNHH Sa Hoàng (ở xã Xuân Thành) mỗi trang trại bị phạt 740 triệu đồng và buộc ngưng hoạt động trong 3 tháng để khắc phục ô nhiễm.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường nhận xét: “Xuân Lộc là địa bàn đầu tiên của tỉnh có mức phạt về chăn nuôi gây ô nhiễm cao nhất từ trước đến nay. Ngoài xử phạt hành chính, địa phương còn buộc các trang trại ngưng hoạt động để xử lý nên tình trạng ô nhiễm cũng giảm bớt”.
Xã Xuân Thành là nơi thu hút nhiều nhất với 19 công ty về đầu tư trang trại nuôi heo với quy mô 2,4-10 ngàn con heo. Ông Điểu Thanh, ấp Gia Hòa, xã Xuân Thành cho hay: “Trước đây, không khí vùng này rất trong lành, nước ở các suối có thể dùng sinh hoạt, tưới cây. Nhưng từ khi có mấy doanh nghiệp về đầu tư nuôi heo, nguồn nước các suối bị ô nhiễm, mùi hôi phát tán rất khó chịu”.
* Sẽ hạn chế dự án chăn nuôi
Xuân Lộc là huyện đầu tiên trong cả nước hoàn thành xây dựng nông thôn mới và huyện cũng đang được chọn là địa phương thí điểm để thực hiện nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước. Môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, nếu không giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm do chăn nuôi thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình này.
Các trang trại heo xây dựng gần suối có nguy cơ gây ô nhiễm nước mặt rất cao. Trong ảnh: Một con suối ở xã Xuân Trường có nguy cơ bị ô nhiễm từ các trang trại chăn nuôi nằm gần kề. |
Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên cho biết: “Từ năm 2017, huyện đã từ chối nhiều dự án chăn nuôi lớn và đề nghị UBND tỉnh cho thu hẹp 3 ngàn hécta của vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi để bảo vệ môi trường. Các công ty đầu tư trại nuôi heo trên địa bàn huyện chưa quan tâm đến môi trường nên việc khắc phục ô nhiễm rất chậm khiến người dân bức xúc”.
Người dân huyện Xuân lộc lo ngại, nếu công tác quản lý, giám sát các trang trại chăn nuôi không tốt ngoài ô nhiễm môi trường không khí còn gây ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm. Với các dự án chăn nuôi lớn do tỉnh cấp phép đầu tư tại huyện, người dân địa phương, xã, huyện không được hưởng lợi ích gì, nhưng lại phải chịu nỗi lo về ô nhiễm, đường sá xuống cấp do các trang trại thường xuyên vận chuyển heo, vật dụng, thức ăn chăn nuôi với tải trọng lớn.
Ông Lê Sanh, Chủ tịch UBND xã Suối Cao cho hay: “Trên địa bàn xã có 14 trang trại lớn do các công ty đầu tư. Xe ra vào các trại thường xuyên khiến nhiều con đường của xã xuống cấp nhanh, song các doanh nghiệp ít chịu đóng góp để sửa chữa, nâng cấp. Vì vậy, xã rất ngán những dự án chăn nuôi lớn được tỉnh cấp phép đầu tư”. Tương tự, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Trường Nguyễn Thành Nam cho rằng, các trang trại chăn nuôi do tỉnh cấp phép về xã ít mang ích lợi cho người dân địa phương, trong khi lại luôn phải lo lắng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Các doanh nghiệp được tỉnh cấp phép xây dựng trang trại chăn nuôi tại huyện Xuân Lộc hầu hết theo hình thức xây dựng xong trang trại rồi cho các công ty nước ngoài thuê lại để chăn nuôi. Để xây dựng hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi đạt chuẩn với quy mô trên 1 ngàn con heo trở lên, chủ đầu tư phải bỏ ra trên 3 tỷ đồng. Như vậy, với những trang trại lớn trên 10 ngàn con, doanh nghiệp phải bỏ ra cả chục tỷ đồng để làm hệ thống xử lý chất thải là việc không dễ. Tuy nhiên, vẫn cần có những biện pháp xử lý với chế tài mạnh hơn để tránh gây nguy hại cho môi trường.
Hương Giang