Dù bị liệt nửa người nhưng ông Hoàng Văn Tuyến (ngụ xã Phú Lâm, huyện Tân Phú) đã vươn lên thực hiện ước mơ khởi nghiệp và kết nối cộng đồng người khuyết tật thông qua Xưởng sản xuất đèn thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng.
Dù bị liệt nửa người nhưng ông Hoàng Văn Tuyến (ngụ xã Phú Lâm, huyện Tân Phú) đã vươn lên thực hiện ước mơ khởi nghiệp và kết nối cộng đồng người khuyết tật thông qua Xưởng sản xuất đèn thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng.
Ông Hoàng Văn Tuyến (ngụ xã Phú Lâm, huyện Tân Phú) giới thiệu sản phẩm đèn ngủ gỗ khắc laser của Xưởng thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng. |
Ông Tuyến là con út trong một gia đình nông dân đông con. Ông từng học chuyên ngành công nghệ thông tin của Trường đại học Đà Lạt (Lâm Đồng). Tuy nhiên, khi bước vào năm thứ 3 đại học, ông Tuyến bắt đầu yếu dần vì căn bệnh nứt đốt sống cổ. Dù đã phẫu thuật nhưng ông Tuyến vẫn bị liệt nửa người nên thường phải ngồi xe lăn và đi lại rất hạn chế. Hơn nữa, gia đình ông Tuyến cũng nhiều khó khăn buộc ông phải bỏ ngang việc học.
Không đầu hàng trước số phận, ông Tuyến tiếp tục tìm tòi thiết kế website, quản lý dữ liệu trên internet... Không gian mạng vừa là nơi để ông mưu sinh vừa là nơi giúp ông tìm thấy sự đồng điệu với những người cùng cảnh ngộ. Từ đó, ông sáng lập diễn đàn “Trái tim hồng” với tên miền 18thang4.com (Ngày Người khuyết tật Việt Nam) để kết nối với những người khuyết tật trên khắp mọi miền đất nước.
“Đến nay, diễn đàn đã có hơn 5 ngàn thành viên và thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, chia sẻ những điều tốt đẹp, động viên nhau vươn lên trong cuộc sống” - ông Tuyến chia sẻ.
Năm 2015, khi biết thông tin Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai có chương trình tài trợ vốn cho những ý tưởng khởi nghiệp, ông Tuyến đã mạnh dạn viết đề án tham gia. Dự án Xưởng thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng của ông là một trong 2 dự án xuất sắc được lựa chọn.
Sau đó, dự án được hỗ trợ vay vốn 100 triệu đồng từ Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai. “Một phần số tiền đó tôi dùng mua máy khắc laser để cắt gỗ, tạo hình và trang trí cho sản phẩm đèn ngủ, phần còn lại tôi mua nguyên liệu sản xuất. Các sản phẩm đều do tôi tự mày mò, thiết kế. Công đoạn sản xuất, lắp ráp do những người quen của tôi đảm nhiệm” - ông Tuyến chia sẻ.
Với mỗi chiếc đèn, khách hàng có thể yêu cầu viết tên riêng của mình hoặc người thân, hình ảnh ngộ nghĩnh. Ngoài ra, khách hàng có thể gửi yêu cầu đến nhóm để chế tạo những sản phẩm theo xu hướng độc, lạ và mang phong cách riêng.
Sản phẩm được phân phối qua mạng xã hội do các thành viên là người khuyết tật làm cộng tác viên giới thiệu. Sau gần 1 năm, xưởng của ông đã trả xong phần vay vốn ban đầu. Đến nay, Xưởng thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng tiếp tục phát triển và lan tỏa những thông điệp yêu thương dành cho cộng đồng người khuyết tật.
Ông Tuyến cho biết: “Sắp tới, nếu sức khỏe cho phép, tôi dự định sẽ đa dạng mẫu mã sản phẩm như: sản xuất các loại tranh, đèn in hình 3D, áo thun...”.
Hoàng Hải