Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngày Môi trường thế giới 5-6: Giảm ô nhiễm nhựa và ny-lông

08:06, 05/06/2018

Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2018 là giải quyết ô nhiễm nhựa và ny-lông, mục tiêu nhằm kêu gọi cộng đồng cùng thay đổi thói quen hay dùng nhựa, ny-lông để giảm ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe cho mọi người.

Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2018 là giải quyết ô nhiễm nhựa và ny-lông, mục tiêu nhằm kêu gọi cộng đồng cùng thay đổi thói quen hay dùng nhựa, ny-lông để giảm ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe cho mọi người.

Vài trăm năm sau lượng túi ny-lông chôn lấp mới tự tiêu hủy được. Trong ảnh: Bãi trung chuyển rác ở huyện Thống Nhất.
Vài trăm năm sau lượng túi ny-lông chôn lấp mới tự tiêu hủy được. Trong ảnh: Bãi trung chuyển rác ở huyện Thống Nhất.

Để hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5-6-2018, Bộ Tài nguyên - môi trường đã có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị tham gia Tháng Hành động vì môi trường. Trong đó, yêu cầu các tỉnh, thành có những giải pháp hữu hiệu để quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa vào tự nhiên.

* Ô nhiễm nặng nề

Theo công bố của Liên hợp quốc, mỗi năm lượng nhựa  thải ra môi trường đủ trải quanh trái đất 4 lần, có khoảng 500 tỷ túi nhựa được sử dụng nhưng phần lớn không được xử lý. Ước tính, với khối lượng sử dụng nhựa như hiện nay thì từ nay đến năm 2050 sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất. Hàng năm, con người đổ ra biển khoảng 13 triệu tấn chất thải nhựa. Chất thải nhựa có thể tồn tại vài trăm năm trước khi bị tiêu hủy hoàn toàn.


Theo Tổng cục Môi trường, trung bình mỗi ngày 1 gia đình ở nước ta sử dụng 5-6 túi ny-lông. Như vậy riêng lượng túi ny-lông các hộ gia đình ở Đồng Nai thải ra mỗi ngày đã lên đến khoảng 4 triệu túi.

Tại Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng, việc sử dụng các sản phẩm từ nhựa, túi ny-lông rất nhiều. Đặc biệt trong mua sắm, phần lớn người tiêu dùng có thói quen sử dụng nhiều túi ny-lông và các vật dụng làm từ nhựa vì tiện lợi, rẻ.

Anh Hoàng Văn K., nhân viên một quán cà phê trên đường Huỳnh Văn Nghệ ở phường Bửu Long (TP.Biên Hòa), cho biết: “Quán có nhiều bạn trẻ mua cà phê, trà sữa mang theo nên chủ yếu đựng bằng ly nhựa loại sử dụng 1 lần. Có những ngày đông khách quán sử dụng đến 400-500 ly nhựa kèm túi ny-lông”.

Những ly nhựa, túi ny-lông, ống hút trên đều dùng 1 lần rồi bỏ. Khi mua sắm người dân sử dụng túi ny-lông một cách vô tội vạ. Dạo qua các chợ sẽ dễ dàng thấy lượng túi ny-lông các bà, các cô tiêu thụ nhiều mức nào, người ít 3-4 túi, người nhiều 9-10 túi.

Bà Nguyễn Thị Hòa (ngụ xã An Phước, huyện Long Thành) nói: “Đi chợ mua mỗi món đồ nhỏ người bán cũng đựng vào 1 túi ny-lông. Còn mua thịt, thủy sản họ còn lồng 2-3 túi. Vì thế mỗi lần đi chợ, tôi ít nhất cũng mang về 4-5 chiếc túi ny-lông”.

* Thay đổi thói quen

Để giải quyết ô nhiễm nhựa và ny-lông phải bắt đầu từ thay đổi thói quen hàng ngày của mỗi người dân. Việc thay đổi thói quen không dễ, song nếu cộng đồng cùng có ý thức thì sẽ làm được. Hiện ở nhiều siêu thị, trung tâm mua sắm trên địa bàn tỉnh đã sử dụng loại túi thân thiện với môi trường, có thể tự phân hủy. Nhưng vì loại túi thân thiện với môi trường mắc hơn nên các chợ truyền thống, cửa hàng, đại lý bên ngoài vẫn sử dụng túi ny-lông.

Ông Trần Anh Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi, cho hay: “Trong rác sinh hoạt đưa về Khu xử lý Quang Trung ở huyện Thống Nhất có khoảng 4-6% là nhựa và ny-lông. Khoảng 50% lượng nhựa và ny-lông có thể tái chế, còn lại không tái chế được”. Ông Dũng còn cho biết thêm nhựa và túi ny-lông không tái chế được thì trước đây xử lý theo dạng chôn lấp nhưng hiện được công ty giữ lại gần hết để tới đây dùng phối trộn với mùn cưa làm viên nén chất đốt. Tuy nhiên, hiện nhiều khu xử lý rác sinh hoạt vẫn chủ yếu là chôn lấp, điều này đồng nghĩa với việc rất nhiều chất thải từ nhựa khó phân hủy vẫn đang được chôn lấp.

Ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, cho biết: “Đến nay tỉnh mới có 2 dự án xử lý rác chôn lấp dưới 15% là dự án của Công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi tại Khu xử lý rác Quang Trung (huyện Thống Nhất) và dự án của Công ty TNHH thương mại xây dựng Đa Lộc ở Khu xử lý Túc Trưng (huyện Định Quán). Hiện lượng rác sinh hoạt phải chôn lấp vẫn chiếm 70%”.

Làm bài tính đơn giản thì rác sinh hoạt thải ra môi trường hơn 1,6 ngàn tấn/ngày, trong đó khoảng 60-90 tấn chất thải nhựa, ny-lông. Lượng thu gom tái chế khoảng một nửa, vậy vẫn còn khoảng 30-45 tấn nhựa/ngày đang thải ra môi trường hoặc xử lý bằng cách chôn lấp.

Nhân Tháng Hành động vì môi trường, Đồng Nai sẽ có những chương trình tuyên truyền, vận động người dân với chủ đề giải quyết ô nhiễm nhựa và ny-lông để kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi thói quen, ít dùng chất thải nhựa, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế dần và tiến đến loại bỏ túi ny-lông.

Hương Giang

Tin xem nhiều