Những năm trước, phường Tân Mai (TP.Biên Hòa) là nơi nổi tiếng trong nghề làm bánh gai với gần 10 cơ sở. Nhưng hiện nay nghề này đã mai một, chỉ còn 2 cơ sở giữ được nghề. Trong đó, bà Nguyễn Thị Lam (ở KP.4, phường Tân Mai) là người còn giữ được nghề này qua 3 thế hệ.
Những năm trước, phường Tân Mai (TP.Biên Hòa) là nơi nổi tiếng trong nghề làm bánh gai với gần 10 cơ sở. Nhưng hiện nay nghề này đã mai một, chỉ còn 2 cơ sở giữ được nghề. Trong đó, bà Nguyễn Thị Lam (ở KP.4, phường Tân Mai) là người còn giữ được nghề này qua 3 thế hệ.
Bà Nguyễn Thị Lam (ở phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) đã có gần 30 năm làm bánh gai. |
Theo lời bà Lam, năm 1954 bà nội của bà từ Hải Dương vào Biên Hòa lập nghiệp đã mang theo nghề làm bánh gai. Khoảng 5-7 năm trở về trước, bánh gai được thị trường rất ưa chuộng và nhân công còn dễ thuê nên mỗi ngày gia đình bà làm 200-300 chiếc. Nhưng sau này, nghề này vất vả, thu nhập lại không cao nên nhiều lao động bỏ nghề đi kiếm việc làm khác, các cơ sở dần thu hẹp. Tại nhiều cơ sở, những người trẻ trong gia đình không muốn kế nghiệp nên đã bỏ nghề. Bà Lam là một trong số người hiếm hoi còn kiên trì giữ lại nghề này. Để làm được 1 chiếc bánh gai phải trải qua hơn 10 công đoạn khác nhau và mất 1 ngày chiếc bánh mới ra lò.
Bánh gai được làm từ 3 loại nguyên liệu chính là lá gai, bột nếp và đậu xanh. Ngoài ra còn một số nguyên liệu khác đi kèm như mứt bí, đường... Để có những mẻ bánh gai ngon, bà Lam phải mất 15-16 tiếng ninh lá gai cho nhừ rồi xay nhuyễn. Bột gạo nếp phải chọn nếp thơm ngon và tự xay để đảm bảo chất lượng. Bột nếp, bột lá bánh gai trộn đều, nặn thành bánh, thêm đậu xanh đã nấu chín làm nhân và gói vào lá chuối khô, đưa lên lò hấp từ 3-3,5 tiếng mới xong. Vì thế, muốn làm bánh gai cần phải thức khuya, dậy sớm.
Bà Lam chia sẻ: “Những năm gần đây, nguyên liệu là lá bánh gai, giá thuê lao động cao, nên trừ chi phí người làm bánh gai chỉ kiếm được 150 ngàn đồng/ngày, do đó nhiều cơ sở ở Tân Mai này đã bỏ nghề”. Bà Lam còn giữ nghề là vì đã gắn bó từ trẻ và cũng đã trải qua những thăng trầm của nghề. Có những khách hàng mua bánh của gia đình bà suốt vài chục năm liền và khi định cư ở nước ngoài, mỗi lần có dịp về Việt Nam đều ghé cơ sở của bà mua vài chục bánh mang theo làm quà. Vài năm gần đây, bánh gai được làm bằng máy móc nhiều hơn để bớt công lao động, nhưng chất lượng không ngon bằng làm thủ công. Do đó, những người thích loại bánh này vẫn tìm đến những cơ sở làm thủ công để mua bánh. Đây cũng chính là điều khích lệ bà Lam tiếp tục giữ nghề.
Uyển Nhi