Năm 2017, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản của Việt Nam lập kỷ lục mới với tổng giá trị xuất khẩu trên 36 tỷ USD.
[links()]Năm 2017, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản của Việt Nam lập kỷ lục mới với tổng giá trị xuất khẩu trên 36 tỷ USD.
Trái xoài xuất khẩu gặp khó khăn vì Trung Quốc bắt đầu thực hiện truy xuất nguồn gốc trái cây. Trong ảnh: Thương lái đóng xoài xuất khẩu tại xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu). |
Bên cạnh những tín hiệu vui trên là hàng loạt sản phẩm nông nghiệp đang dần yếu thế cạnh tranh trên chính sân nhà và lo mất cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu. Vấn đề đặt ra hiện nay là thách thức hội nhập ngày càng lớn trong khi nông dân Việt Nam chậm thay đổi tư duy cũ trong sản xuất.
* Áp lực “sân chơi” nội
Niên vụ mía 2017-2018 vừa kết thúc trong cơn bĩ cực của cả nông dân và doanh nghiệp ngành mía đường. Vì từ tháng 1-2018, đường là mặt hàng nhập khẩu không cần hạn ngạch và mức thuế suất cũng giảm về 0%. Theo đó, giá đường nhập khẩu bán lẻ ngoài thị trường hiện đang rẻ hơn giá thành sản xuất đường của các doanh nghiệp trong nước. Các nhà máy đường làm ra sản phẩm không tiêu thụ được đành chất đống trong kho. Và cái khó lại bị đẩy về phía nông dân vì giá mía trong niên vụ này ở mức thấp nhất trong vài năm trở lại đây. Nông dân còn thiệt hại kép vì mía bị nhà máy đường thu hoạch trễ, giảm cả về chữ đường và năng suất. Ngay cả những vùng có truyền thống trồng mía lâu đời hoặc vùng nguyên liệu mía của các nhà máy chế biến như: Định Quán, Vĩnh Cửu, Trảng Bom... nông dân đều đang bỏ dần cây mía.
Sau hàng loạt các hiệp định thương mại với EU, Mỹ, Hàn Quốc, Úc, các nước ASEAN...được ký kết, nhiều thị trường khó tính đang rộng cửa hơn trong nhập khẩu trái cây Việt Nam. Nhưng đồng thời, các loại rau quả nhập khẩu từ các nước trên cũng tràn vào thị trường nội địa, ngày càng thu hút người mua vì có giá bán mềm hơn do nhiều dòng thuế được miễn, giảm khi các hiệp định thương mại có hiệu lực. |
Ông Nguyễn Văn Hòa, nông dân có hơn 30 năm trồng mía tại xã Phú Ngọc (huyện Định Quán) cho biết: “Vụ thu hoạch năm nay nông dân nào cũng lỗ vốn vì cây mía. Tuy chúng tôi đang canh tác trên vùng nguyên liệu mía rộng hàng ngàn hécta nhưng vẫn sản xuất bằng thủ công từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch nên kém sức cạnh tranh. Chúng tôi rất mong được doanh nghiệp và chính quyền địa phương tạo điều kiện để chuyển đổi sang cây trồng khác hiệu quả hơn”.
Trong ngành chăn nuôi, thịt nhập khẩu giá rẻ cũng đang lấn át sản phẩm trong nước. Từ năm 2017 đến nay, thị trường thịt heo, thịt gà trong nước gặp khủng hoảng thừa nhưng các loại thịt nhập khẩu vẫn ồ ạt tràn về.
Theo thông tin từ Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn), năm 2017 Việt Nam chi trên 520 triệu USD để nhập khẩu các loại thịt. Chỉ riêng quý I-2018, lượng trâu bò sống nhập khẩu và tiêu thụ trong nước là 45 ngàn con, thịt trâu bò các loại là 1 ngàn tấn, thịt heo 1 ngàn tấn và thịt gà trên 31 ngàn tấn. Trong khi đó, xuất khẩu thịt hầu như chưa có thị trường ngoài một sản lượng nhỏ thịt và trứng gia cầm được xuất đi. Số liệu so sánh giữa xuất khẩu và nhập khẩu nông sản cho thấy Việt Nam đang trở thành thị trường lớn tiêu thụ thịt, rau, trái của các nước.
* Thách thức xuất khẩu
Năm 2017, các mặt hàng nông sản đạt giá trị xuất khẩu gần 19 tỷ USD. Riêng mặt hàng rau quả đứng đầu về mức tăng trưởng với giá trị xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD, tăng gần 50% so với năm trước đó. Nhưng ông Nguyễn Hữu Đạt, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng xuất khẩu rau quả chưa xứng với tiềm năng. “Tuy rau quả được xếp vào nhóm xuất khẩu tỷ USD nhưng giá trị xuất khẩu mới chỉ chiếm chưa đến 1% thị phần nhập khẩu rau quả thế giới. Rủi ro không nhỏ hiện nay là thị trường Trung Quốc đang chiếm gần 80% tổng giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam” - ông Đạt nói.
Trong khi đó, nông dân vẫn rất lúng túng khi tiếp cận với thị trường xuất khẩu. Qua nhiều chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh, Hợp tác xã xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc) đã tiếp rất nhiều đoàn doanh nghiệp trong và ngoài nước bàn chuyện xuất khẩu trái xoài. Thậm chí, kỹ sư nông nghiệp của Nhật Bản còn về tận vườn hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng xoài đạt chuẩn xuất khẩu vào thị trường khó tính này. Song theo ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc Hợp tác xã xoài Suối Lớn: “Đến nay, đơn vị vẫn chưa có đơn hàng xuất khẩu vì vướng hồ sơ, thủ tục, nhất là chưa đáp ứng được yêu cầu cả về sản lượng và chất lượng”.
Một rào cản không nhỏ khác là các nước đang dần siết chặt về hàng rào kỹ thuật cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu, nhất là về các tiêu chuẩn trong kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. ThS.Nguyễn Huỳnh Tuấn Anh, chuyên gia phân tích mẫu của Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng (TP.Hồ Chí Minh), chuyên về kiểm nghiệm thực phẩm và quan trắc môi trường, nhận xét: “Nhiều thị trường lớn nhập khẩu rau quả Việt Nam như: Mỹ, Nhật Bản, EU... mỗi năm mỗi cập nhật thêm hàng loạt chất cấm mới và quy định tỷ lệ tồn dư của nhiều chất cấm cũng ngày càng hạ thấp. Nhiều hoạt chất thế giới đã cấm nhưng Việt Nam vẫn sử dụng tràn lan cũng là nguyên nhân khiến nông sản của ta không đạt chuẩn xuất khẩu”.
Tại triển lãm quốc tế lần thứ 7 về chăn nuôi, thú y, ngành sữa, chế biến thịt và nuôi trồng thủy sản (ILDEX Vietnam) 2018 vừa diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh, TS.Michel Guillaume, Giám đốc kỹ thuật của Tập đoàn Olmix ở châu Á, chia sẻ về những rủi ro của ngành chăn nuôi hiện tại: “Năm 2015, trên 75 triệu tấn kháng sinh đã được sử dụng trong ngành nông nghiệp. 60% số kháng sinh này đã được sử dụng trong thức ăn cho heo. Chúng ta đang ở trong tình trạng rất khẩn cấp nếu không quản lý chặt chẽ việc sử dụng kháng sinh. Vì điều này có thể dẫn đến cái chết của hơn 10 triệu người vào năm 2050”. |
* Không còn thị trường dễ tính
Gần đây, giá sầu riêng và giá xoài giảm mạnh do việc xuất khẩu đi Trung Quốc chậm hơn so với mọi năm. Theo một số thương lái, hoạt động xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc không còn dễ dàng như trước vì thị trường vốn cho là dễ tính này cũng bắt đầu xây dựng các hàng rào kỹ thuật chặt chẽ cho hàng nông sản nhập khẩu. Rõ nhất là từ ngày 1-4-2018, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) bắt đầu triển khai truy xuất nguồn gốc đối với trái cây xuất khẩu từ Việt Nam.
Không chỉ thị trường xuất khẩu mà chính người tiêu dùng trong nước cũng ngày càng đòi hỏi cao hơn về an toàn thực phẩm. TS.Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, cảnh báo trong những năm gần đây, ngộ độc thực phẩm ngày càng gia tăng do việc sử dụng bừa bãi các loại thuốc sâu trong sản xuất nông nghiệp. Nông dân vẫn giữ lối suy nghĩ trồng rau mà không tưới đẫm phân, đẫm thuốc thì sâu bọ phá hết, lấy đâu ra đồng lời. Và họ sẵn sàng phun thuốc lên luống rau ngay trước khi đem bán. “Chính vì nghĩ như vậy nên chúng ta thua ngay trên sân nhà bởi người tiêu dùng đang bỏ tiền mua gạo, thịt, trái cây nhập khẩu vì không tin tưởng chất lượng nông sản trong nước. Mặt khác, phun thuốc không đúng đối tượng, đúng thời điểm sẽ làm chi phí phân, thuốc tăng gấp đôi so với dùng đúng cách. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá nông sản của nước ta còn cao, giảm sức cạnh tranh trên thị trường” - TS.Nghĩa khẳng định.
Cùng quan điểm, ông Phan Văn Danh, Phó chủ nhiệm Hội Doanh nhân Việt kiều Úc, người đã đầu tư trang trại sản xuất heo giống tại huyện Xuân Lộc với mong muốn đóng góp cho ngành chăn nuôi trong nước, chia sẻ: “Trung Quốc không còn nhập heo Việt Nam mà cơ hội xuất khẩu sang các nước khác càng khó vì sự kiểm duyệt dịch bệnh rất khắt khe. Câu chuyện hội nhập với ngành chăn nuôi không ở đâu xa mà bắt đầu ngay trên sân nhà. Đó là việc giữ được lòng tin, sự ủng hộ của chính người tiêu dùng nội địa bằng cách sản xuất an toàn, không còn lạm dụng kháng sinh, chất cấm”.
Bình Nguyên - Kim Ngân
Bài 3: Thay đổi hay là “chết”?