Bánh tráng Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) không chỉ nổi danh ở Đồng Nai mà nhiều người sành ăn ở các tỉnh, thành lân cận cũng biết tiếng. Trước đây, khi nhắc đến những đặc sản của Đồng Nai sẽ không thể thiếu được bánh tráng Thạnh Phú.
Bánh tráng Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) không chỉ nổi danh ở Đồng Nai mà nhiều người sành ăn ở các tỉnh, thành lân cận cũng biết tiếng. Trước đây, khi nhắc đến những đặc sản của Đồng Nai sẽ không thể thiếu được bánh tráng Thạnh Phú.
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng kiểm tra bánh tráng để giao cho khách hàng. |
Nghề làm bánh tráng ở xã Thạnh Phú đã có cách đây hàng trăm năm. Vào thời hoàng kim, cả xã có đến hơn 40 cơ sở làm bánh tráng, nhưng nay đã mai một dần và chỉ còn lại vài cơ sở. Bà Nguyễn Thị Thu Hồng ở ấp 3, xã Thạnh Phú là một trong số ít người dân nơi đây còn giữ được nghề làm bánh tráng truyền thống.
Bà Hồng kể, bà theo bà và mẹ tập làm bánh tráng từ năm 8-9 tuổi rồi lớn lên cũng theo nghề, tính đến nay đã hơn 35 năm. Nghề này phải thức khuya, dậy sớm, đội nắng chang chang giữa trưa để phơi bánh, lật bánh và thu bánh nên lớp trẻ ở Thạnh Phú gần như chẳng còn ai theo nghề. “Làm bánh tráng tuy công sức bỏ ra khá nhiều nhưng ngày nào thời tiết thuận lợi cũng chỉ kiếm được hơn 100 ngàn đồng. Hôm nào trời bất ngờ đổ mưa, bánh phơi không đủ nắng hoặc thu không kịp bị mưa ướt khiến bánh sượng, bị khách chê, ngày đó coi như làm không công” - bà Hồng chia sẻ. Do đó, lớp thanh niên sau này thường chọn đi làm tại các công ty có thu nhập cao và ổn định hơn. Nghề làm bánh tráng ở Thạnh Phú mai một dần.
Trong 4-5 cơ sở còn giữ lại nghề làm bánh tráng ở Thạnh Phú, có hơn một nửa đã đưa máy móc vào làm thay nhiều công đoạn để tăng năng suất. Tuy nhiên, bánh tráng làm bằng máy ít giữ được độ dẻo, thơm ngon như bánh làm thủ công nên người tiêu dùng tại Đồng Nai vẫn hoài niệm và muốn thưởng thức bánh tráng làm bằng phương pháp truyền thống. Nhiều đại lý sẵn sàng trả giá cao hơn so với bánh tráng làm bằng máy để mua được bánh tráng làm thủ công đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Số lượng bánh tráng làm thủ công có hạn nên nguồn cung thường không đủ cầu. Dù đầu ra đắt hàng, nhưng nhiều cơ sở vẫn bỏ nghề vì thu nhập không cao lại vất vả. Vì thế, bà Hồng là một trong số ít người còn giữ được nghề truyền thống nổi tiếng của Đồng Nai đang dần mai một.
Khánh Minh