Báo Đồng Nai điện tử
En

Đầu tư du lịch ì ạch

08:04, 21/04/2018

Du lịch là lĩnh vực được tỉnh rất quan tâm trong xúc tiến mời gọi đầu tư và quảng bá. Dù có tiềm năng nhưng du lịch Đồng Nai vẫn chưa tạo ra được bước đột phá và các dự án du lịch thường ì ạch kéo dài.

Du lịch là lĩnh vực được tỉnh rất quan tâm trong xúc tiến mời gọi đầu tư và quảng bá. Dù có tiềm năng nhưng du lịch Đồng Nai vẫn chưa tạo ra được bước đột phá và các dự án du lịch thường ì ạch kéo dài.

Thu hút đầu tư du lịch vào hồ Đa Tôn (huyện Tân Phú) đã có nhà đầu tư nhưng vướng quy hoạch đất.
Thu hút đầu tư du lịch vào hồ Đa Tôn (huyện Tân Phú) đã có nhà đầu tư nhưng vướng quy hoạch đất.

Theo Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, Đồng Nai có rừng tự nhiên, sông, hồ, thác khá đẹp rất phù hợp cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

* Nhiều dự án lớn

Dự án du lịch đường sông, hồ Trị An, thác Mai, hồ Đa Tôn, Sơn Tiên, safari... đều là những dự án lớn, nếu sớm hoàn thành đi vào khai thác có thể mang lại những đột phá trong phát triển du lịch của Đồng Nai. Nhiều công ty lữ hành, khách du lịch cũng mong muốn những dự án sớm xây dựng xong để có thêm những điểm đến hấp dẫn. Doanh nghiệp muốn bỏ vốn đầu tư nhưng lại vướng vào các thủ tục nên dự án kéo dài.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái, đầu tư vào du lịch của Đồng Nai còn chậm là do việc giải quyết các hồ sơ, thủ tục kéo dài. Thời gian tới, các sở, ngành cần kịp thời gỡ khó để doanh nghiệp có thể triển khai nhanh dự án, sớm đi vào khai thác; trong đó ưu tiên thực hiện hạ tầng để mời gọi đầu tư vào du lịch những nơi có tiềm năng.

TS.Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, cho hay: “Dự án safari tại khu bảo tồn đã có chủ đầu tư nhưng hiện mới đang trong giai đoạn lấy ý kiến các sở, ngành về việc thực hiện các dự án. Nếu các thủ tục hành chính trên được thực hiện nhanh, doanh nghiệp sẽ được giao đất sớm để triển khai dự án”. Cũng theo ông Mùi, rất nhiều du khách háo hức với việc Đồng Nai sẽ có khu safari để tham quan. Với vị thế gần TP.Hồ Chí Minh và là cửa ngõ về giao thông của khu vực phía Nam thì dự án khu safari tại Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai hứa hẹn thu hút rất đông khách đến tham quan.

Bà Lộ Thị Hiền, Giám đốc Công ty TNHH khu du lịch sinh thái Vườn Xoài (TP.Biên Hòa) là nhà đầu tư khu safari tại huyện Vĩnh Cửu, chia sẻ: “Công ty đã chuẩn bị sẵn vốn, các loại thú quý hiếm nên chỉ còn đợi tỉnh chấp thuận và giao đất để thực hiện”. Như vậy, dự án nhanh hay chậm chỉ còn lệ thuộc vào việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến quy hoạch đất đai và những quy hoạch khác. Đây là khâu mất rất nhiều thời gian trong thực hiện dự án du lịch cũng như các dự án khác.

Ông Trần Bá Đạt, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú, cho rằng trước đây huyện mất rất nhiều năm mời gọi đầu tư du lịch vào hồ Đa Tôn, song các doanh nghiệp đến xem thực tế rồi đều ngần ngại vì chưa có đường giao thông. Gần đây, khi đường giao thông được làm đã có doanh nghiệp đồng ý đầu tư dự án lớn và diện tích để thực hiện dự án không chỉ 380 hécta mặt hồ mà mở rộng ra gần 700 hécta. Muốn mở rộng đầu tư, doanh nghiệp buộc phải đợi bổ sung quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch này phải đợi khá lâu. “Phải có quy hoạch sử dụng đất thì doanh nghiệp mới có thể triển khai những bước tiếp theo. Nhưng quy hoạch trên phải đợi có đợt, không thể làm nhanh” - ông Đạt nói.

* Không kịp tiến độ

Đầu năm 2017, nhiều người dân mê phong cảnh thiên nhiên của sông nước chờ đợi đến dịp lễ 30-4-2017 khánh thành và đi vào khai thác tuyến du lịch đường sông Đồng Nai từ TP.Biên Hòa lên thượng nguồn thuộc khu vực xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu). Một số công ty du lịch TP.Hồ Chí Minh đã ngỏ ý muốn kết nối tạo thành tour du lịch đường sông từ TP.Hồ Chí Minh về Đồng Nai. Tuy nhiên, do vướng vào thủ tục đất đai nên đến nay tuyến du lịch này vẫn chưa đi vào khai thác được.

- Tuyến du lịch đường sông sẽ dừng chân gần chợ Biên Hòa dự kiến đi vào khai thác cách đây gần 1 năm nhưng hiện vẫn chưa khai thác được.
Tuyến du lịch đường sông sẽ dừng chân gần chợ Biên Hòa dự kiến đi vào khai thác cách đây gần 1 năm nhưng hiện vẫn chưa khai thác được.

Ông Lê Kim Bằng, Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, nhận định: “Tuyến du lịch đường sông chậm, chưa đi vào khai thác được là do vẫn còn vướng về thủ tục đất đai ở một số trạm dừng chân. Chủ đầu tư chuẩn bị sẵn tàu cả hơn 1 năm nay nhưng chưa biết đến khi nào mới đi vào khai thác được”.

Tiếp đến là Khu du lịch Sơn Tiên (TP.Biên Hòa) dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2016, nhưng đến nay vẫn còn ngổn ngang khó có thể đi vào khai thác trong năm nay. Nguyên nhân chính khiến dự án “lỡ hẹn” dài ngày là vì công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và các thủ tục hành chính liên quan khác. Đây là khu du lịch hứa hẹn sẽ tạo ra đột phá mới cho du lịch Đồng Nai nếu đi vào khai thác. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Thành phố du lịch sinh thái Sơn Tiên, cho biết: “Vì vướng vấn đề giải phóng mặt bằng mà dự án bị chậm lại rất lâu, không thể đi vào khai thác theo đúng tiến độ đề ra. Dự án bị kéo dài, nhà đầu tư phải chịu rất nhiều thiệt thòi.

Ông Nguyễn Anh Quốc, Giám đốc Công ty TNHH du lịch thương mại dịch vụ Kỳ Nghỉ Việt (TP.Biên Hòa), cho rằng các khu du lịch ở Đồng Nai muốn thu hút khách đến tham quan đông và sẵn sàng móc hầu bao thì nên đầu tư các nhà hàng với những món ăn ngon đặc sắc, có những dịch vụ vui chơi giải trí hấp dẫn, có khu nghỉ dưỡng qua đêm để giữ chân khách ở lại. Theo ông Quốc, khách đến các điểm du lịch của Đồng Nai hiện chỉ có mất tiền xe, ăn trưa rồi về nên dù khách đến đông nhưng doanh thu vẫn thấp.

Khánh Minh

Tin xem nhiều