Trong khi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được hoàn tất thủ tục để xây dựng, thì một vấn đề khác cũng không kém phần quan trọng đó là quy hoạch Long Thành thành một thành phố sân bay...
Trong khi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được hoàn tất thủ tục để triển khai xây dựng, thì một vấn đề khác cũng được các chuyên gia ngành hàng không chú ý không kém đó là quy hoạch phát triển Long Thành thành một thành phố sân bay trong tương lai.
Long Thành đang được tính toán quy hoạch để phù hợp với việc phát triển vùng phụ cận Sân bay Long Thành. Trong ảnh: Một góc thị trấn Long Thành, huyện Long Thành. |
Mới đây, các chuyên gia ngành hàng không của Hà Lan đã làm việc với Chính phủ và UBND tỉnh, chia sẻ những kinh nghiệm phát triển thành phố sân bay - một mô hình mà Hà Lan khá thành công.
* Tầm nhìn 100 năm
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao (phụ trách ngoại thương) Hà Lan Marten Van den Berg chia sẻ khi tìm hiểu dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, ông thấy khá giống với Sân bay Schiphol Amsterdam (Hà Lan) về địa lý cũng như tầm ảnh hưởng kinh tế. Ông Kjell Klooster, Giám đốc Công ty tư vấn sân bay Hà Lan (NACO), đại diện nhóm hợp tác hàng không Hà Lan - Việt Nam, cho hay khái niệm thành phố sân bay nhấn mạnh đến 2 vấn đề là phát triển sân bay và vùng đất quanh sân bay.
“Thành phố sân bay Schiphol Amsterdam của Hà Lan không phải phát triển một sớm một chiều mà phải mất hơn 100 năm (xây dựng từ năm 1916) và liên tục được mở rộng. Việc quy hoạch để có quỹ đất cho sau này phát triển là điều phải được tính toán kỹ”- ông Kjell Klooster nói.
Cũng theo ông Kjell Klooster, vai trò của tỉnh trong việc định hình và xây dựng một thành phố sân bay là vô cùng quan trọng. Sân bay là trung tâm của thành phố, không chỉ luân chuyển hàng hóa mà là động lực để phát triển kinh tế. Sân bay chỉ là một phần trong bức tranh tổng thể kinh tế.
Ông Kjell Klooster cho biết ở Hà Lan cho phép trong nhà ga sân bay thiết kế rất nhiều các cửa hàng mua sắm hiện đại, ngay trước cổng sân bay cũng là những trung tâm thương mại lớn, siêu thị, khách sạn; vùng đất ngay cạnh sân bay là để phát triển dịch vụ liên quan đến hàng không, vùng phụ cận xa hơn là khách sạn, nơi nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí. Ngoài ra còn có các nhà ga tàu hỏa, các hình thức kết nối phương tiện giao thông hiện đại cũng được xây dựng để hỗ trợ phát triển.
Các chuyên gia ngành hàng không của Hà Lan cũng chỉ ra, khi xây dựng thành phố này cần tính toán đến việc biến đổi khí hậu, bởi nếu không sẽ rất khó khăn cho sau này.
* Công - tư kết hợp
Ông Kjell Klooster nói: “Khi nghiên cứu kỹ, tôi thấy tiềm năng của ngành hàng không Việt Nam vô cùng lớn. Tần suất bay ở các nước phát triển bình quân là 2 lần/hành khách/năm. Con số hiện tại của Việt Nam là 0,7 lần/hành khách/năm, như vậy còn rất tiềm năng và là điều mơ ước đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Vị trí của Việt Nam là vô cùng chiến lược cho phát triển vùng Đông Nam Á”.
Ông Kjell Klooster cũng đưa ra lời khuyên, về phía tỉnh cần chú trọng đến yếu tố thương mại hóa để có lợi nhuận tốt ở ngoài khu vực sân bay. Thành phố sân bay sẽ càng lớn thông qua việc thương mại hóa và để làm được việc này thì cần thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Chia sẻ về vấn đề này ông Jan Van Schoonhoven, Chủ tịch chương trình hợp tác công - tư của Hà Lan, cho rằng xây dựng tốt thành phố sân bay tất cả sẽ đều thu lợi, cụ thể đơn vị vận hành sân bay có được số lượng hành khách tốt; chính quyền địa phương giải quyết được công ăn việc làm cho người dân và thu thuế tốt hơn, đặc biệt là thu hút đầu tư; còn doanh nghiệp thì có cơ hội đầu tư. Ở đây, vai trò của quản lý nhà nước là làm sao kết nối những thành phần kinh tế khác nhau, vừa phải đảm bảo có kinh nghiệm về phát triển hàng không nhưng cũng cần có kinh nghiệm về phát triển kinh tế.
“Ví dụ, ở Sân bay Schiphol Amsterdam chúng tôi phát triển sân bay bằng cách thương mại hóa các dịch vụ theo hình thức đối tác công - tư thay vì chỉ đơn thuần là tập trung vận chuyển hành khách, từ đó đã tạo nên sự thành công. Kinh nghiệm này cũng được chia sẻ cho nhiều nước trên thế giới” - ông Jan Van Schoonhoven nói.
Vân Nam