Đồng Nai dù là tỉnh công nghiệp nhưng còn là mảnh đất lành của nhiều nhà đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Sự đầu tư của một số tập đoàn lớn được xem là những đầu tàu sẽ góp phần thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao của địa phương phát triển.
>>> Bài 1: Làm nông bằng smart phone
Đồng Nai dù là tỉnh công nghiệp nhưng còn là mảnh đất lành của nhiều nhà đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Sự đầu tư của một số tập đoàn lớn được xem là những đầu tàu sẽ góp phần thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao của địa phương phát triển.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư (thứ hai từ trái qua) thăm cánh đồng lớn chuối VietGAP xuất khẩu tại Công ty TNHH Globe Farm Việt Nam. |
Doanh nghiệp (DN) đã thật sự đồng hành với nông dân hình thành nên nền nông nghiệp tiên tiến ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm an toàn.
* Những đầu tàu lớn
Năm 2015, Tập đoàn Vingroup và Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây cũng là năm khởi đầu việc Tập đoàn Vingroup mở rộng đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp với thương hiệu VinEco. Công ty VinEco có số vốn điều lệ 4 ngàn tỷ đồng, triển khai các hoạt động nông nghiệp tại nhiều địa phương trên cả nước với mục tiêu cung cấp rau quả sạch cho thị trường.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai. Ảnh: B.Nguyên |
Triển khai trên quy mô lớn với sự đầu tư bài bản, VinEco có điều kiện đưa thiết bị, máy móc công nghệ nông nghiệp hiện đại và tân tiến nhất phục vụ sản xuất nhằm tối ưu hiệu quả và đảm bảo chất lượng nông sản. VinEco đã làm việc với các đối tác từ các nền nông nghiệp nổi tiếng thế giới, như: Israel, Nhật Bản, Hà Lan... để nhận tư vấn và chuyển nhượng công nghệ, kỹ thuật, giống và thiết bị nông nghiệp.
Các dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao đều quan tâm đến việc chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới đến nông dân theo chuỗi liên kết để thoát khỏi lối đầu tư manh mún, nhỏ lẻ, hình thành những vùng chuyên canh quy mô sản xuất hàng hóa lớn. |
Tại Đồng Nai, VinEco đã đầu tư trang trại ứng dụng công nghệ cao trồng rau sạch tại huyện Long Thành. Trang trại có quy mô 83,9 hécta trồng các loại rau củ quả đa dạng, thiết yếu với nhiều mô hình công nghệ hiện đại, như: công nghệ thủy canh màng mỏng NFT, công nghệ sản xuất rau mầm Micro Green; sản xuất dưa lưới, dưa lê trong nhà kính...
Khởi động từ 2 năm qua, đến nay, dự án cánh đồng lớn trồng chuối theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP xuất khẩu tại huyện Xuân Lộc hợp tác giữa Dofico và Công ty TNHH Globe Farm Việt Nam (TP.Hồ Chí Minh) mới bắt đầu thu đợt quả ngọt đầu mùa.
Dự án này ứng dụng những công nghệ, kỹ thuật mới từ khâu sản xuất giống chuối cấy mô đến quy trình trồng, thu hoạch và đầu tư hẳn xưởng sơ chế, bảo quản, đóng gói chuối với quy mô lớn ngay tại vùng chuyên canh. Hiện trung bình mỗi tuần, DN này xuất khẩu hàng chục tấn chuối sang Hàn Quốc. Theo ông Son Young Wan, đại diện Công ty TNHH Globe Farm Việt Nam: “Chỉ tính riêng thị trường Hàn Quốc, hiện sản lượng chuối xuất khẩu của chúng tôi vẫn cung chưa đủ cầu. Chúng tôi còn có nhiều đối tác từ Nhật Bản và một số nước khác nên sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng chuối. Trước mắt, DN đang lên kế hoạch tăng diện tích trồng chuối lên 100 hécta, và diện tích này sẽ tăng lên hàng năm. Mục tiêu lâu dài của dự án sẽ liên kết với nông dân mở rộng vùng chuyên canh chuối xuất khẩu. Trong đó, DN sẽ là đầu mối chuyển giao kỹ thuật, công nghệ sản xuất và ký hợp đồng bao tiêu cho nông dân”.
Ngoài lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, ứng dụng công nghệ cao để phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, an toàn cũng là nội dung đang được tỉnh Đồng Nai tập trung thực hiện. Một trong những dự án trọng điểm của tỉnh là dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao nuôi tôm siêu thâm canh tại xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) với diện tích thí điểm khoảng 50 hécta, gồm: khu thực nghiệm, khu nuôi tôm thương phẩm và khu sản xuất giống.
Sau khi đi vào hoạt động, dự án này sẽ thu hút thêm nhiều DN và nông dân cùng tham gia. Trong đó, Công ty cổ phần thủy sản Việt Úc sẽ là DN chủ lực trong việc đầu tư kinh doanh, sản xuất. Ông Lương Thanh Văn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thủy sản Việt Úc, giới thiệu: “Mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kính với mật độ nuôi từ 200-500 con/m2 sẽ cho thu hoạch 2-3 vụ/năm, đạt sản lượng 120-300 tấn/hécta mặt nước/năm, cao gấp hàng chục lần so với nuôi công nghiệp và bán công nghiệp thông thường. Toàn bộ quy trình nuôi tôm được công ty áp dụng theo các tiến bộ khoa học - kỹ thuật từ Israel, Ðức, Mỹ... DN sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm trong nhà kính cho người dân trong khu vực để nâng cao năng suất, chất lượng”.
* Thành lập Khu nông nghiệp công nghệ cao
Cùng với hàng loạt dựa án đầu tư trang trại nông nghiệp công nghệ cao, Tập đoàn Vingroup còn khởi động chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt”.
Sơ chế, đóng gói chuối xuất khẩu tại Công ty TNHH Globe Farm Việt Nam. Ảnh: B.Nguyên |
Chương trình sẽ liên kết với 1 ngàn hợp tác xã và hộ nông dân để sản xuất và cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng. Phía DN sẽ đào tạo, hướng dẫn các nông hộ về quy trình sản xuất sạch; hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật và giống; kiểm tra chất lượng trong quá trình sản xuất trước và sau thu hoạch; tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ phát triển thương hiệu. Qua việc kiểm soát khép kín từ đồng ruộng đến siêu thị, chương trình sẽ cắt giảm được tối đa các khâu trung gian, tập trung nâng cao chất lượng nông sản cung ứng ra thị trường.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai, cho biết thời gian tới trung tâm sẽ đẩy mạnh việc hợp tác với Viện Kỹ thuật nông nghiệp Gyeongnam (Hàn Quốc), các mô hình nông nghiệp cao của Israel, Thái Lan, Nhật Bản... |
Thu hút DN đầu tư, từ đó xây dựng được những chuỗi liên kết sản xuất bền vững giữa DN và nông dân nhằm xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn đó cũng là mục tiêu phát triển nông nghiệp của Đồng Nai. Từ năm 2010, Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai được xây dựng tại xã Cẩm Đường (huyện Cẩm Mỹ) với diện tích trên 200 hécta, vốn đầu tư cả ngàn tỷ đồng. Đi vào hoạt động, trung tâm đã triển khai hàng loạt dự án, đề tài nghiên cứu thực nghiệm, thử nghiệm các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, như: sản xuất giống cấy mô, phát triển mô hình sản xuất sạch trong nhà màng, sản xuất phân hữu cơ vi sinh... Trung tâm còn tạo môi trường khoa học chuyên nghiệp để xây dựng đội ngũ kỹ sư trở thành lực lượng chuyên gia sâu về cây trồng, vật nuôi. Một trong những kết quả nổi bật của trung tâm là đã thu hút được nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao về sản xuất giống, sản xuất nhà màng...
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thành lập Khu Công nghệ cao Công nghệ sinh học tỉnh Đồng Nai. Khi được thành lập, khu công nghệ cao này có chức năng xây dựng cơ chế chính sách đặc thù thu hút DN vào đầu tư và cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực. Tổ chức xúc tiến đầu tư thương mại, quảng bá trong và ngoài nước để thu hút các nguồn lực đầu tư. Liên kết nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, ứng dụng công nghệ mới; làm đầu mối tổ chức tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm. Tổ chức thực hiện hợp tác trong và ngoài nước nghiên cứu, đào tạo khoa học... Dự kiến giai đoạn 2018-2020, Khu Công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai sẽ mở rộng diện tích thêm 500 hécta và tiếp tục thu hút đầu tư về khâu giống cây trồng, vật nuôi; về thực phẩm chức năng, nhiên liệu sinh học, màng polymer sinh học, enzim tái tổ hợp; chế phẩm sinh học xử lý môi trường; ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo quản nông sản...
Một trong những mục tiêu chính của Khu Công nghệ cao công nghệ sinh học này là tổ chức đào tạo, huấn luyện cán bộ và nông dân về sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học; là cầu nối cho sự liên kết để DN và nông dân cùng đồng hành phát triển nông nghiệp công nghệ cao...
Lâm Viên - Bình Nguyên
Bài 3: Đón thách thức - nhận cơ hội