Theo dự kiến của Đồng Nai, từ ngày 30-4-2017 bắt đầu khai trương, đưa tuyến du lịch đường sông vào khai thác. Thế nhưng đến nay tất cả vẫn chỉ nằm trong tính toán...
Theo dự kiến của Đồng Nai, từ ngày 30-4-2017 bắt đầu khai trương và đưa vào khai thác tuyến du lịch đường sông. Thế nhưng đến nay tất cả vẫn chỉ nằm trong tính toán và chưa biết đến khi nào mới đưa vào khai thác được.
Trạm dừng chân Nguyễn Văn Trị đã được chủ đầu tư làm cầu cảng và mua sẵn tàu để chở khách. |
Chủ đầu tư dự án tuyến du lịch đường sông là Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hoàng Gia Bảo (TP.Biên Hòa). Tổng vốn đầu tư là 74 tỷ đồng, chia thành 2 giai đoạn để thực hiện. Giai đoạn 1 đầu tư khoảng 38 tỷ đồng để xây dựng bến tàu và Trạm dừng chân Nguyễn Văn Trị gần chợ Biên Hòa và cầu tàu tại điểm du lịch cù lao Ba Xê. Giai đoạn 2 vốn đầu tư 36 tỷ xây dựng trạm dừng chân tại xã Thiện Tân và bến tàu, điểm dịch vụ du lịch mạo hiểm Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu).
* Chậm do đất đai
Cuối tháng 3-2017, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường đã chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư nhằm thúc đẩy dự án tuyến du lịch đường sông sớm đi vào khai thác. Theo Bí thư Tỉnh ủy, xu hướng của Đồng Nai là sẽ phát triển dịch vụ và du lịch và công nghiệp chỉ thu hút những dự án công nghệ cao. Vì thế trong 2-3 năm qua, tỉnh tập trung vào mời gọi đầu tư trên lĩnh vực dịch vụ và du lịch, đặc biệt là du lịch rừng và du lịch đường sông. |
Nguyên nhân chính khiến tuyến du lịch đường sông chậm đưa vào khai thác là do vướng về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để làm các điểm dừng chân tại phường Bửu Long, cù lao Ba Xê (TP.Biên Hòa).
Tại Vĩnh Cửu, 2 điểm dừng chân ở xã Thiện Tân và Hiếu Liêm đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, chủ đầu tư đang đợi đánh giá tác động môi trường do Tổng cục Môi trường thẩm định.
Ông Huỳnh Trung Dũng, Phó trưởng phòng Quy hoạch Sở Tài nguyên - môi trường, cho biết: “Thủ tục đất đai kéo dài là do vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng và liên quan đến đất công. Hiện các địa phương cũng đang tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết nhanh những vướng mắc về đất đai để sớm có đất sạch đầu tư và đi vào hoạt động”.
Cũng theo ông Dũng, muốn triển khai dự án tại cù lao Ba Xê thành điểm dừng chân có những dịch vụ vui chơi giải trí thì nhà đầu tư buộc phải đợi đánh giá tác động môi trường từ Tổng cục Môi trường.
Liên quan đến 2 điểm dừng chân tại TP.Biên Hòa có gắn đến đất công, phía địa phương đang băn khoăn giữa việc đưa đất công những khu vực trên ra bán đấu giá hay cho thuê tiếp. Theo ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư, thời gian đưa đất công ra đấu giá phải thẩm định và làm hồ sơ khá lâu, do đó TP.Biên Hòa nên triển khai theo hướng cho thuê sẽ nhanh và phù hợp hơn.
Với những vướng mắc về đất đai nói trên, chủ đầu tư chưa biết năm 2018, tuyến du lịch đường sông có thể đưa vào khai thác được hay chưa.
* Thiếu dịch vụ trên bờ
Theo đánh giá của các công ty lữ hành tại Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh, để tuyến du lịch đường sông khi hoàn thành đi vào khai thác thu hút được khách tham quan thì chủ đầu tư phải có đầy đủ các dịch vụ đi kèm tại các điểm dừng chân, như có nhà hàng ăn uống, sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng của địa phương để du khách có thể mua về làm quà, các dịch vụ vui chơi giải trí khác. Tuy nhiên đến nay tại các điểm dừng chân vẫn chưa chuẩn bị được các dịch vụ trên.
Trạm dừng chân ở gần công viên Nguyễn Văn Trị (TP.Biên Hòa) đang được đầu tư. |
Theo Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, năm 2018 sở sẽ phối hợp với Sở Công thương nhằm kết nối các sản phẩm du lịch gắn kết với các điểm du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch để phục vụ nhu cầu mua sắm của khách tham quan.
“Lượng khách đến tham quan ở các điểm du lịch của Đồng Nai hơn 3 triệu người/năm, bằng 60% lượng khách đến tỉnh Lâm Đồng nhưng doanh thu chỉ bằng 1/7. Điều này chứng tỏ khách du lịch đến tỉnh tiêu xài ít do thiếu những điểm nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, mua sắm thu hút khách” - ông Lê Kim Bằng, Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, cho hay.
Muốn khách đến tham quan chịu “móc hầu bao” thì các điểm dừng chân nên có nhiều dịch vụ vui chơi giải trí mới lạ, hấp dẫn khách. Đồng thời, các điểm trên phải có những đặc sản, quà tặng du lịch mang nét đặc trưng của địa phương để khách mua về làm quà.
Đồng Nai không thiếu các trái cây đặc sản, sản phẩm du lịch mang nét riêng như: sản phẩm gỗ thủ công mỹ nghệ, đá mỹ nghệ, gốm, trái cây tươi, sấy khô, nước trái cây... Song lâu nay việc kết nối để đưa các sản phẩm du lịch vào bán tại các điểm du lịch, trạm dừng chân còn rất hạn chế và chưa được chú ý khai thác.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp cho biết: “Nhiều năm nay, tỉnh rất quan tâm và muốn sớm đưa tuyến du lịch đường sông vào khai thác. Tuyến du lịch đường sông của Đồng Nai rất đẹp, nếu đầu tư tốt sẽ thu hút lượng khách rất lớn đến tham quan. Vừa qua, một số công ty lữ hành tại TP.Hồ Chí Minh đã ngỏ ý sẽ kết nối tour du lịch đường sông từ TP.Hồ Chí Minh đến Đồng Nai nếu tuyến du lịch đường sông của tỉnh đi vào khai thác”.
Bà Hiệp cũng yêu cầu chủ đầu tư song song giải quyết các vướng mắc về đất đai, nên chú trọng đến việc liên kết đầu tư xây dựng khu vui chơi giải trí, đưa sản phẩm du lịch vào các điểm dừng chân để thu hút khách.
Ông Trần Hoàng Phương, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hoàng Gia Bảo, cho hay: “Bên cạnh việc giải quyết những vướng mắc về đất đai, công ty đang tiến hành đầu tư những dịch vụ đi kèm tại những khu đất sạch của các điểm dừng chân”.
Hương Giang