Báo Đồng Nai điện tử
En

Đằng sau con số xuất siêu 7 tỷ USD

07:11, 14/11/2017

Theo thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông - lâm - thủy sản 10 tháng năm 2017 đạt 29,76 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2016. Cùng một nhóm hàng này, Việt Nam đã chi 22,9 tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng nông - lâm - thủy sản.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông - lâm - thủy sản 10 tháng năm 2017 đạt 29,76 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2016. Cùng một nhóm hàng này, Việt Nam đã chi 22,9 tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng nông - lâm - thủy sản. Như vậy, nhóm hàng này đã xuất siêu gần 7 tỷ USD, đóng góp lớn trong tỷ lệ xuất siêu 1,23 tỷ USD của cả nước trong 10 tháng vừa qua.

Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu và thị trường xuất khẩu của nhóm hàng này, có thể thấy những điểm yếu nhiều năm qua vẫn chưa được khắc phục nhiều. Thủy sản dẫn đầu trong “câu lạc bộ” 8 mặt hàng xuất khẩu tỷ đô với giá trị 6,73 tỷ USD. Gỗ và các sản phẩm từ gỗ đứng thứ 2 với giá trị xuất khẩu 6,15 tỷ USD; hạt điều đứng thứ 3 với giá trị 2,87 tỷ USD. Tiếp đến là các mặt hàng rau quả 2,84 tỷ USD, cà phê gần 2,7 tỷ USD, gạo 2,25 tỷ USD, cao su, hạt tiêu hơn 1 tỷ USD.

Một thực tế là những mặt hàng dẫn đầu này hiện tại vẫn đang xuất thô là chủ yếu, số lượng nhiều nhưng giá trị gia tăng không cao. Hầu hết hàng hóa thuộc nhóm này đều xuất đi mà không có thương hiệu đủ mạnh, thậm chí xuất thô sang những quốc gia khác rồi mới chế biến và mang thương hiệu nước khác.

Sự bất lợi về việc không có thương hiệu khiến số lượng nông sản xuất khẩu nhiều, song lợi nhuận không cao. Theo thống kê của Cục Sở hữu công nghiệp, hiện mới chỉ có khoảng 15% trong hơn 90 ngàn thương hiệu hàng hóa được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam là của các doanh nghiệp trong nước và có đến hơn 80% hàng nông sản của ta được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Tương tự, ở trong nước, cũng có khoảng 80% sản phẩm nông sản được tiêu thụ mà không có nhãn hiệu.

Điều đáng chú ý nữa là hiện thị trường xuất khẩu nông - lâm - thủy sản của Việt Nam chủ yếu vẫn là Trung Quốc. Cụ thể, thị trường Trung Quốc đang chiếm 76% rau củ quả xuất khẩu của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng trên 50%, là thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam với hơn 39% thị phần. Cao su cũng đang xuất đi Trung Quốc là chủ yếu. Các mặt hàng khác như thủy sản, hạt điều, gỗ... cũng đang xuất đi Trung Quốc rất nhiều. Lệ thuộc một thị trường rộng lớn nhưng tiêu chuẩn thấp khiến nhiều năm qua nông sản Việt Nam vẫn ở “chiếu dưới” về chất lượng so với nhiều quốc gia khác. Điều cần làm là phải đa dạng thị trường và nâng tầm hàng hóa, thì đến nay chưa nhiều nơi làm được.

Vậy nên dù xuất siêu đến 7 tỷ USD là một tín hiệu rất đáng mừng, song đằng sau con số đó cũng có khá nhiều tâm tư chưa giải quyết được trong ngắn hạn.

Vi Lâm

Tin xem nhiều