Các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh hiện có giao thương với phần lớn các thành viên trong APEC. Trong đó, 4 thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Đồng Nai đều thuộc về các quốc gia của APEC, gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh hiện có giao thương với phần lớn các thành viên trong APEC. Trong đó, 4 thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Đồng Nai đều thuộc về các quốc gia của APEC, gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Dệt may là sản phẩm xuất khẩu nhiều vào Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản.Trong ảnh: Sản xuất quần áo tại Công ty cổ phần Đồng Tiến (TP.Biên Hòa). |
Theo Sở Công thương, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa các DN Đồng Nai với riêng 4 quốc gia: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc trong 10 tháng năm 2017 khoảng 12 tỷ USD, chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, đặc biệt xuất khẩu sang những thị trường trên trong những năm gần đây liên tục tăng.
Xuất khẩu tăng nhanh
Những mặt hàng mà DN Đồng Nai xuất khẩu nhiều vào các nước trên là: giày dép, may mặc, sắt thép, xơ sợi dệt, máy móc thiết bị và phụ tùng, sản phẩm từ gỗ, máy tính, linh kiện điện tử, nông sản. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đồng Nai với kim ngạch chiếm khoảng 37% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ tăng trưởng khá bền vững.
Sản xuất giày dép tại Công ty cổ phần giày dép cao su màu (TP.Biên Hòa) để xuất khẩu vào Hoa Kỳ. |
Bà Phạm Thị Ngọc Bích, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Posco VST (ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1, huyện Nhơn Trạch), cho hay: “Mỗi tháng công ty xuất khẩu hơn 19 ngàn tấn sản phẩm thép không gỉ sang các nước, nhưng thị trường chính vẫn là Hoa Kỳ, chiếm 70-80% sản lượng. Những năm qua, sản lượng xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ, châu Âu luôn giữ được mức tăng trưởng khá”.
Hiện tại Hoa Kỳ đang là thị trường xuất khẩu lớn của nhiều DN trong nước lẫn nước ngoài tại Đồng Nai trên nhiều ngành hàng. “Sản phẩm giày của công ty sản xuất ra chủ yếu xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ và những năm gần đây mức tăng trưởng đạt trên 10%. Hiện công ty vẫn đang tiếp tục tuyển thêm lao động, mở rộng sản xuất để tăng sản lượng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ và một số nước khác” - ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Đối ngoại Công ty TNHH Changshin Việt Nam (ở Khu công nghiệp Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) cho biết. Đây là một trong 4 DN sản xuất giày dép lớn nhất của tỉnh.
Theo ông Nguyễn Cao Nhơn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tín Nghĩa, thì Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu cà phê lớn của Đồng Nai. Mỗi năm tổng công ty xuất khẩu sang thị trường này khoảng vài chục ngàn tấn cà phê.
Thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của tỉnh là Nhật Bản với kim ngạch 10 tháng của năm gần 1,42 tỷ USD. Theo Phòng Thương mại (Sở Công thương), các DN Đồng Nai xuất khẩu vào Nhật Bản hàng chục mặt hàng, nhưng chiếm kim ngạch lớn là dệt may, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị dụng cụ, giày dép, sản phẩm gỗ. Hàng hóa xuất khẩu vào Nhật Bản và Hoa Kỳ đòi hỏi rất khắt khe nên đã đáp ứng được 2 thị trường lớn trên cũng dễ dàng vào các thị trường khác. Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu vào Trung Quốc và Hàn Quốc cũng có mức tăng trưởng trên 13-16% so với cùng kỳ năm trước.
Chủ yếu nhập nguyên liệu
Các DN của tỉnh chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu từ các thành viên APEC để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, như: vải, sợi, da giày, hóa chất, bông, sắt thép để làm máy móc thiết bị, bắp sản xuất thức ăn chăn nuôi...
Sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Khoảng 90% sản phẩm gỗ của Công ty TNHH Hố Nai xuất khẩu vào Hoa Kỳ. |
Thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của các DN trong tỉnh là Trung Quốc với kim ngạch 2,34 tỷ USD trong 10 tháng của năm; tiếp đến là Hàn Quốc khoảng 2 tỷ USD, Hoa Kỳ, Nhật Bản khoảng 50-80 triệu USD/tháng. Ngoài ra, Đồng Nai cũng nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Thái Lan, vùng lãnh thổ Đài Loan...
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, hiện 2 thị trường xuất siêu lớn nhất của Đồng Nai là Hoa Kỳ và Nhật Bản với kim ngạch xấp xỉ 3 tỷ USD trong 10 tháng năm 2017. Còn các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan lại là những thị trường Đồng Nai đang phải nhập siêu nhiều. |
Ông Phạm Thế Linh, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thế Linh (TP.Biên Hòa), chia sẻ: “Để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm chăn, drap, gối nệm nên hơn 80% vải sản xuất công ty chọn nhập khẩu từ Hàn Quốc”. Thời gian qua, nhiều DN dệt may, giày dép, điện tử trên địa bàn tỉnh đã chuyển sang nhập khẩu nguyên liệu từ Hàn Quốc. Bởi ngoài chất lượng sản phẩm đảm bảo thì theo lộ trình Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Hàn Quốc, nhiều dòng thuế đã và đang giảm về 0%. Từ năm 2016 đến nay, kim ngạch nhập khẩu của Đồng Nai từ thị trường Hàn Quốc tăng nhanh, riêng 10 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm trước tăng hơn 12%.
Ông Võ Mạnh Hùng, Trưởng đại diện Hiệp hội Bông Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho biết: “Việt Nam là thị trường nhập khẩu bông lớn nhất của Hoa Kỳ với 30% thị phần của nước này, tương đương 1 tỷ USD/năm. Đồng thời, khoảng 60% sản lượng bông nhập khẩu của các DN Việt Nam là từ Hoa Kỳ. Đồng Nai là tỉnh có nhiều DN nhập khẩu bông từ Hoa Kỳ về để sản xuất sợi”.
Một số chuyên gia kinh tế đánh giá, nhập khẩu nguyên liệu nhiều để phục vụ cho sản xuất là dấu hiệu tốt cho sản xuất công nghiệp trong nước. Tuy nhiên, muốn tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu thì Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác cần thu hút được nhiều DN trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Hương Giang