Báo Đồng Nai điện tử
En

Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

10:10, 11/10/2017

Nhiều năm nay, Đồng Nai đã thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên để việc bảo vệ rừng được tốt hơn. Bên cạnh đó, công tác trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh làm giàu rừng cũng được tỉnh quan tâm chú trọng.

Bài 1: Lợi ích từ việc giữ rừng

Nhiều năm nay, Đồng Nai đã thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên để việc bảo vệ rừng được tốt hơn. Bên cạnh đó, công tác trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh làm giàu rừng cũng được tỉnh quan tâm chú trọng.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Đồng Nai là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước về bảo vệ tài nguyên rừng và động vật hoang dã góp phần bảo tồn đa dạng sinh học. Mỗi năm, cả nước mất đi hàng ngàn hécta rừng tự nhiên do bị cháy, bị chặt phá thì tại Đồng Nai diện tích rừng bị cháy hoặc bị chặt phá là rất ít, chỉ xảy ra một vài vụ cháy rừng trồng, còn rừng tự nhiên thì luôn được bảo vệ nghiêm ngặt, nhiều năm liền tỉnh đã không để xảy ra cháy rừng tự nhiên.

* Bảo vệ rừng nghiêm ngặt

Đồng Nai là một trong những tỉnh rất quan tâm, chú trọng đến công tác bảo vệ và phát triển rừng; bên cạnh việc bảo vệ rừng tự nhiên, hàng năm tỉnh còn tiến hành trồng rừng ở nhiều khu vực quy hoạch lâm nghiệp của tỉnh. Mỗi năm toàn tỉnh đã tiến hành trồng hàng trăm hécta rừng, khoanh nuôi tái sinh làm giàu hàng ngàn hécta rừng; hàng trăm ngàn cây phân tán các loại cũng được tỉnh thực hiện trồng hàng năm. Hiện tỷ lệ che phủ rừng của Đồng Nai là gần 30%. Mục đích của việc trồng và bảo vệ rừng nhằm điều hòa không khí, hạn chế sự nóng lên của trái đất, làm chậm quá trình của biến đổi khí hậu và giảm bớt các thiệt hại của thiên tai, lũ lụt.

Tại Đồng Nai, diện tích đất lâm nghiệp hơn 197 ngàn hécta. Trong đó diện tích đất có rừng là gần 180 ngàn hécta gồm hơn 120 ngàn hécta rừng tự nhiên và gần 59 ngàn hécta rừng trồng. Đồng Nai hiện đã tiến hành quy hoạch 3 loại rừng và được Chính phủ thông qua. Việc quy hoạch 3 loại rừng sẽ giúp việc bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả hơn. Năm 2012, UBND tỉnh cũng đã thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, đây là đơn vị nhận ủy thác tiền chi trả dịch vụ môi trường từ các đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng. Qua 5 năm hoạt động, quỹ đã tiến hành chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các đối tượng cung ứng dịch vụ môi trường rừng với số tiền khoảng 50 tỷ đồng. Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo điều kiện cho các chủ rừng có thêm nguồn kinh phí để thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng.

* Giữ rừng vì tương lai

Rừng được coi là lá phổi xanh của trái đất, trong quá trình quang hợp, hấp thụ và lưu giữ cacbonic làm giảm bớt sự nóng lên của trái đất và làm chậm tiến trình biến đổi khí hậu. Đồng thời, cây rừng còn nhả ra khí ôxy rất cần cho sự sống và có tác dụng làm sạch không khí. Rừng còn là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật hoang dã và mang tính đa dạng sinh học cao, trong đó có nhiều loài quý hiếm. Đây chính là nguồn thực phẩm, nguồn nguyên liệu quý cho công nghiệp và dược phẩm, là nguồn gen có giá trị lớn trong lai tạo giống mới cho lâm nghiệp. Nếu diện tích rừng bị thu hẹp, đồng nghĩa với việc nhiều loài động, thực vật quý hiếm bị mất dần. Như vậy, chuỗi đa dạng sinh học sẽ bị phá vỡ gây ảnh hưởng xấu đến thời tiết. Mất rừng sẽ làm trái đất nóng lên, băng tan, nước biển dâng gây ra tình trạng xâm nhập mặn làm ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người dân.

Rừng có tác dụng điều hòa dòng chảy cho sông ngòi và dưới lòng đất. Nước mưa rơi xuống vùng có rừng sẽ được giữ lại nhiều trong tán cây và trong đất, do đó lượng dòng chảy do mưa trong mùa lũ giảm đi. Rừng có tác dụng cản không cho dòng chảy nước mặt quá nhanh và mạnh, làm cho lũ xuất hiện chậm hơn, giảm mức độ đột ngột và ác liệt của từng trận lũ. Nước thấm xuống đất rừng vừa là nguồn dự trữ nuôi cây và các sinh vật sống trong đất, vừa điều tiết lượng nước cho các suối, sông trong thời gian không mưa. Do đó những vùng có nhiều rừng che phủ sẽ giảm bớt được thiên tai hạn hán và lũ lụt. Rừng có tác dụng điều hòa dòng chảy của các con sông, dự trữ nước làm giảm khả năng hạn hán và suy kiệt của sông ngòi vào mùa khô.

Hiện nay, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đã và đang triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nhằm tạo thêm nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, thông qua việc chi trả bằng tiền thu được từ dịch vụ môi trường rừng cho các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ rừng. Mục đích bảo vệ rừng nhằm góp phần làm giảm nguy cơ biến đổi khí hậu và cũng là góp phần bảo vệ trái đất, hành tinh xanh của chúng ta trong tương lai.

(còn tiếp)

Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng

Tin xem nhiều