Báo Đồng Nai điện tử
En

Ứng phó biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp

11:07, 10/07/2017

Theo TS.Vy Văn Vũ, Chủ tịch Hội Liên hiệp khoa học - kỹ thuật tỉnh, Việt Nam là một trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra....

Theo TS.Vy Văn Vũ, Chủ tịch Hội Liên hiệp khoa học - kỹ thuật tỉnh, Việt Nam là một trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra. Trong đó, ngành nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp ở Đồng Nai cũng bị “tổn thương” không nhỏ, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của  người dân.

Kỹ sư, nông dân trong tỉnh tham gia Ngày hội ruộng đồng được tổ chức tại huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: H.DUNG
Kỹ sư, nông dân trong tỉnh tham gia Ngày hội ruộng đồng được tổ chức tại huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: H.DUNG

Nhằm đưa ra những giải pháp để hạn chế tình trạng trên, ngày 11-7, tại Ủy ban MTTQ tỉnh, Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn và Sở Tài nguyên - môi trường tổ chức hội thảo khoa học “Ứng phó với BĐKH trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”.

* Ảnh hưởng nặng nề

Thống kê của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn cho thấy, ảnh hưởng của mưa liên tục và trái mùa đợt đầu năm 2017 trên địa bàn tỉnh đã làm 31 ngàn hécta điều và 8 ngàn hécta xoài bị thiệt hại trên 30% năng suất.

Ông Tạ Khánh Sơn, Phó trưởng phòng nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Xuân Lộc, cho hay vụ đông - xuân năm 2016-2017 do mùa mưa kết thúc muộn, nhiều cơn mưa lớn bất thường vào đầu năm 2017 nên một số cánh đồng của huyện bị ngập nước, không sản xuất được.

BĐKH cũng làm gia tăng sâu bệnh trên cây trồng và giảm năng suất cây trồng. Không riêng cây trồng mà cả gia súc, gia cầm cũng bị giảm sức đề kháng, tăng khả năng bùng phát, lây lan dịch bệnh do BĐKH gây ra.

Huyện Nhơn Trạch có gần 2 ngàn hécta diện tích nuôi trồng thủy sản. Đây là thế mạnh của huyện trong sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Kim Vinh, Phó phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch, cho biết: “Nếu nước biển dâng cao theo dự báo, toàn bộ diện tích đất đai của huyện có độ cao dưới 1,14m so với mực nước biển đều có thể bị ngập quanh năm và độ cao trên 1,14m đến dưới 1,16m đều có thể bị xâm nhập mặn. Do đó, cây trồng vật nuôi, đặc biệt là diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề”. Không chỉ một số xã của huyện Nhơn Trạch mà một số xã của huyện Long Thành cũng sẽ bị xâm nhập mặn theo dự báo đến năm 2050.

Không riêng Xuân Lộc, Nhơn Trạch, Long Thành mà sản xuất nông nghiệp của huyện miền núi như: Tân Phú, Định Quán hay các huyện Cẩm Mỹ, Thống Nhất cũng bị tổn thất do hạn hán hay mưa kéo dài, trái mùa. Trong đó, các loại cây trồng như bắp, mía dễ bị thiệt hại nhất.

* Nhiều giải pháp cụ thể

Nhằm hạn chế tác động của BĐKH đến sản xuất nông nghiệp, ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, đưa ra giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý tài nguyên nước, chủ động cung cấp nước sạch trong các trường hợp hạn hán và xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan.

Trong khi đó, theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, giải pháp trọng tâm nhất là phải quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng sao cho thích hợp. Chẳng hạn, như: tăng tỷ lệ giống ngắn ngày; sử dụng các loại giống bản địa đã phục tráng; sử dụng giống bản địa làm gốc ghép, giống lai có khả năng chống chịu sâu bệnh, chống chịu với điều kiện bất thuận (hạn, mặn, đổ ngã…); ứng dụng công nghệ sinh học để nâng cao chất lượng chọn tạo giống đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó cũng phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về sử dụng nước tưới, phân bón, luân canh, xen canh, che phủ đất, hạn chế dòng chảy, quản lý dịch hại và ứng dụng công nghệ cao. Muốn làm được điều này phải tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường nông thôn, sử dụng tiết kiệm tài nguyên; nhân rộng các điển hình của Hội Nông dân các cấp tham gia bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

ông Tạ Khánh Sơn, Phó trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Xuân Lộc, cho rằng trước mắt là phải đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, thay đổi cây trồng thông qua yêu cầu của cây đối với mùa sinh trưởng và chế độ canh tác. Tiếp đến là thay đổi cường độ sản xuất, biện pháp canh tác, tăng cường chất khoáng và giám sát sâu bệnh.

“Về lâu dài, phải phát triển hiện đại hóa và công nghệ cao trong sản xuất, thay đổi hệ thống cây trồng và xen canh; đặc biệt phải nâng cao trách nhiệm trong quản lý nguồn nước” - ông Sơn nhấn mạnh.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều