Là một người đi lên từ đôi bàn tay người thợ, ông Nguyễn Thành Nhân hiện điều hành 2 xưởng chế tác tại Đồng Nai và Đắk Lắk, chưa bao giờ vắng đơn hàng, kể cả trong những giai đoạn ngặt nghèo nhất của ngành gỗ...
Nghệ nhân gỗ mỹ nghệ Nguyễn Thành Nhân |
Rất khó để phân biệt đâu là nghệ nhân hay ông chủ cơ sở gỗ thủ công mỹ nghệ đã đưa hàng hóa của mình đi hàng chục quốc gia Âu - Á với một người thợ gỗ bình thường, nếu khách đến vào những giờ cao điểm làm việc của xưởng gỗ. Hiện tại, cơ sở gỗ mỹ nghệ Thành Nhân (ấp Tân Bắc, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) là cái tên khá nổi trong giới sản xuất và buôn bán gỗ thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, dù quy mô không quá lớn vì ông chủ Nguyễn Thành Nhân có triết lý riêng trong việc làm ăn.
Là một người đi lên từ đôi bàn tay người thợ, ông Nguyễn Thành Nhân hiện điều hành 2 xưởng chế tác tại Đồng Nai và Đắk Lắk, chưa bao giờ vắng đơn hàng kể cả trong những giai đoạn ngặt nghèo nhất của ngành gỗ và được biết đến như một “cây đa cây đề” trong làng gỗ thủ công mỹ nghệ ở khu vực giáp ranh TP.Biên Hòa và huyện Trảng Bom.
Sản phẩm của cơ sở Thành Nhân hàng chục năm nay đều đặn xuất đi Đài Loan, Nga, Hoa Kỳ, các nước châu Âu, Nhật Bản... Một cách khiêm nhường, ông Nhân nói mình không có bí quyết gì lớn lao trong công việc ngoài sự trung thực hết sức với khách hàng và luôn nhìn sản phẩm của mình bằng đôi mắt của một người thợ khó tính.
* Khởi nghiệp từ một người thợ bình thường
Ông được coi là một người khá lâu năm trong làng nghề thủ công mỹ nghệ gỗ ở xã Bình Minh, huyện Trảng Bom. Nguồn gốc nghề thủ công mỹ nghệ gỗ ở đây xuất xứ từ đâu, thưa ông?
- Ông bà tôi di cư từ Bắc vào Nam từ thập niên 50 của thế kỷ trước. Những người gốc Bắc thời đó mang vào Đồng Nai nghề làm gỗ của những làng nghề nổi tiếng xứ Bắc, như: La Xuyên (Nam Định), Đồng Kỵ (Bắc Ninh)... Lâu dần, cộng đồng người gốc Bắc di cư vào Nam ở khu vực ấp Trà Cổ (xã Hố Nai 3, Trảng Bom)... nổi tiếng với nghề làm đồ gỗ.
Tuy nhiên, nghề nghiệp cũng chỉ gói gọn trong những gia đình nhỏ với những sản phẩm chủ yếu phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày. Rồi khi đất nước mở cửa, khách du lịch bắt đầu vào Việt Nam nhiều, ở ấp Trà Cổ có nghệ nhân Kỳ Vân thử mang một chiếc thuyền buồm tinh xảo làm từ gốc mít lên bán ở quận 1 (TP.Hồ Chí Minh) cho khách du lịch nước ngoài. Sản phẩm bất ngờ được yêu thích, các nhà buôn liên tục đặt hàng, và từ đó làng nghề thủ công mỹ nghệ gỗ dần dần hình thành.
Bản thân ông khởi nghiệp ra sao?
- Từ năm 1989, tôi đã được học nghề ở một nghệ nhân gỗ mỹ nghệ nổi tiếng của Hố Nai. Sau 5 năm, tôi mạnh dạn mở cơ sở đầu tiên khi đã lành nghề. Lúc đó vào giai đoạn 1994-1995, vay mượn được vài triệu đồng, tôi sắm máy cưa, máy tiện, máy mài... rồi làm hàng để bán.
Cơ sở đầu tiên đóng cửa sau vài tháng hoạt động vì sản phẩm bán qua trung gian, tôi không đòi được tiền vốn trong khi chi phí hoạt động thì tới liền tay. Tôi đóng cửa rồi tiếp tục đi học nghề, làm thuê... và cố gắng học cách làm ăn, vì tôi nghĩ khởi nghiệp buôn bán không phải chỉ cần tay nghề giỏi là đủ.
Tôi nghiệm ra mình phải cố gắng giao dịch trực tiếp với khách hàng, tìm chỗ mua nguyên liệu rẻ và ổn định và thêm vào đó là không ngừng sáng tạo ra các mẫu sản phẩm riêng, vừa giữ chắc tay nghề.
Sau 3 năm, tôi quay lại việc mở cơ sở, một mặt cố gắng chăm chút sản phẩm, mặt khác tìm đầu ra bằng cách tham gia các cuộc hội chợ, triển lãm trong nước và nước ngoài nếu có cơ hội. Lâu dần, từ những khách hàng đầu tiên, tôi nhận được các đơn hàng từ Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Đài Loan... và duy trì cơ sở gần 20 năm nay.
Từ một người thợ, rồi một chủ cơ sở, ông gặp những khó khăn nào?
- Luôn có những khó khăn, bởi tôi khởi nghiệp không có gì khác ngoài tay nghề và những hiểu biết khá hạn hẹp của một người thợ gỗ. Tôi phải tìm hiểu nhiều thứ xoay quanh việc kinh doanh: bao bì, nguyên liệu, vận chuyển, các con số, xây dựng trang web... Nhưng đó không phải là khó khăn lớn nhất, cái khó lớn nhất lại không nằm ở chủ quan cá nhân tôi, mà là khách quan.
Nhiều năm nay, cơ sở luôn thiếu thợ tay nghề cao. Những đứa trẻ làng nghề lớn lên rồi đi lập nghiệp phương xa nên ít chịu học hành, bám trụ với nghề truyền thống. Dù tôi hết lòng hỗ trợ, cố gắng trả mức lương cao, song tìm ra người thợ tỉ mỉ và hết lòng phát triển nghề nghiệp thì rất khó.
Thiếu thợ nên nhiều khi tôi phải từ chối những đơn hàng lớn. Chẳng hạn, tôi từng phải từ chối đơn hàng của hệ thống siêu thị Walmart (Hoa Kỳ) vì thấy khó đáp ứng được sản lượng.
* Tôi luôn cố gắng trung thực nhất
Ngày nay, người ta nói nhiều về khởi nghiệp. Ông nghĩ gì về điều này và ông rút ra điều gì cho mình sau 20 năm gầy dựng thương hiệu gỗ mỹ nghệ Thành Nhân?
- Tôi không được học hành bài bản nên không dám nói về những bài học khởi nghiệp có tính hàn lâm. Tôi chỉ chia sẻ bài học rút ra từ chính công việc kinh doanh hàng ngày của mình. Một trong những điều tôi giữ vững suốt 20 năm qua là tính trung thực, có sao nói vậy. Sản phẩm thế nào, từ nguyên liệu gì, khả năng sản xuất ra sao... tôi nói hết với khách để họ chủ động trong liên hệ đặt hàng. Lô hàng nào hư hỏng thì tôi xin lỗi rồi đền bù.
Khách hàng đặt hàng, ứng tiền... đôi khi cũng chỉ qua vài cú điện thoại. Không làm được thì nói không làm được, vậy nên khách cũ chỉ khách mới, lâu dần khách hàng đông dần lên và họ hỗ trợ cho tôi nhiều lắm, từ thanh toán đến các thủ tục xuất nhập khẩu...
Vì nói cho cùng, tôi vẫn chỉ là một người thợ, tôi khó mà rành rẽ thủ tục xuất nhập hàng hóa đến những quốc gia mình chưa từng đặt chân đến, nên nếu không có sự quý mến chia sẻ của khách hàng, gỗ mỹ nghệ Thành Nhân chắc khó đi xa.
Ông có sợ cạnh tranh với hàng gỗ mỹ nghệ từ Trung Quốc hay các quốc gia khác khi bán hàng cho khách quốc tế không?
- Thời điểm này thì chắc chưa, vì đơn hàng làm không kịp. Tuy nhiên, thông qua những yêu cầu của khách, tôi đã tìm hiểu khá kỹ hàng hóa từ Trung Quốc và vài quốc gia khác để biết đâu là lợi thế và đâu là điểm yếu của mình. Tôi thấy đôi khi lợi thế cũng chính là điểm yếu và cần phải ứng xử hài hòa.
Chẳng hạn, nếu sản xuất công nghiệp hàng loạt sản phẩm với giá rẻ thì chắc không ai qua nổi các doanh nghiệp Trung Quốc, nhưng sản xuất những đơn hàng chăm chút sản phẩm thì mình có thể làm được. Khách bỏ tiền mua những mô hình xe cộ, máy bay, tàu thuyền... là những khách có mắt thẩm mỹ khá tốt, sản phẩm phải chăm chút thì mới bền được.
Tôi có thể bỏ hàng giờ để nhìn ngắm, suy nghĩ một vài mẫu sản phẩm nào đó trước khi “rã” ra cho thợ làm, cố gắng nghĩ ra quy trình nào phù hợp nhất để sản phẩm vừa đẹp, vừa bền. Có lẽ đó là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của tôi.
Ông có thấy tiếc những đơn hàng mà mình không đủ người làm? Vì sao ông không khuếch trương thật lớn công việc làm ăn của mình?
- Thực tế, tôi vẫn mong muốn xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm ở thị trường trong nước lẫn ngoài nước. Sản phẩm Thành Nhân đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành, khu du lịch... trong cả nước và bán tại nhiều quốc gia, song vẫn còn rất nhiều thứ phải làm để xây dựng nên một thương hiệu mạnh.
Một trong những điều trăn trở của tôi là đơn hàng có, thị trường có, tay nghề có... nhưng những cơ sở gỗ mỹ nghệ quy mô nhỏ ở làng nghề Bình Minh vẫn chưa liên kết với nhau được, chưa cùng nhau chung sức để làm những đơn hàng lớn và cùng “mơ những giấc mơ” lớn hơn.
Tôi chỉ dám “làm lớn” nếu vẫn bảo đảm được từng sản phẩm, mà giờ thì chắc chưa phù hợp, phải tiến từ từ. Hiện tại, Thành Nhân vẫn đang tiếp tục từ chối nhiều đơn đặt hàng lớn từ các nước, bởi quy mô chưa lớn và tôi chưa thể liên kết nhiều cơ sở lại để cùng làm ăn.
Sắp tới, khi chuyển xưởng vào cụm công nghiệp của địa phương, tôi hy vọng tình hình sẽ khả quan hơn và thương hiệu gỗ mỹ nghệ Đồng Nai không chỉ dừng ở “gỗ Thành Nhân” hay một vài thương hiệu khác, mà là thương hiệu chung của cả làng nghề.
Xin cảm ơn ông!
Kim Ngân (thực hiện)