Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam (vốn đầu tư Thái Lan) và Ban Quản lý dự án nâng cao năng lực cạnh tranh và an toàn thực phẩm ngành chăn nuôi (Lifsap) Đồng Nai vừa tổ chức hội nghị kết nối chuỗi tiêu thụ sản phẩm thịt heo VietGAHP vào hệ thống phân phối của MM Mega Market Việt Nam.
Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam (vốn đầu tư Thái Lan) và Ban Quản lý dự án nâng cao năng lực cạnh tranh và an toàn thực phẩm ngành chăn nuôi (Lifsap) Đồng Nai vừa tổ chức hội nghị kết nối chuỗi tiêu thụ sản phẩm thịt heo VietGAHP vào hệ thống phân phối của MM Mega Market Việt Nam.
Đại diện của MM Mega Market Việt Nam ký kết bao tiêu heo VietGAHP của nông dân Đồng Nai. Ảnh: B.Nguyên |
Trong chuỗi cung ứng trên, doanh nghiệp (DN) đã hợp đồng bao tiêu cho hơn 30 ngàn con heo VietGAHP (Quy trình thực hành chăn nuôi tốt tại Việt Nam) của 402 hộ chăn nuôi thuộc 23 Tổ hợp tác heo VietGAHP của Đồng Nai. Thời gian đầu thử nghiệm, chuỗi cung ứng sẽ thu mua khoảng 100 con heo/ngày.
* Nhu cầu lớn
Thời gian qua, dự án Lifsap của Đồng Nai đã thu hút nhiều DN tham gia chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm heo VietGAHP cho nông dân. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ heo VietGAHP được DN bao tiêu còn rất thấp, chủ yếu vẫn bán trôi nổi ngoài thị trường do người chăn nuôi và DN chưa tìm được tiếng nói chung.
Ông Phisanu Pongwatana, Tổng giám đốc điều hành MM Mega Market Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi mong đợi sẽ phát triển thành công chuỗi cung ứng thịt heo an toàn, hợp tác bền vững cùng nông dân. Hiện MM Mega Market Việt Nam có 19 trung tâm thương mại trên cả nước, khách hàng là các nhà hàng, khách sạn, quán ăn với nhu cầu rất lớn về mặt hàng thịt heo”.
Ông Nguyễn Vũ Thuận, Giám đốc thu mua ngành hàng thực phẩm của Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi tiêu thụ 3 ngàn tấn thịt heo thành phẩm vào năm 2016. Dự kiến vào năm 2020, con số tiêu thụ sẽ đạt hơn 6 ngàn tấn để đáp ứng nhu cầu thịt heo VietGAHP cho cả hệ thống trung tâm thương mại trên cả nước. Trong chuỗi cung ứng này, ngoài mặt hàng thịt heo, chúng tôi còn tiêu thụ mặt hàng thịt gà VietGAHP”.
Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, cho hay Lifsap Đồng Nai đã xây dựng được 3 vùng GAHP tại các địa phương: Thống Nhất, Long Khánh, Xuân Lộc với 1.244 hộ chăn nuôi tham gia vào 66 Tổ hợp tác với tổng đàn heo thịt gần 70 ngàn con. Trong đó, 23 tổ hợp tác và 402 hộ chăn nuôi đã được cấp chứng nhận VietGAHP. Trong năm 2017, Lifsap tiếp tục đánh giá, cấp chứng nhận VietGAHP cho các tổ còn lại, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của DN.
* Không dừng lại ở ký kết
Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Tổ trưởng Tổ hợp tác GAHP 1 Hưng Lộc (huyện Thống Nhất), chia sẻ: “Tổ hợp tác đã ký kết hợp đồng bao tiêu với nhiều DN và đáp ứng tốt mọi yêu cầu của họ từ quy trình chăn nuôi đến tổ chức đeo vòng, dán tem truy xuất nguồn gốc... Nhưng hiện 60% sản phẩm heo VietGAHP vẫn phải bán trôi nổi ngoài thị trường do một số DN ký hợp đồng bao tiêu, mua heo được một thời gian rồi không thấy quay lại, có DN thì khó mở rộng kênh tiêu thụ heo VietGAHP nên mỗi đợt bắt chỉ được vài chục con”.
Theo phản ánh của các hộ chăn nuôi, bán hàng cho DN có nhiều bất tiện hơn so với việc kêu thương lái về tận trại thu mua, như: thanh toán chậm hơn qua chuyển khoản; phải tốn công và tốn thêm chi phí thực hiện việc đeo vòng, dán tem truy xuất nguồn gốc; giá thu mua heo sạch chưa khuyến khích được người chăn nuôi tích cực tham gia...
Dưới góc nhìn của DN, ông Đỗ Hữu Trí, Trưởng phòng thu mua của Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam, khẳng định: “Để đến hội thảo này, chúng tôi đã trực tiếp khảo sát các trại nuôi và thực tế không phải trại nào được cấp chứng nhận VietGAHP cũng đều đạt chuẩn. Chúng tôi bao tiêu sản phẩm không căn cứ trên giấy chứng nhận mà trên kết quả đánh giá chất lượng. Chúng tôi sẽ cử kỹ sư về tận trại tư vấn, hướng dẫn cho nông dân để sản xuất ra sản phẩm đạt chuẩn VietGAHP, vừa đáp ứng tiêu chuẩn của DN”.
Bình Nguyên