Nhiều nhà đầu tư dự án cho rằng các công trình giao thông ở địa phương đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) hiện không còn hấp dẫn...
Nhiều nhà đầu tư dự án cho rằng các công trình giao thông ở địa phương đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) hiện không còn hấp dẫn, bởi khả năng thu hồi vốn thấp và gặp nhiều áp lực trong đầu tư.
Đường 768 (huyện Vĩnh Cửu) là dự án được đầu tư bằng hình thức BOT. |
Nếu như các dự án giao thông là những tuyến quốc lộ có lượng xe đông vẫn có sức hút nhà đầu tư, thì những tuyến tỉnh lộ lại không dễ gọi vốn theo hình thức này. Không ít dự án nằm trong danh mục thu hút BOT của tỉnh đang trong tình trạng “ế ẩm”.
* Áp lực về vốn
Chia sẻ quan điểm về đầu tư dự án BOT, ông Đỗ Ngọc Thuận, Phó giám đốc Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức - chủ đầu tư dự án BOT đường 768, cho rằng đầu tư theo dạng BOT ở các tuyến đường tỉnh rất khó khăn vì lượng xe ít, bên cạnh đó các ngân hàng lại siết thời gian cho vay khiến nhà đầu tư càng thêm khó. “Dự án đường 768 tổng số vốn hơn 530 tỷ đồng, chủ đầu tư chỉ có khoảng 110 tỷ đồng chiếm hơn 20%, số còn lại vay ngân hàng tới hơn 410 tỷ đồng, thời gian thu phí của dự án là 30 năm, trong khi đó đàm phán vay vốn ngân hàng chỉ cho vay thời hạn là 10 năm, như vậy sau 10 năm doanh nghiệp phải tự cân đối vốn, không hề dễ dàng gì” - ông Thuận phân tích.
Đồng quan điểm với ông Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO Trần Như Hoàng cũng khẳng định việc ngân hàng cho vay vốn với thời hạn chỉ từ 10-15 năm là quá ngắn so với một dự án đầu tư BOT. Ông Hoàng nói: “Mỗi dự án đầu tư vài trăm tỷ đồng, doanh nghiệp chỉ đáp ứng 20-30% vốn, còn lại đi vay ngân hàng, thời gian vay lại chỉ được một nửa của thời gian thu phí hoàn vốn nên nhà đầu tư rất khó tính toán, phải cân nhắc các dự án kỹ lắm mới dám đầu tư”.
Ngoài khó khăn về vốn thì tình trạng dự án bị kéo dài tiến độ cũng thường xảy ra do giải phóng mặt bằng chậm làm doanh nghiệp ngao ngán. Có những dự án trễ tiến độ cả năm do mặt bằng giải phóng không được. Báo cáo với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trong đợt giám sát các dự án BOT vừa qua, Sở Giao thông - vận tải cũng nêu ra nhiều ví dụ về tình trạng khó khăn này.
* Khó kêu gọi đầu tư
Tính đến nay, cả tỉnh mới chỉ có 3 dự án giao thông được đầu tư theo hình thức BOT là đường 768 có tổng vốn đầu tư trên 534 tỷ đồng; đường chuyên dùng vận chuyển vật liệu xây dựng tại xã Phước Tân và xã Tam Phước (TP.Biên Hòa) có tổng mức đầu tư là 130 tỷ đồng, đường 319 nối dài và nút giao với cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, tổng mức đầu tư 671 tỷ đồng.
Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải Từ Nam Thành cho hay các dự án này hoàn toàn do chủ đầu tư nghiên cứu đề xuất sau đó UBND tỉnh bổ sung vào danh mục đầu tư. “Các dự án BOT đã góp phần làm giảm áp lực về vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách. 3 dự án BOT này đã có số vốn trên 1,3 ngàn tỷ đồng, trong điều kiện nguồn ngân sách của tỉnh còn eo hẹp như hiện nay thì BOT vẫn là một kênh cần thiết” - ông Thành nói.
Mong muốn là vậy, song không phải dự án nào cũng có thể thu hút đầu tư theo hình thức này. Điều đó thấy được qua 6 dự án nằm trong danh mục kêu gọi đầu tư BOT của tỉnh, nhưng đến nay chỉ có 1 dự án có nhà đầu tư đăng ký, còn lại các dự án khác ở trong tình trạng nhà đầu tư đến rồi lại đi. Giám đốc Sở Giao thông - vận tải Trịnh Tuấn Liêm cho rằng thời gian tới các công trình giao thông phải chuyển hướng kêu gọi đầu tư, vì hình thức BOT không còn hấp dẫn. Cũng theo lãnh đạo Sở Giao thông - vận tải, hình thức đầu tư BT bằng đất (đổi đất lấy công trình) đang giữ được chân nhà đầu tư, vì vậy những công trình kêu gọi vốn giai đoạn tới sẽ ưu tiên áp dụng phương án này.
Khắc Giới