Tiếp tục chương trình hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ 1 (SOM 1), ngày 20-2 tại TP.Nha Trang, hơn 580 đại biểu APEC đã tham dự các hoạt động của 8 nhóm công tác, tiểu ban và hội thảo của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương về phát triển nguồn nhân lực, chống tham nhũng và minh bạch hóa, di chuyển doanh nhân, khoa học đời sống và đổi mới, chuyên gia về khai thác gỗ trái phép và thương mại liên quan, tiêu chuẩn và hợp chuẩn, luật và chính sách cạnh tranh và các thủ tục hải quan.
Tiếp tục chương trình hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ 1 (SOM 1), ngày 20-2 tại TP.Nha Trang, hơn 580 đại biểu APEC đã tham dự các hoạt động của 8 nhóm công tác, tiểu ban và hội thảo của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương về phát triển nguồn nhân lực, chống tham nhũng và minh bạch hóa, di chuyển doanh nhân, khoa học đời sống và đổi mới, chuyên gia về khai thác gỗ trái phép và thương mại liên quan, tiêu chuẩn và hợp chuẩn, luật và chính sách cạnh tranh và các thủ tục hải quan.
Các đại biểu trao đổi bên lề diễn đàn đổi mới khoa học đời sống - Ủy ban chỉ đạo về hài hòa hóa quy định (LSIF-RHSC) - SOM 1. |
Các nhóm chống tham nhũng và minh bạch hóa, di chuyển doanh nhân đã kết thúc cuộc họp đầu tiên của năm 2017 với việc thông qua chương trình hoạt động và các ưu tiên công tác trong năm 2017. Các cuộc họp cũng rà soát việc triển khai các chương trình Hợp tác dài hạn của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương trong các lĩnh vực liên quan, nổi bật là Tuyên bố Bắc Kinh về phòng chống tham nhũng, chương trình Thẻ đi lại doanh nhân…
Tại cuộc họp các nhóm tiêu chuẩn và hợp chuẩn và phát triển nguồn nhân lực, các đại biểu nghe báo cáo tiến độ triển khai chương trình hành động tập thể về tạo thuận lợi thương mại; trao đổi về các sáng kiến, dự án về hài hòa chính sách theo các tiêu chuẩn quốc tế, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn và hợp chuẩn trong lĩnh vực giáo dục…
Trong khi đó, các đại biểu tham dự cuộc họp phát triển nguồn nhân lực đã dành nhiều thời gian thảo luận về kế hoạch hoạt động năm 2017, kế hoạch chiến lược của nhóm trong thời gian tới cũng như đánh giá lại hiệu quả hoạt động của nhóm trong năm qua. Các đại biểu đều nhấn mạnh hợp tác về phát triển nguồn nhân lực Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2017, cần góp phần thúc đẩy thương mại và đầu tư, hướng tới tăng trưởng kinh tế, gắn kết xã hội và thịnh vượng của các nền kinh tế thành viên. Với mục tiêu này, nhóm thống nhất sẽ thúc đẩy công tác chuẩn bị để tổ chức thành công “Đối thoại chính sách cao cấp về đào tạo nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số” tại TP.Hà Nội vào tháng 5-2017.
Cuộc họp của Nhóm công tác về chống buôn bán và chặt phá rừng bất hợp pháp (EGILAT) đã tiến hành nhằm tăng cường các biện pháp bảo vệ, phát triển nguồn tài nguyên rừng một cách bền vững, chống buôn bán, phá rừng trái phép, nâng cao năng lực cho các nền kinh tế thành viên APEC về thương mại gỗ hợp pháp. Cuộc họp tập trung thảo luận, tìm kiếm các biện pháp tăng cường mối liên kết trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho mục đích nói trên; đề xuất các giải pháp tăng cường liên kết giữa người sản xuất và người tiêu dùng, giữa những hộ nông dân trồng rừng quy mô nhỏ với những công ty chế biến gỗ xuất khẩu đa quốc gia nhằm tăng giá trị cây trồng, đảm bảo chỉ có gỗ khai thác hợp pháp được đưa vào chuỗi cung ứng chế biến xuất khẩu.
Cuộc họp lần thứ 11 Nhóm công tác về ứng phó khẩn cấp thiên tai tập trung vào thúc đẩy đổi mới ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm tăng cường khả năng chống chịu thiên tai cho các nền kinh tế APEC. Ngoài các nội dung chia sẻ thông tin về thiên tai trong khu vực, trong năm 2017 Nhóm dự kiến sẽ thảo luận đóng góp các khuyến nghị vào Tuyên bố Cần Thơ về tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, Nhóm dự kiến xây dựng sáng kiến chung về tăng cường khả năng chống chịu thiên tai thông qua thúc đẩy đổi mới khoa học - công nghệ trong phòng chống thiên tai trình lãnh đạo các nền kinh tế năm 2017.
Đoàn Việt Nam tiếp tục thể hiện tốt vai trò chủ nhà, chia sẻ kết quả triển khai nhiều sáng kiến, trong đó có dự án “Thúc đẩy thương mại hóa và đầu tư đối với sản phẩm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tiềm năng”.
Các hoạt động giao lưu văn hóa và giới thiệu về đất nước, con người của nền kinh tế chủ nhà là một nét đặc trưng của Diễn đàn APEC. Trong ngày 20-2, các đại biểu Nhóm Cơ chế đối tác chính sách khoa học - công nghệ và đổi mới APEC đã tham quan Viện Hải dương học và Tháp Bà Ponagar.
P.V (tổng hợp)