Bưởi ổi là giống bưởi khi chín có mùi thơm ngan ngát của ổi đào chín đan xen với mùi thơm nồng nàn của hoa bưởi đang thời nở rộ. Đặc trưng này góp phần giúp bưởi ổi trở thành đặc sản chỉ có riêng ở Đồng Nai, đa phần được trồng ở vùng đất thuộc xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu).
Bưởi ổi là giống bưởi khi chín có mùi thơm ngan ngát của ổi đào chín đan xen với mùi thơm nồng nàn của hoa bưởi đang thời nở rộ. Đặc trưng này góp phần giúp bưởi ổi trở thành đặc sản chỉ có riêng ở Đồng Nai, đa phần được trồng ở vùng đất thuộc xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu).
Vườn bưởi gần 0,6 hécta của ông Võ Tấn Kìa (ấp Bình Lục, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) chỉ còn lại 1 cây bưởi ổi, năm nay may mắn cho trái nhiều. |
Bưởi ổi được ví von như một cô gái thanh tao nhưng lại ẩn chứa sự yếu đuối, khó hòa hợp và hay bị tác động bởi ngoại cảnh. Sở dĩ ví như vậy bởi vì bưởi ổi rất kén đất, khó chăm sóc và chỉ cần thời tiết có những bất thường là cây không ra trái, hoặc chăm sóc không đúng cách có khi 2-3 năm liền không đậu được 1 trái. Cũng vì điều này mà nhiều nhà vườn đã “rũ bỏ” dần những cây bưởi ổi đã có thâm niên 14-16 năm.
Giống bưởi quý lâu đời
Ngày trước, nhà vườn trồng bưởi ở Tân Bình thường trồng bưởi ổi. Giống bưởi ổi cho trái đẹp, gần giống trái ổi xá lị nhưng to gấp rưỡi và mùi rất thơm. Nếu vườn nào chăm được bưởi ổi chín vào đúng dịp Tết Nguyên đán, giá bán cao hơn nhiều so với các giống bưởi khác. Bưởi ổi có ưu điểm để được lâu đến cả tháng liền nên nhiều gia đình thường thích dùng cúng tổ tiên và chưng trong dịp Tết Nguyên đán. Trái bưởi ổi ăn ngon nhất là khi vỏ ngoài đã héo quắt, mang thả vào chậu nước khoảng 25- 30 phút cho vỏ ngấm nước tươi lại mới gọt vỏ và ăn. Bưởi ổi khi ăn có vị thơm nưng nức của ổi chín và vị ngọt thanh, ít giống bưởi nào sánh kịp.
Ông Nguyễn Đình Trung (ấp Bình Lục, xã Tân Bình) cho hay: “Những giống bưởi khác trồng chỉ 4-5 năm cho trái, nhưng bưởi ổi phải 6-7 năm mới cho trái. Có những nhà trồng cả 10 năm sau mới bắt đầu cho trái bói. Trồng bưởi ổi chăm sóc tốt và thời tiết thuận lợi thì cứ một năm trúng, một năm thất. Vào năm trái nhiều lại trúng vụ tết, một cây bưởi có thể cho thu trên 10 triệu đồng”.
Theo ThS. Trần Thị Phương Chi, cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Cửu và cũng là người ở xứ bưởi Tân Triều, bưởi ổi vỏ mỏng, múi dày, hạt ít, khi hái xuống không nên ăn ngay mà nên chưng trong 2 tuần để thưởng thức mùi thơm “độc lạ” mà không giống bưởi nào có được. Khi lớp vỏ ngoài trái bưởi nhăn nheo mới đem ngâm nước và dùng dao cứa nhẹ vào lớp vỏ ngoài để thưởng thức tinh dầu ứa ra thơm ngát. Sau đó bóc dần vỏ, cùi đến lớp múi bên trong thì cơm bưởi hiện ra bắt mắt với những tép vàng nhạt căng mọng. Nhưng phải khi cho miếng bưởi vào miệng, nhai từ từ mới cảm nhận hết mùi vị thanh tao của bưởi ổi.
Dần dần mai một
Những lão nông lớn tuổi ở Tân Bình kể, vùng bưởi Tân Triều hình thành rất sớm, vào khoảng cuối thế kỷ thứ 19. Sau đó, cây bưởi có mặt khắp vùng và trở thành đặc sản của Đồng Nai với nhiều chủng loại khác nhau, như: bưởi đường lá cam, bưởi da láng, bưởi ổi, bưởi thanh trà, bưởi đường hồng, bưởi lựu... Trong số đó, bưởi ổi, bưởi đường lá cam là 2 giống bưởi ngon nhất được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Đây cũng là 2 giống bưởi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý vào cuối năm 2012. Khu vực được cấp chỉ dẫn địa lý, gồm các xã: Bình Hòa, Tân Bình, Bình Lợi, Thiện Tân và Tân An.
Tuy nhiên, do bưởi ổi chăm sóc khó, năng suất kém, lợi nhuận thu được thấp nên nhiều nhà vườn đã chặt bỏ dần và thay bằng bưởi đường cam, da xanh. “Gia đình tôi có trồng 5 cây bưởi ổi, phải mất gần 7 năm cây mới cho trái. Nhưng năm nào trúng cũng chỉ được 40-50 trái/cây, có khi 2 năm liền cây không có trái. Mới đây tôi đã chặt bỏ bưởi ổi, chỉ còn giữ lại 1 cây làm kỷ niệm” - ông Nguyễn Đình Trung (ấp Bình Lục, xã Tân Bình) chia sẻ. Ông Lê Văn Một (ấp Bình Lục) có hơn 10 cây bưởi ổi cũng mới chặt bỏ hết vì mấy năm liền không cho trái, năm nào may mắn có trái cũng chỉ 20-30 trái/cây. Vì vậy, dù biết đó là giống bưởi quý ông vẫn phải chặt bỏ để thay vào giống bưởi da xanh và đường lá cam. Ông Một so sánh: trồng bưởi đường lá cam, da xanh khoảng 4-5 năm có trái, từ năm thứ 6 trở đi mỗi cây bưởi cho thu từ 4-6 triệu đồng. Năm nào thời tiết thuận lợi, canh được bưởi vào trúng Tết Nguyên đán có cây bưởi cho thu gần 10 triệu đồng, lợi hơn hẳn so với bưởi ổi.
Cũng vì giá trị kinh tế thấp nên giống bưởi ổi ở xứ bưởi Tân Triều dần dần mai một, nhiều nhà vườn đã chặt bỏ hết giống bưởi quý. Ông Lê Xuân Trường, Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành (Sở Khoa học - công nghệ), nói: “Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, Sở có đề án nghiên cứu phục hồi giống bưởi ổi. Nhưng vì bưởi ổi năng suất thấp, lợi nhuận ít nên các nhà vườn đã chặt bỏ dần và thay vào các giống bưởi khác cho thu nhập cao hơn. Do đó, giống bưởi ổi đang dần bị mai một”. Một số lão nông đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề trồng bưởi chia sẻ, vài năm nữa giống bưởi ổi có lẽ chỉ còn là hoài niệm. Hiện số vườn còn giữ được giống bưởi ổi chỉ tính trên đầu ngón tay, vài năm nữa những cây này già cỗi hoặc sâu bệnh chết, sẽ chẳng còn mấy người có ý định trồng lại giống bưởi này.
Hương Giang