Báo Đồng Nai điện tử
En

Chàng trai "mê" tôm càng xanh

09:02, 26/02/2017

Tuy tham gia thị trường chưa lâu nhưng nông dân nuôi tôm càng xanh tại nhiều tỉnh, thành đều biết tiếng chàng kỹ sư thủy sản Nguyễn Tấn Lợi (ấp 4, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom). Đây là một trong những nông dân trẻ hiếm hoi của cả nước đầu tư sản xuất con giống đặc sản tôm càng xanh.

Tuy tham gia thị trường chưa lâu nhưng nông dân nuôi tôm càng xanh tại nhiều tỉnh, thành đều biết tiếng chàng kỹ sư thủy sản Nguyễn Tấn Lợi (ấp 4, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom). Đây là một trong những nông dân trẻ hiếm hoi của cả nước đầu tư sản xuất con giống đặc sản tôm càng xanh.

Anh Nguyễn Tấn Lợi giới thiệu lứa tôm giống chuẩn bị xuất ra thị trường.
Anh Nguyễn Tấn Lợi giới thiệu lứa tôm giống chuẩn bị xuất ra thị trường.

Đặc biệt, anh là người đi tiên phong sản xuất con giống toàn đực có giá bán gấp 2,5 giống tôm thường đang được thị trường săn tìm vì cho năng suất rất cao và nhiều ưu thế khác.

* Làm con giống đặc sản

Gia đình anh Nguyễn Tấn Lợi vốn chuyên sản xuất và cung cấp các loại cá giống nên từ khi còn rất nhỏ, anh đã thường xuyên phụ việc tại trại cá giống. Những công việc liên quan đến lĩnh vực sản xuất các loại cá giống đã theo anh suốt những năm tháng trưởng thành. Vì vậy, khi vào đại học Nguyễn Tấn Lợi quyết định chọn học ngành thủy sản. Năm 2010, anh tốt nghiệp đại học và về tiếp quản công việc sản xuất cá giống của gia đình. Trong nhà có người anh đầu tư nuôi con tôm càng xanh, thấy sản xuất con giống đặc sản này cho lợi nhuận tốt hơn nuôi cá giống, anh mạnh dạn chuyển đổi.

Anh Lợi kể: “Thời còn là sinh viên, tôi có phụ việc cho các thầy ở trường đại học sản xuất con tôm giống. Nhưng khi bắt tay vào thực tế, liên tiếp các đợt nuôi đầu tiên không có mẻ tôm giống nào ra lò vì mình làm không đạt. Mỗi đợt thất bại là mất trắng hàng chục triệu đồng. Tôi quyết định dừng công việc, tìm đến trại sản xuất tôm giống ở miền Tây xin làm chân phụ việc để học hỏi kinh nghiệm. Rồi dần dần vừa học kiến thức từ sách vở, vừa học từ chính những lần thất bại trong thực tế sản xuất để giỏi nghề”. 

* Cạnh tranh nhờ giống toàn đực

Anh Lợi kể, cuối năm 2013 Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 (TP. Hồ Chí Minh) nghiên cứu thành công và giới thiệu giống tôm càng xanh toàn đực. Không ngại thử nghiệm những kỹ thuật mới, anh lập tức liên hệ mua con giống này về nuôi thử dù sản xuất con giống toàn đực đòi hỏi vốn đầu tư cao hơn cả chục lần so với làm giống tôm thường; kỹ thuật nuôi cũng khó hơn, rủi ro lại cao. Nhưng anh vẫn quyết định chuyển sang sản xuất con giống mới này. Anh Lợi so sánh: “Giá con giống tôm toàn đực thời gian đầu ra thị trường cao gần gấp 3 lần giống tôm thường, giờ có hạ nhiệt ít nhiều nhưng vẫn cho lợi nhuận cao hơn hẳn”. Giống tôm toàn đực cũng giúp nông dân nuôi tăng cao về mặt năng suất và có nhiều ưu điểm, như: tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt ngon, khả năng thích ứng với môi trường và sức chống chịu tốt hơn... Đặc biệt khi thu hoạch, con tôm đực bán ra thường có giá cao hơn rất nhiều so với con tôm cái cùng lứa. 

Tuy có con giống tốt nhưng anh Lợi đã phải bươn chải rất nhiều để tìm đầu ra cho sản phẩm vì đây là con giống mới, giá bán ra cao trong khi đa số người nuôi vẫn xa lạ với anh kỹ sư còn trẻ măng này. Anh tìm đến tận các hộ nuôi tôm, tặng con giống để thuyết phục họ nuôi thử nghiệm giống mới. Đến nay, trung bình mỗi tháng anh Lợi cung cấp ra thị trường hàng triệu con tôm giống. Không chỉ trụ vững tại thị trường Đồng Nai mà anh còn xuất ngược trở về các tỉnh, thành vốn là vựa tôm, cá giống ở miền Tây, như: Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre... Theo anh Lợi: “Nhu cầu về giống con tôm càng xanh toàn đực hiện vẫn còn rất lớn vì nông dân chọn con giống này nhiều. Trong khi đó, cả nước chỉ có vài ba cơ sở sản xuất được con giống khó chiều này nên không sợ bị “đụng” hàng”.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều