Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ động ứng phó với cao điểm mùa khô

09:02, 20/02/2017

Cao điểm mùa khô năm nay rơi vào khoảng cuối tháng 3 và đầu tháng 4, được dự báo sẽ không gay gắt như năm ngoái. Hiện tại, công tác thủy lợi ứng phó với mùa khô tại nhiều địa phương được tích cực thực hiện...

Cao điểm mùa khô năm nay rơi vào khoảng cuối tháng 3 và đầu tháng 4, được dự báo sẽ không gay gắt như năm ngoái. Hiện tại, công tác thủy lợi ứng phó với mùa khô tại nhiều địa phương trong tỉnh vẫn được tích cực thực hiện theo kế hoạch.

Đập thủy lợi phục vụ cánh đồng Năm Sao (xã Phú Bình, huyện Tân Phú) có lượng nước dồi dào hơn nhiều so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái.
Đập thủy lợi phục vụ cánh đồng Năm Sao (xã Phú Bình, huyện Tân Phú) có lượng nước dồi dào hơn nhiều so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, nhiệt độ trung bình trong các tháng mùa khô năm 2017 có khả năng cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5-10C, nhiệt độ cao nhất sẽ xuất hiện trong tháng 4-2017 vào khoảng 37-390C. Mực nước thượng nguồn sông Đồng Nai trong các tháng mùa khô có xu hướng xuống dần, từ tháng 3 đến tháng 4 ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm.

* Đảm bảo nguồn nước

Ông Nguyễn Phước Huy, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, cho biết: “Mùa khô năm nay sẽ ít gay gắt và có thể kết thúc sớm hơn năm ngoái. Nguyên nhân là do lượng mưa trong năm 2016 khá cao, đạt 107% so với trung bình nhiều năm và sự xuất hiện của nhiều cơn mưa trái mùa trong thời gian qua đã giúp cho mực nước ở các sông, suối trên địa bàn tỉnh tăng lên. Dự báo năm nay mùa mưa sẽ bắt đầu vào khoảng tháng 5”.

Theo Chi cục Thủy lợi Đồng Nai (Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn), mực nước tại các hồ chứa sau Tết Nguyên đán năm 2017 đều cao hơn so với trung bình nhiều năm. Riêng hồ Đa Tôn (huyện Tân Phú) có dung tích lớn nhất tỉnh với hơn 19 triệu m3, tính đến giữa tháng 2 dung tích hồ chứa đạt khoảng 95% so với cùng kỳ năm 2016.

Do các hồ đang phục vụ tưới vụ đông - xuân năm 2016-2017 nên tổng dung tích các hồ sau Tết Nguyên đán có giảm so với thời điểm kết thúc mùa mưa năm 2016. Tuy nhiên, những cơn mưa trái mùa vừa qua cũng đã bổ sung thêm lượng nước cho các hồ. Đến nay, nguồn nước tại các sông, suối, công trình thủy lợi trong tỉnh đảm bảo phục vụ sản xuất theo kế hoạch.

Vụ đông - xuân năm nay, các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh phục vụ nước tưới cho gần 19,4 ngàn hécta cây trồng, chủ yếu là lúa với hơn 10,6 ngàn hécta; các loại rau màu, cây hàng năm, cây công nghiệp, cây ăn trái chiếm gần 8 ngàn hécta và 883 hécta thủy sản. Hiện tại, hầu hết các địa phương đều có phương án đảm bảo nguồn nước cho vụ thu hoạch đông - xuân sắp tới.

Ông Trần Thanh Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Bình (huyện Tân Phú), chia sẻ: “Gần 650 hécta lúa vào vụ đông - xuân trong xã được đảm bảo cung cấp đủ nước tưới vào mùa khô năm nay nhờ nguồn nước từ sông La Ngà, hồ Đa Tôn và các đập thủy lợi ở địa phương”.

Tương tự, ông Phạm Quốc Khánh, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất), nói: “Xã chủ yếu trồng các loại rau ăn lá. Mùa khô năm nay, chúng tôi luôn bố trí người luân phiên theo dõi tình hình tại các đập, trạm bơm trên địa bàn hàng ngày. Hiện tại, nguồn nước dẫn về hệ thống kênh mương thủy lợi của xã được đảm bảo”.

* Không được chủ quan

Năm nay, tình hình mùa khô không quá gay gắt như nhiều năm trước. Tuy nhiên, Chi cục Thủy lợi Đồng Nai vẫn khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý và chủ động phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp ứng phó với mưa trái mùa, thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, kiểm tra, nạo vét thường xuyên hệ thống kênh mương nội đồng,…

“Hiện tại, các đợt mưa trái mùa đã giảm. Tuy nhiên, vào cao điểm mùa khô có khả năng mưa trái mùa vẫn có thể xảy ra. Do đó, người dân cần theo dõi, chuẩn bị kỹ các biện pháp kỹ thuật phòng trừ dịch hại cho cây trồng, vật nuôi…” - ông Nguyễn Phước Huy chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, độ mặn trung bình tại nhiều khu vực trong tỉnh, như: Cát Lái, Đại Phước (huyện Nhơn Trạch) hiện đang thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái từ 3,3-6,4‰. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần thường xuyên theo dõi độ biến thiên độ mặn để kịp thời xử lý, hạn chế thiệt hại trong sản xuất.

“Hiện tại, tình hình xâm nhập mặn ở nhiều địa phương trong huyện không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, bà con nông dân cũng không nên chủ quan, cần theo dõi sát sao sự biến thiên của thời tiết để kịp thời, chủ động ngăn mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất khi cần thiết” - ông Nguyễn Kim Vinh, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch, khuyến cáo.

Hải Quân

Tin xem nhiều